Góc nhìn của tôi: Thầy Đức!

Thứ Năm, 19/05/2011, 09:16
1. Năm 1995, khi HLV Weigang xuất hiện ở Việt Nam và tuyên bố sẽ giúp ĐTVN lọt vào bán kết môn bóng đá SEA Games nhiều người đã nghĩ rằng ông thầy không biết gì nên nói cho… sướng miệng.

Nhưng thực tế là bằng việc kéo cả ĐT sang Đức đá tập huấn hết trận nọ tới trận kia, bên cạnh việc giúp ĐT cải thiện được những kỹ năng chuyên môn,  Weigang hồi ấy đã làm được một điều cực kỳ quan trọng: Chữa căn bệnh tự ti của những cầu thủ rất ít khi… va chạm nước ngoài.

Quả nhiên là một khi cái bệnh tự ti được chữa trị, một khi ĐTVN tin vào năng lực chiến thắng của mình thì chúng ta đã quật ngã Malaysia, quật ngã Indonesia, rồi quật ngã cả "ông kẹ" của bóng đá ĐNA lúc ấy là Myanmar để hiên ngang tiến vào chung kết. Kể từ cái cột mốc 1995 ấy với chiếc HCB SEA Games kiêu dũng ấy, BĐVN chính thức bước qua trang sử mới của mình.

2. Đúng một thập kỷ trôi qua kể từ ngày "thầy Đức Weigang" đặt dấu ấn của mình, bóng đá Việt Nam lại đón nhận một "thầy Đức" khác Falko Goetz. Lần này thì bóng đá Việt Nam đang có một tư thế khác và rất khác so với 10 năm trước. Lần này chẳng ai bảo cầu thủ Việt Nam tự ti nữa, mà trái lại, nhiều lúc còn rơi vào cảnh… tự tin quá mức. Cũng chẳng ai bảo bóng đá Việt Nam phải đặt mục tiêu lọt vào bán kết một giải đấu khu vực nữa, mà trái lại, phải lên "vua" và giữ vững ngôi "vua" khu vực, để từ đó bay lên bầu trời châu Á.

Nói một cách hình ảnh, khi đến với bóng đá Việt Nam, nếu như "bác sĩ người Đức" Weigang của một thập kỷ trước mang nhiệm vụ "chữa bệnh suy dinh dưỡng" thì "bác sĩ người Đức" Falko Goetz của thời hiện tại lại mang nhiệm vụ xây dựng, bồi đắp một cơ thể cường tráng, giàu uy lực. Hai nhiệm vụ ấy, nhiệm vụ nào cũng khó, nhưng rõ ràng là nhiệm vụ sau tầm vóc hơn, được kỳ vọng nhiều hơn, và vì thế cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khó lường hơn.

3. Thôi thì hãy cứ tin và cứ hy vọng rằng 10 năm và hai ông thầy Đức - bóng đá Việt Nam rồi sẽ gắn với hai cột mốc, hai  chu kỳ hạnh phúc không thể nào quên

Phan Đăng
.
.
.