Giờ vàng... phim cũng phải hay

Thứ Ba, 16/12/2008, 08:56
Các phim như Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ... xem dăm mười tập còn có khả năng chịu được chứ kéo dài mãi quả là phí phạm cho giờ vàng của nhà đài quá. Vì mỗi thời khắc vàng ấy khi nó có giá trị thực sự sẽ có ích cho công tác tuyên truyền rất nhiều, nhất là những sản phẩm mang giá trị xã hội và văn hóa cao.

Được biết, các nhà làm chương trình đã chuẩn bị từ lâu và khá dụng công trong việc Việt hóa phim truyện truyền hình trong giờ vàng của VTV với mong muốn lấp dần khoảng trống thiếu hụt của sản phẩm truyền hình. Bây giờ, hằng tuần khán giả trong giờ vàng của VTV đã được xem phim Việt. Sau háo hức ban đầu là sự nuối tiếc.

Xin lỗi các nhà làm phim truyện truyền hình trên giờ vàng hiện nay của VTV, có thể dẫn ra các phim Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ... Cứ nghĩ sẽ được thưởng thức một sản phẩm loại A nhưng lại phải thưởng thức một món quà ngoại nhập nội chưa thật hoàn chỉnh. Hai loại sản phẩm, một của phía Bắc làm, một của phía Nam làm, kéo dài hết tập này đến tập khác, mới đầu sau khi được nghe tuyên truyền quảng bá người xem hy vọng nhiều sau đó là nản dần và oải ra.

Trước hết nói về nội dung phim. Nghe nói các phim này được chế tác từ cái "phom" của các tác phẩm ăn khách và có tiếng tăm về kịch bản phim truyền hình của nước ngoài. Tất nhiên nó không còn là nguyên bản nữa khi được các nhà viết kịch bản của ta thuần hóa lại theo cảm xúc và cách nghĩ của người Việt Nam. Và người Việt đã được xem phim Việt về người Việt qua bản quyền gốc kịch bản của người nước ngoài. Nghiễm nhiên khi trình chiếu trên truyền hình nó là phim Việt. Nhưng quả là càng xem càng thấy hẫng hụt.

Thật sự ý nghĩa xã hội của các phim này không được nhiều ngoài sự thân quen, mến mộ, ưa thích một số diễn viên vốn có uy tín trên phim trường và sàn diễn nhưng chưa hẳn là ấn tượng ở các phim này.

Có phim là nhiều chuyện gộp lại làm một chuyện quanh việc quản lý và sống cùng nhau trong một chung cư có nhiều chuyện lầm lẫn bực bõ nhưng kết cục là vui vẻ. Có phim xoay quanh chuyện làm ăn, sinh sống kéo dài như tiểu thuyết ở một công ty thời trang với một dàn nhân vật - diễn viên trẻ trung, xinh đẹp, bắt mắt. Cho đến tập bây giờ phim đã qua con số 100 rồi câu chuyện vẫn loanh quanh như con kiến leo cành đào trong nội dung cùng những trò mị khách tươi mát bởi các pha quan hệ hoặc làm trò được khéo léo xen kẽ. Tuy vậy nhiều chi tiết, tình tiết cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người xem cảm thấy chán.

Đừng nghĩ kịch bản phim ngoại tốt, ăn khách khi nhập Việt đã là hay khi nó không thật sự được Việt hóa một cách tâm huyết và cẩn trọng.

Các phim trên xem dăm mười tập còn có khả năng chịu được chứ kéo dài mãi kiểu này quả là phí phạm cho giờ vàng của nhà đài quá. Vì mỗi thời khắc vàng ấy khi nó có giá trị thực sự sẽ có ích cho công tác tuyên truyền rất nhiều, nhất là những sản phẩm mang giá trị xã hội và văn hóa cao.

Từ lâu người Việt Nam ưa những phim gần gũi với buồn vui của họ cho nên những phim nào có nội dung ấy là người xem cảm tình ngay cho dù còn có những lỗ mỗ vụng về trong thể hiện họ vẫn thấy mến mộ. Thực sự ta cũng đã có những phim vàng chất lượng cho những giờ vàng quý giá, nhưng nếu quá sốt ruột mà làm vội cho đạt chỉ tiêu thì chỉ làm vất vả cho thẩm mỹ người xem.

Hơn lúc nào hết người làm phim lúc này cần có được tình cảm quý báu ấy của người xem. Làm dâu trăm họ là một chuyện không dễ nhưng làm được điều đó sẽ là một hạnh phúc lớn của người làm phim truyện truyền hình

Thư Minh
.
.
.