Giao lưu “Vì chủ quyền và sự bình yên của Tổ quốc”

Thứ Sáu, 27/02/2009, 19:34
Chiều 27/2, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra buổi giao lưu “Vì chủ quyền và sự bình yên của Tổ quốc”. Buổi giao lưu nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng Bộ đội Biên phòng, hiểu thêm những nhiệm vụ khó khăn gian khổ, những thử thách cam go mà nhân dân biên giới và cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm phải đối mặt.

Các vị khách mời của buổi giao lưu: Giáo sư Phạm Xanh - giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thiếu tướng Võ Trọng Việt - Chính ủy Bộ đội Biên phòng và Đại úy Nguyễn Văn Thiên - Đội phó đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 575, Bộ đội Hà Tĩnh.

Đến dự buổi giao lưu còn có đồng chí Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cùng đông đảo sinh viên, quân nhân...

Ngược dòng lịch sử, Giáo sư Phạm Xanh đã đưa người nghe tìm về những câu chuyện thuở cha ông ta mở cõi. Trải qua ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn thấy rõ vai trò vùng biên cương của Tổ quốc và cũng luôn khẳng định đây là bộ phận thiêng liêng bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia.

Chính ủy Bộ đội Biên phòng, Thiếu tướng Võ Trọng Việt trình bày những chiến lược, sách lược của Đảng và Nhà nước ta nhằm đảm bảo vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn hội nhập và phát triển, đồng thời kể về những tấm gương điển hình trong công tác giáo dục, tuyên truyền cho bà con dân tộc.

Theo Chính uỷ Võ Trọng Việt, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng và nặng nề mà đất nước giao cho Bộ đội biên phòng. Để làm tốt nhiệm vụ, Bộ đội biên phòng phải dựa vào sức dân, phải tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị và tiềm lực mọi mặt…

Đến từ Hà Tĩnh, Đại úy Nguyễn Văn Thiên đã kể về những khó khăn, vất vả mà đồng chí và các chiến sĩ biên phòng đã phải đối mặt khi lên bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) giúp đỡ đồng bào dân tộc Chứt. Ở đây, các anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, dạy chữ nhằm giúp đời sống của bà con được yên ấm hơn.

Các vị khách mời tại buổi giao lưu.

Với phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” và tinh thần “Tháng không ngày, tuần không thứ và ngày không giờ giấc”, các chiến sĩ biên phòng cắm bản ở Rào Tre đã thực sự đem hơi ấm và văn minh đến với đồng bào Chứt.

Những người tham dự buổi giao lưu đã đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu sâu thêm về truyền thống lực lượng Bộ đội Biên phòng, những công việc thầm lặng mà các chiến sĩ Biên phòng đã thực hiện nhằm bảo vệ phên dậu của đất nước cũng như giúp đỡ đồng bào vùng biên phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo...

* Cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2009), 20 năm ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2009) và 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009) Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã phối hợp với Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng tổ chức Triển lãm chuyên đề 20 năm ngày Biên phòng toàn dân.

Triển lãm có hơn 300 hiện vật, tài liệu hình ảnh, trong đó có giá trị lịch sử - văn hóa về công tác biên phòng, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác biên phòng, đóng góp của các đồng bào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới vì sự bình yên của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Triển lãm được trưng bày theo 6 nội dung:

- Sự ra đời của ngày Biên phòng toàn dân.

- Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác biên phòng.

- Quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với củng cố quốc phòng an ninh.

- Xây dựng bộ đội Biên phòng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

- Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Triển lãm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng biên giới Tổ quốc vì hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.

Triển lãm mở cửa từ ngày 27/2/2009.

Một số hình ảnh mà PV CAND Online ghi tại triển lãm:

PV
.
.
.