“Giang hồ vặt” Phạm Anh Khoa

Thứ Hai, 18/09/2006, 08:55

Phạm Anh Khoa quan niệm, tuổi trẻ là để sống chứ không phải để chơi. Và mỗi người chọn cho mình một cách sống sao cho phù hợp. Khoa chọn cho mình một cách sống độc lập. "Có vẻ hơi giang hồ, nhưng ba mẹ tin tưởng tôi sẽ không sa ngã. Với lại, tôi là giang hồ vặt thôi mà" - Khoa nói và cười rất hồn nhiên.

Có một cậu bé mang tuổi thơ mình đi cùng những chuyến xe tải của cha và nuôi nấng ước mơ của mình từ những chuyến đi ấy. 17 tuổi, cậu đã tự lập với cuộc sống đô thị Sài Gòn, làm đủ việc lam lũ để nuôi nghề hát. 19 tuổi, vì quá mê ca hát mà bị đuổi học, không một xu dính túi, cậu trở nên tay trắng đúng nghĩa. Nhưng hai năm sau, ở tuổi 21, hình ảnh quen thuộc của cậu đã "phủ sóng" toàn quốc.

Một thành viên hội đồng nghệ thuật đã khẳng định cậu là một "quý ông Sao Mai - Điểm hẹn". Cậu bé đó ngoài đời vẫn sống bình dị, với cái tên gần gũi nhưng không gây xôn xao: Phạm Anh Khoa.

Những người thầy...

Khoa nói, có ba người đàn ông ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc đời anh, đó là bố, thầy dạy guitare Đỗ Hữu Hoàng và thầy Tuấn Khanh. Học lớp 4, Khoa đã vào lớp luyện võ Vovinam tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Cậu thích thể thao, chơi bóng đá, bóng rổ không tồi, ngày đêm vẫn luyện võ và từng có thời gian làm võ sư. Tất cả những điều Khoa có là do sự hướng dẫn của bố, người lái xe tải nhưng có máu lãng tử và mê nghệ thuật.

Ông rong ruổi trên các chuyến xe, nhưng lại muốn con mình có thể cảm thụ được văn học nghệ thuật để đời sống không nghèo nàn. Vậy là cậu con trai của cặp vợ chồng lái xe - dược sỹ đã được nghe cha mình giảng rất nhiều về cuộc sống, về âm nhạc và các môn nghệ thuật ông yêu thích. Ông mê Elvis Phương và những bài hát đầu tiên trong đời Khoa chính là những bài hát trên xe tải đó.

Và một ngày, cậu được đưa đến thầy giáo dạy guitare Đỗ Hữu Hoàng. Những nốt nhạc đầu tiên được cất lên trong căn phòng nhỏ hẹp ở Cam Ranh. Người thầy đó đã dạy cho anh không chỉ về âm nhạc mà cả cách làm sao để chung sống một cách thủy chung với nghệ thuật mà không bị nó nhấm chìm. Người thầy âm thầm nhưng đã có ý nghĩa quan trọng để giúp Khoa tự tin bước tiếp vào con đường nghệ thuật, mà gia đình anh quá biết sự chông gai đã cố gắng can ngăn.

Còn trong lúc gần như tuyệt vọng vì mất trắng mọi thứ tại thành phố, chính thầy Tuấn Khanh đã giúp Khoa hiểu được rằng, anh còn quá trẻ và có một khởi đầu mới có thể còn tốt hơn rất nhiều con đường cũ, bởi khi một cánh cửa đóng lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Vậy là Khoa tiếp tục đi học trở lại, chuyên tâm vào dòng nhạc của mình, ứng xử linh hoạt với mọi người và sống hài hước hơn. Bài học lớn mà Khoa học được từ thầy Tuấn Khanh là phải biết bình tĩnh trước những tình huống khó khăn và làm hết sức, chơi hết mình.

...Và những bài học đắt giá

Không có con đường nào dễ dàng với những người bước chân vào nghệ thuật. Từ một đứa trẻ yêu ca hát, Phạm Anh Khoa cũng rơi vào bồng bột hiếu thắng khi mới bước chân vào Sài Gòn. Anh cùng hai thành viên nữa lập một boybands mang tên 3D để đi hát và kiếm tiền, ngùn ngụt mơ ước nổi tiếng. Thực sự khi đó, khi phong trào nhóm hát bùng phát, nhiều người đã lầm tưởng chỉ cần có những chàng trai ăn mặc đẹp lên sân khấu hát lại những bài ca thu sẵn trong đĩa là trở thành ngôi sao.

Khoa lập nhóm, mong ước nổi tiếng cũng có, nhưng phần nhiều để hy vọng thành công và để khẳng định rằng mình không vô dụng. Nhưng nhóm hát không thành công, thậm chí đó là cái tên hoàn toàn xa lạ với mọi người ngay trong thời điểm nó đang hoạt động. Và chỉ có Khoa hết lòng với nó. Anh bán chiếc xe máy, thứ tài sản duy nhất mà anh có, để tính làm video clips và album nhạc, nhằm quảng bá tên tuổi cho nhóm. Tiếc là không ai có hào hứng đi cùng anh. Họ đi diễn ở Đà Lạt và đó cũng là đêm diễn cuối cùng của 3D.

Khi mỗi người một hướng đi, Khoa mới nhận ra mình không hề có đồng tiền nào trong túi để về lại Sài Gòn và cũng chẳng còn nơi nào để đến. Sau một năm liên miên đi diễn, anh đã bị nhà trường buộc thôi học, không nhà, không tiền, bơ vơ như gà lạc mẹ, Khoa gần như tuyệt vọng. Anh tính về lại quê nhà, để sống đời của bố, đời của mẹ. Nhưng rồi sự kiêu hãnh của tuổi trẻ đã kìm anh lại. Vậy là Khoa lặn lội đi làm thuê, làm đủ thứ nghề để sống và nuôi nghề hát.

Cho đến khi anh gặp nhạc sỹ Tuấn Khanh như một cơ duyên. Tuấn Khanh đã chỉ cho anh một hướng tích cực hơn, rằng, nếu không học hành tử tế thì không thể đi xa hơn trong nghệ thuật. Và Khoa lao vào ôn luyện và thi đậu Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Khoảng thời gian buông mình trong hỗn độn đời sống mà quên đi mục đích chính của mình, đó là điều hối tiếc lớn nhất của Khoa.

Giang hồ... vặt

Từng kết hợp với Phương Đài tạo nên hiệu ứng lãng mạn từ ca khúc "Hạc giấy" trong phim "1.735km", nhưng Anh Khoa vẫn chỉ là một ca sỹ phòng trà chuyên hát các ca khúc quốc tế. Hiện tại, Khoa đang cùng nhóm rock Khoai Lang Tây hoạt động trong các trường đại học TP Hồ Chí Minh. Nhưng anh không có nhiều show diễn vì nhạc rock luôn không dành cho số đông. "Nhưng tôi có nhiều nghề nuôi thân, ví dụ như đi hát bè cho các ngôi sao thị trường tại phòng thu, kiếm mỗi ngày vài chục ngàn; hay dán tem đĩa tại các hãng, mỗi bữa cũng được vài trăm, vậy là cũng đủ sống rồi" - Khoa nói.--PageBreak--

Đủ sống vì Khoa không có nhiều nhu cầu, anh xa lạ với vũ trường, quán bar, cũng không có hứng thú mua sắm, hát nhạc rock cũng không cần trau chuốt hình ảnh của mình với quần áo lóng lánh kim sa hạt lựu... Chỉ cần kiếm đủ tiền để góp tiền nhà với mấy đứa bạn chung phòng, đủ tiền ăn cơm đĩa và uống cà phê vỉa hè, còn lại thì ky cóp tiền cho cái album mà anh ấp ủ nhiều năm mà thôi.

Có nhiều tiền thì cũng chả biết để làm gì. Anh quan niệm, tuổi trẻ là để sống chứ không phải để chơi. Và mỗi người chọn cho mình một cách sống sao cho phù hợp. Riêng Khoa thì đó là cách sống đơn giản để hòa hợp được với sự phóng khoáng trong dòng nhạc của mình. Khoa nói, tôi sẽ vẫn giữ cuộc sống như thế này, dù có thể có những biến động sau khi tôi tham gia Sao Mai - Điểm hẹn.

Khoa chọn cho mình một cách sống độc lập. "Có vẻ hơi giang hồ, nhưng ba mẹ tin tưởng tôi sẽ không sa ngã. Với lại, tôi là giang hồ vặt thôi mà" - Khoa nói và cười rất hồn nhiên. 4 năm xa nhà nhưng anh rất ít liên lạc về với gia đình, chỉ trừ khi có những thành công. Anh không xài điện thoại di động nên ba mẹ cũng không thể liên hệ ngược lại. Ngay cả khi anh thi Sao Mai - Điểm hẹn, chỉ đến khi thấy mặt con mình trên tivi, ba mẹ anh mới biết và cũng phải đến khi được mọi người ủng hộ, Khoa mới gọi điện về nhà.

Anh cho rằng, đã ra đi phải thành công mới quay về. Đó là một cách mà "giang hồ vặt" này chọn lựa. Thế nên, biết bao nhiêu câu chuyện buồn, biết bao tai nạn và bầm dập, nhưng Khoa vẫn cho rằng, đó là điều buộc phải thế, để người ta có kinh nghiệm mà lớn lên.

"Show man" của nhạc Việt

Trong buổi showbiz Việt đang bội thực những hình ảnh công tử baby với dòng nhạc não tình, người ta chợt thèm một ngôi sao nam tính, khỏe mạnh từ cốt cách đến tâm hồn, hát những bài ca mạnh mẽ. Người ta từng thấy thấp thoáng điều đó trong Sao Mai - Điểm hẹn 2004 với Kasim Hoàng Vũ. Và lần này, điều đó đã có ở Phạm Anh Khoa. Tuy thế, Khoa không giống với Vũ, anh lựa chọn duy nhất một dòng nhạc để thể hiện, đó là rock. Và chính rock tạo nên sự khác biệt của anh với những giọng ca còn lại.

Trong suốt hai tháng, người ta thấy hình ảnh của Phạm Anh Khoa là một chàng trai nhiều năng lượng tỏa sáng với phong cách nhiệt tình cùng sự tự tin trên sân khấu. Không có khoảng cách giữa Khoa và khán giả. Anh có khả năng hâm nóng sân khấu bằng chính sự cuồng nhiệt của mình. Đó là tố chất của một ngôi sao nhạc rock. Rock, có lẽ, dành cho những người cực đoan và việc các fans nhạc rock cuồng nhiệt đến mức hơi điên rồ là điều dễ hiểu. Khoa bị nhắc nhiều bởi sự cuồng nhiệt đôi khi quá mức. Nhưng anh nói, không thể làm khác được, khi lên sân khấu anh đã hòa nhập hoàn toàn với nó, mọi thứ diễn ra như nó phải thế.

ảm xúc là điều quan trọng nhất khi người nghệ sỹ lên sân khấu. Người ta có thể trách anh hát phô, hát sai nhịp, nhưng không thể nói anh hát vô cảm, đó là một ưu điểm để kéo Khoa "thăng hạng" trong live - shows cuối cùng của Sao Mai - Điểm hẹn. Khoa cũng là ca sỹ duy nhất gây được hưng phấn của Hội đồng nghệ thuật đêm đó, đến mức họ đứng bật dậy, thành viên khó tính nhất, ca sỹ Mỹ Linh chưa bao giờ lại trở nên hơi... quá khích và tung lên nhiều lời khen đến thế.

Có người gọi anh là "quý ông Sao Mai - Điểm hẹn" bởi một phong cách rất đàn ông và lịch thiệp. Nhưng cũng có người gọi anh là "show man", người thuộc về đám đông và sân khấu, bởi sân khấu thực sự là ngôi nhà của Khoa. Nhạc sỹ Huy Tuấn đã không ngần ngại ngợi khen anh trên các phương tiện truyền thông. Bởi theo nhạc sỹ kiêm nhà sản xuất âm nhạc này, Khoa có thể dung hòa được cả khán giả và Hội đồng nghệ thuật và là một hình mẫu tương đối hoàn hảo cho ngôi sao tương lai.

Chơi guitare, viết nhạc, hát rock, đó là một chân dung khá lý tưởng về một singer-song writer Việt Nam. Anh Khoa không coi Sao Mai - Điểm hẹn là một cơ may. Anh cho đó là một cuộc chơi nghiêm túc và anh sẽ hết mình với nó, còn chuyện đoạt giải hay không thực sự không quan trọng. Bởi nếu có được giải thì cũng không vì thế mà anh sống khác đi. Còn nếu không được giải thì con đường đi của anh cũng đã được lập trình trước, anh vẫn tiếp tục con đường ca hát và dấn thân vào rock, dù biết đó là lối đi chông gai mà thành công lại quá mong manh.

Có thể nói, Phạm Anh Khoa đã chinh phục khán giả bằng tài năng và sự chuyên nghiệp chứ không phải bằng một hào quang lấp lánh của ngoại hình và công nghệ lăng xê nhằm lừa mị một lớp công chúng trẻ (điều đã thấy mầm mống trong một vài gương mặt Sao Mai - Điểm hẹn). Thẳng thắn, tự tin và không thích kể về những gian khó, vì anh cho rằng gian khó sẽ là nơi để thử thách tốt con người, Khoa đang bước những bước đi vững chắc trên con đường của mình

Toàn Nguyễn
.
.
.