Giữ hồn cồng chiêng người Châu Mạ

Thứ Năm, 02/10/2014, 09:14
Cách đây 63 mùa rẫy, khi ấy Điểu KĐen, ngụ tại buôn Go, thị trấn Cát Tiên (Lâm Đồng) mới là một cậu bé lên 7 tuổi. Nhưng lạ thay, khác hẳn với những đứa trẻ cùng trang lứa không biết gì về cồng chiêng thì KĐen lại tỏ ra mình là người tinh thông về loại nhạc cụ này.

Bởi vậy, trong con mắt của cộng đồng người Châu Mạ nơi đây, Điểu KĐen là một thần đồng về âm nhạc cồng chiêng. Khi nói về mình, KĐen chân chất chia sẻ: “Mình nghe tiếng cồng chiêng từ khi còn trong bụng mẹ, lớn lên thì mình biết chơi ngay thôi!...”.

KĐen vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều đời nổi tiếng có truyền thống chơi cồng chiêng hay, am hiểu về các điệu nhảy múa của người Châu Mạ. Những người lớn tuổi nhất trong buôn Go kể lại rằng, lúc mới chào đời, KĐen đã rất đam mê tiếng cồng chiêng. Mỗi lần cậu bé khóc, cha mẹ chỉ cần lấy cồng chiêng ra đánh là đứa trẻ này im bặt, lắng tai nghe một cách thích thú. Lúc biết đi, tập nói, cũng là lúc KĐen tiếp cận với cồng chiêng do người cha truyền lại. Đứa trẻ này mê đánh cồng chiêng hơn là theo đám bạn ra đồng đùa nghịch. Bởi vậy, 7 tuổi, KĐen đã trở thành một bậc thầy tinh thông về cồng chiêng, được cộng đồng người Châu Mạ khâm phục, phong là thần đồng của loại nhạc cụ này. Lúc bấy giờ, trong các lễ hội quan trọng của cộng đồng Châu Mạ như đâm trâu, mừng lúa mới, mừng thôi nôi hay các buổi sinh hoạt của buôn… cần đến nhảy múa, đánh cồng chiêng, dứt khoát không thể thiếu đứa trẻ này.

Chân dung Điểu KĐen.

Giờ đây, ở cái tuổi 70, Điểu KĐen lại được cộng đồng người Châu Mạ đặt cho một tên gọi đầy tính ngưỡng mộ: Thầy chiêng!... Không chỉ đánh chiêng giỏi nhất các buôn gần, buôn xa, mà KĐen còn là bậc thầy trong việc chỉnh sửa cồng chiêng. Ông cho biết, sửa cồng chiêng không dễ nhưng cũng không đến nỗi quá khó, quan trọng là sự đam mê. “Mỗi lần chỉnh sửa nó, tôi phải đắm hồn mình vào cái cồng, cái chiêng” - KĐen nói. Theo “thầy chiêng”, trước đây thường dùng đá mài, đá phải chọn những hòn đá tốt ở dưới đáy các con sông, con suối để mài chỗ hư hỏng của cồng chiêng. Muốn âm vang to thì mài theo đường tròn với đường kính nhỏ, ở mặt giữa; và ngược lại, muốn cho cồng chiêng vang nhỏ, trong hơn thì mài đường tròn với đường kính lớn giáp thành chiêng.

Sợ văn hóa truyền thông này trong cộng đồng mình ngày càng bị mai một, KĐen đang dành những tháng ngày còn lại của đời người để đem hết tài năng và tâm huyết của mình ra truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông đã dạy nhiều người, nhiều lớp trẻ và giờ đây ai cũng đã biết đánh cồng chiêng. Ông kỳ vọng con cháu sẽ là người tiếp sức ông giữ lấy linh hồn của cộng đồng Châu Mạ nơi đây. Nói về KĐen, ông Điểu KDũng, Trưởng buôn Go, thị trấn Cát Tiên, chỉ biết thốt lên rằng: “Thầy chiêng” giỏi lắm! Biết đánh tất cả các điệu cồng chiêng của đồng bào mình với các loại cồng chiêng như Me, Thơm, Klòng, Thơ, Thê…, mỗi tiếng cồng chiêng vang lên như mang hơi thở, mang linh hồn cho buôn”.

Điểu KĐen còn là một trong những người hiếm hoi còn lại biết thiết kế và làm nhà sàn, cây nêu… giỏi. Ông từng được các khu du lịch, khu bảo tồn văn hóa nhà sàn mời đến thiết kế, chỉ đạo thi công. KĐen được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng công nhận là Nghệ nhân cồng chiêng. Giờ đây, với 48 năm tuổi Đảng, là cựu chiến binh, hội viên Hội Người cao tuổi, “thầy chiêng” không còn đủ sức khỏe để đi nhiều nơi biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con đồng bào mình, ông nói đang chạy đua với thời gian để truyền lại cho con cháu tất cả những gì về văn hóa cồng chiêng mà một đời ông lĩnh hội được

Kim Ngân - K Liệp
.
.
.