Góc bếp Nhật và giấc mơ quảng bá ẩm thực Việt qua phim ảnh

Thứ Tư, 30/09/2015, 06:46
Ngày 29/9, 'Hương vị tình yêu” - phim truyền hình dài tập của Nhật Bản được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Hãng phim TFS chiếu dành riêng cho báo chí trước khi công chiếu phục vụ khán giả cả nước.

Phim gồm 51 tập, nhưng chiếm một số lượng rất lớn cảnh phim là góc bếp Nhật, gắn liền với vô số những món ăn truyền thống của Nhật mà người xem chỉ nhìn cách chế biến, cách nhân vật ăn là đã muốn nếm thử…

Món ăn truyền thống Nhật nhưng người xem dễ nhận ra rất nhiều thực phẩm quen thuộc của Việt Nam: khoai lang, rau cải, đậu tương, gạo trắng... Rất nhiều món ăn dân dã, thậm chí là món ăn của “nhà nghèo” như khoai lang nấu cháo, đậu tương lên men, dưa muối cám… Chỉ khác là, qua bàn tay đạo diễn, nhà quay phim và diễn xuất của các diễn viên, các món ăn trở lên hấp dẫn đến lạ. Trải dài trong suốt chiều dài truyện phim, dấu ấn văn hóa Nhật luôn đậm đặc.

Cơm trắng cũng trở nên hấp dẫn trên phim ảnh nước bạn.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ, người xem có thể cảm nhận được sự hiện diện của văn hóa Nhật, cả truyền thống và hiện đại một cách tự nhiên theo từng bước đi cho đến… hơi thở của nhân vật.

Việc quảng bá ẩm thực qua phim ảnh đã không phải là câu chuyện xa lạ. Gần gũi nhất và phổ biến nhất là ẩm thực Hàn Quốc và làn sóng ẩm thực Hàn với bạn trẻ Việt sau các cơn lốc phim truyền hình Hàn. Ở các đô thị lớn hiện nay, có lẽ, rất nhiều bạn trẻ và nhiều người không còn trẻ đều biết khá rõ nhiều món ăn truyền thống cho đến món ăn nhanh phổ biến của người Hàn nhờ phim ảnh.

Phần lớn người Việt đều có thể khẳng định và tự hào về một quốc gia có nền ẩm thực đặc biệt phong phú. Tổng Giám đốc VietKings - Tổ chức kỷ lục Viêt Nam, anh Lê Trần Trường An cho biết, sau nhiều năm tổ chức hành trình tìm kiếm, tôn vinh, quảng bá ẩm thực Việt, tham khảo ẩm thực rất nhiều nước trên thế giới, anh có thể khẳng định hiếm có quốc gia nào có nền ẩm thực phong phú và lành mạnh như Việt Nam. Nhiều năm trước, chuyên gia marketing hàng đầu thế giới – Philip Khohler, khi chia sẻ về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cũng đã từng có lời khuyên rằng Việt Nam nên hướng tới thương hiệu “Bếp ăn hàng đầu thế giới”…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc phát huy tiềm năng này chưa được đầu tư tương xứng. Ngay với phim ảnh – con đường ngắn và hữu hiệu trong quảng bá ẩm thực Việt gần như bị bỏ ngỏ. Mỗi năm, Việt Nam có ít nhất vài ngàn tập phim được sản xuất, trong đó, rất nhiều phim có thể khai thác giới thiệu quảng bá ẩm thực, song hầu hết các phim đều chưa chú ý đầu tư cho lĩnh vực này. Bữa ăn Việt khắp 3 miền trong phim đều có thể xuất  hiện, thậm chí có thể xuất hiện tần suất cao nhưng thường cho người xem cảm giác minh họa, làm cho có. Cảnh trong phim, nếu có gắn với nấu nướng, thông thường chỉ là cảnh… nhặt rau. Bữa ăn trong rất nhiều phim thường rất đơn điệu.

Cầu kỳ hơn một chút, trong các cảnh về mâm cơm gia đình khá giả, nếu có, cũng thường là món chiên nào đó được trang trí bằng rau xanh, củ quả xung quanh, chủ yếu là để tạo hình cho đẹp hơn là thưởng thức. Chưa kể, diễn viên diễn cảnh ăn thường theo kiểu “chấm mút” cho có lệ khiến người xem có cảm giác chán ăn theo. Thế nên, không khó hiểu khi hiện nay việc quảng bá ẩm thực Việt qua phim ảnh vẫn chỉ như… giấc mơ dài.

Phim được phát sóng vào 17h30 các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần trên kênh HTV9 kể từ ngày 4/10.

Ngọc Nguyễn
.
.
.