Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3: Nơi hội tụ tâm linh dân tộc Việt

Thứ Ba, 15/04/2008, 10:32

Tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, lần đầu tiên Bộ VH- TT &DL cho phép chủ lễ cấp tỉnh đọc chúc văn (văn tế), góp phần tạo không khí thiêng liêng, trang trọng hơn trong lễ dâng hương.

Sáng nay, 10/3 âm lịch, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức được khai mạc trong không khí nao nức, tưng bừng mà rất đỗi thiêng liêng. Từ sáng sớm, các ngả đường đổ về Đền Hùng đã đông kín người và xe. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Tổ chức lễ hội Đền Hùng đã trang trọng làm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Đền Thượng.

Trảy hội Đền Hùng.

Năm nay, người dân thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) - một làng cổ đã tham gia xây dựng Đền Trung - vinh dự được rước kiệu lễ vật lên đỉnh non cao. 100 chiếc bánh chưng, 100 chiếc bánh dày dán chữ Phúc đỏ tươi làm lễ vật dâng Vua cùng đoàn 100 con cháu Lạc Hồng cầm cờ hội, như sự khẳng định truyền thống sâu bền của cội gốc. Hàng vạn người hành hương cùng kính cẩn nghiêng mình trước tiên tổ, với niềm thành kính đi từ tâm thức.

Mùi hương trầm tỏa sâu trong không gian, thấm vào từng nhành lá, lộc cây trên đỉnh Nghĩa Lĩnh với những lời cầu ước cho đất nước bình yên, các gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, như khát vọng ngàn đời của tiên tổ vọng vang khắp núi rừng.

Chưa bao giờ lễ hội Đền Hùng lại đông đúc như năm nay. Đi trong dòng gần 3 triệu người hành hương trẩy hội Đền Hùng trong ngày giỗ trọng, lòng thấy rộn ràng, thư thái. Đi đến đâu cũng có tiếng trống, tiếng nhạc hội, đi đến đâu cũng được xem những trò diễn dân gian thể hiện nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền tụ về Đất Tổ. Một không gian văn hóa rộng mở, không khí lễ hội vui hơn, sôi động hơn đúng như khẳng định của ông Nguyễn Tiến Khôi, Phó Ban thường trực Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đây cũng là năm đầu tiên, Ban Tổ chức lễ hội Đền Hùng tổ chức nhiều hoạt động mới cả về phần lễ lẫn phần hội. Năm nay, lần đầu tiên Bộ VH- TT &DL cho phép chủ lễ cấp tỉnh đọc chúc văn (văn tế), góp phần tạo không khí thiêng liêng, trang trọng hơn trong lễ dâng hương. Các đoàn đại biểu của nhiều tỉnh, thành trong cả nước về dâng hương cùng một tâm thế hướng về quê cha Đất Tổ theo đạo lý tự ngàn đời "Uống nước nhớ nguồn".

Với 36 tỷ đồng đầu tư của Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, Đền Thượng năm nay được tôn tạo bằng gỗ lim, khang trang, vững chãi mà tinh xảo. Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã mở cuộc vận động cán bộ, nhân viên trong toàn ngành quyên góp gần 4 tỷ đồng, gia đình ông Nguyễn Văn Hậu (Phú Thọ) công đức 1 tỷ và một số gia đình ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cung tiến chiếc chuông đồng nặng gần 5 tạ trị giá 300 triệu đồng... với mục đích gìn giữ di sản văn hóa cho con cháu muôn đời.

Sau lễ dâng hương trang trọng, các hoạt động văn hóa nhân ngày Giỗ Tổ tiếp tục đồng loạt diễn ra khắp TP Việt Trì. Tại trung tâm lễ hội ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các đoàn văn nghệ của 3 miền trình diễn các bài ca, điệu múa dân gian đặc trưng và hấp dẫn, nên thu hút đông đảo du khách tham gia...

Cùng với sự đổi mới kéo dài về thời gian và không gian lễ hội, các loại hình dịch vụ phục vụ lễ hội Đền Hùng đã được quy hoạch tổng thể với sự kiểm tra sát sao của các lực lượng liên ngành đã khiến lượng người về trẩy hội Đền Hùng đông kỷ lục nhưng an toàn. Trung tâm dịch vụ du lịch tại Đền Hùng được thành lập theo quyết định của Tỉnh ủy Phú Thọ với 30 gian hàng kinh doanh những mặt hàng đặc sản đạt tiêu chuẩn chất lượng của Phú Thọ.

Việc khai trương hai nhà ăn, giải khát với sức chứa gần 1.000 khách, mở cửa suốt ngày phục vụ đồng bào hành hương về Đất Tổ, góp phần tạo nên sự an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tượng “chém chặt” khách được ngăn chặn với sự giám sát và xử lý kiên quyết của lực lượng Công an và Quản lý thị trường.

Hầu hết các điểm trông giữ ôtô, xe máy đều niêm yết công khai giá do tỉnh quy định. Về trẩy hội Đền Hùng năm nay, du khách còn có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ cũng như tham quan các làng cổ ven Đền Hùng bằng hệ thống xe điện, lần đầu tiên được đưa vào phục vụ.

Ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó Ban thường trực Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương 2008 cho biết: Phú Thọ đã chính thức đề nghị Chính phủ về việc từ các năm sau, các tỉnh trong cả nước sẽ cùng Phú Thọ tham gia tổ chức Giỗ Tổ.

Nếu mong muốn này được chấp nhận, mỗi năm, sẽ có 5 tỉnh đại diện cho các vùng miền đất nước cùng tổ chức, là dịp để nâng cao ý thức trách nhiệm của các địa phương với quê hương nguồn cội, cũng là dịp để giáo dục truyền thống và niềm tự hào dân tộc về lịch sử lâu đời của đất nước.

Nghĩa Lĩnh vẫn xanh tươi vượng khí như xưa. Dưới chân ngọn núi mang hồn thiêng dân tộc, 18 cây đa tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng dựng nước, biểu hiện sức sống trường tồn của đất nước, mãi gợi nhắc đồng bào Việt Nam dù "ăn đâu, làm đâu" cũng luôn nhớ về quê hương đất nước, nhớ về nguồn cội

Thanh Hằng - Thu Uyên
.
.
.