Giao lưu, triển lãm “60 năm vang mãi lời người”

Thứ Hai, 09/06/2008, 20:34

Kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua Ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2008), ngày 9/6/2008, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu với các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến xuất sắc với chủ đề “60 năm vang mãi lời người”.

Tại cuộc giao lưu, anh hùng La Văn Cầu (được tuyên dương tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, năm 1952) đã kể về trường hợp ông chiến đấu tại chiến dịch Biên giới và bị thương rồi chặt bỏ cánh tay để tiếp tục chiến đấu. Đến nay, đã gần 55 năm kể từ Đại hội vinh danh những điển hình tiên tiến lần thứ nhất, anh hùng La Văn Cầu vẫn giữ nguyên vẹn những ấn tượng về không khí của đại hội cũng như cảm xúc khi lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những vị khách khác như AHLĐ Bùi Văn Thọ (được tuyên dương tại ĐH chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ bảy); TS Bạch Thị Thanh Dân - nguyên Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương và chị Nguyễn Thị Phương, GĐ Trung tâm giáo dục lao động số II, Ba Vì, Hà Tây đã kể về quá trình lao động, phấn đấu, thi đua theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

TS Bạch Thị Thanh Dân tại buổi giao lưu 60 năm vang mãi lời Người.

Dù là công nhân máy xúc trên các công trình thuỷ điện, người quản lý hơn 1.3000 người nghiện ma tuý, gái mại dâm, những đứa trẻ nhiễm HIV hay nhà khoa học nghiên cứu những giống gia cầm mới, họ đều đã chung sức, chung lòng ra sức thi đua, phấn đấu trong công tác, lao động, học tập như mong muốn của Bác Hồ trong lời dạy về thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948).

60 năm, lời dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” vẫn còn nguyên giá trị và luôn là kim chỉ nam, động lực cho phong trào thi đua yêu nước lan toả từ nông thôn tới thành thị, ở khắp mọi ngành, các cấp…

Nhận xét về lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Xanh (ĐH KHXH&NV) cho rằng: Phải nhìn nhận vai trò của Bác trên 3 phương diện: Bác là “kiến trúc sư” của phong trào thi đua yêu nước; Bác là “kỹ sư thi công” của phong trào (tiêu biểu là việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc vào năm 1948); Bác là người chứng kiến sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Xanh, mỗi thời kỳ đều có một phong trào thi đua yêu nước với những đặc điểm riêng nhưng mọi phong trào thi đua yêu nước đều đạt được những hiệu quả vô cùng to lớn góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

* Cùng ngày, Bảo tàng Cách mạng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức trưng bày chuyên đề 60 năm vang mãi lời Người.

Một góc triển lãm.

Với hơn 300 hiện vật, tài liệu, hình ảnh (trong đó có nhiều hiện vật nguyên gốc, nhiều tài liệu có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hình ảnh tư liệu quý hiếm lần đầu tiên được công bố), triển lãm đã phác hoạ được về phong trào thi đua yêu nước và đặc biệt là vai trò, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào thi đua yêu nước.

Dự kiến triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 31/7/2008

Nam Anh
.
.
.