Giáng My: Tiền không mua được hạnh phúc

Thứ Năm, 23/10/2008, 15:33

Một thiếu nữ mà thời gian dường như không in được dấu ấn gì đáng kể trên gương mặt và phong cách trẻ trung và quyến rũ như cách đây hơn 10 năm, khi chị đoạt danh hiệu Hoa hậu Đền Hùng. Một nữ doanh nhân thành đạt với nhiều ý tưởng và chương trình truyền hình hấp dẫn. Nếu bạn đến thăm cơ ngơi của công ty truyền thông mà chị đang làm Giám đốc ở TP HCM, bạn hẳn cũng sẽ có cảm giác như tôi...

- Thực sự mà nói, những gì vừa nhìn thấy trong căn nhà của chị đã gợi cho tôi nghĩ đến khung cảnh một câu chuyện cổ tích nào đó. Xin được hỏi, đã có khi nào chị cảm thấy mình như một cô bé Lọ Lem không?

- Thực ra, khi còn nhỏ, My tưởng tượng mình trở thành rất nhiều nhân vật khác nhau, trong những cuốn tiểu thuyết khác nhau. Tùy theo từng giai đoạn! Từ bé My đã rất thích đọc những cuốn sách trong tủ sách của bố và lúc thì My muốn được như Lọ Lem, lúc lại muốn mình là nàng Bạch Tuyết, có lúc lại mơ ước được có giọng hát như nàng tiên cá...

Để chàng trai nào lỡ nghe thấy là chìm đắm liền? (cười).

- Giáng My (cũng cười): Không phải thế, đơn giản là My rất thích hát từ bé... Nhưng cũng có lúc My mơ ước được trở thành một người nào đó hoàn hảo và xinh đẹp, hoặc thật là lịch lãm. Đôi lúc lại muốn trở thành một nữ đại sứ... Những ước mơ cứ luôn luôn thay đổi như vậy...

Có thể tôi là người hơi bi quan nhưng với kinh nghiệm sống của mình, tôi rất không tin vào những diễn biến dễ dàng của số phận. Gặp Giáng My hôm nay, thì tôi tin chắc rằng, Giáng My không thể là một người mà hồi bé rất là khổ sở, rồi bỗng dưng nhờ vào vận may gì đấy mà thay đổi hoàn toàn cuộc đời...

- Thực ra nếu anh biết My thì anh sẽ thấy rằng đã có một quá trình rất là dài để My được như ngày hôm nay. Và My thường nói rằng, My có bước đi của một con rùa, rất là chậm rãi nhưng mà chắc chắn. Và My là một người có lẽ khá là cẩn thận, bởi vì anh cũng biết rằng, My đã học 16 năm ở Nhạc viện nhưng phải sau bao nhiêu năm trăn trở mới dám ra được một CD. Và khi thu xong CD đầu tiên rồi lại bỏ đi tất cả để làm lại từ đầu. Có nghĩa rằng, trong mỗi bước đi của My, My luôn xem đi xem lại và đôi khi, nếu không cảm thấy bằng lòng thì sẵn sàng vứt tất cả đi để làm lại từ đầu.

Anh cũng biết môi trường cách đây gần hai chục năm ở Hà Nội, đó là một cuộc sống rất khó khăn và gian khổ, My luôn nói rằng, đấy chính là thời kỳ để tạo nên một tính cách của My, lúc mà My trưởng thành và lớn lên trong một môi trường nội trú, xa gia đình từ lúc 6 tuổi để làm tất cả mọi thứ bằng đôi bàn tay của mình, không ai giúp mình cả. Và có thể nói rằng, với ngay cả cái cạnh tranh của bạn bè với nhau thì cũng không ai đỡ mình và mình cũng phải tự sống để tự tồn tại. Chính cái điều đó lại cho mình một tính cách rất là độc lập.

My nghĩ rằng, những gian khổ nó cũng đào tạo cho con người ta một tính cách, một lý trí rất là tuyệt vời và My luôn cảm ơn tuổi thơ đó, cảm ơn môi trường đó đã đào luyện cho mình có một ý chí rất là tốt.

- Nếu không có gì bí mật, My có thể kể qua về tuổi thơ gia đình của mình được không? Chơi đàn piano là một công việc sang trọng. Làm thế nào, trong một gia đình như thế nào mà lại sinh ra một cô con gái theo đuổi một cái nghiệp cực kỳ là khó khăn gian khổ, cực kỳ là tốn kém, hao tổn cả năng lượng tinh thần lẫn các thứ vật chất khác như học piano?

- Đó là cái nghiệp mà thậm chí sẽ không làm ra được kinh tế nữa...

Chắc chắn chỉ theo con đường chơi đàn piano thì sẽ không thể cải thiện đời sống kinh tế được. Gia đình Giáng My như thế nào mà có thể để cho con gái mình đi học đàn piano?

- Bố mẹ My đều là nghệ sỹ, mẹ My là giảng viên âm nhạc và bố là đạo diễn. Có lẽ cái tên của My, cái định hình nghề nghiệp của My đã có từ trước khi My ra đời. Bố mẹ My vẫn luôn nói rằng, nếu sinh con trai đầu lòng thì sẽ đặt là Hải Đăng, tức là ngọn đèn biển; và nếu sinh con gái sẽ đặt là Giáng My, là nốt my giáng trong âm nhạc. Và ước mơ sau này con gái sẽ trở thành một người chơi dương cầm rất giỏi chính là ước mơ của mẹ My.

Và ở đây xin kể một chút có cái thú vị là, khi mẹ My thi tuyển vào làm sinh viên Nhạc viện thì mẹ viết trên đơn, ghi là xin được học piano, nhưng khi người ta tuyển mẹ vào rồi thì mẹ chỉ được học đàn dân tộc thôi. Thành ra mẹ My vẫn có một ước mơ cháy bỏng là sau này nếu đẻ con gái thì sẽ cho con học đàn piano...

Nhưng mà nếu cái ước muốn đấy của cha mẹ mà My không có năng khiếu thì chắc chắn cũng không trở thành hiện thực. May mà lúc đó bác Thái Thị Liên khi tuyển sinh, thấy My có năng khiếu nên đã tuyển My vào Khoa Piano.

Thực ra tôi cũng quá hiểu môi trường của Nhạc viện Hà Nội, nó đầy những sự khó khăn và phức tạp, đặc biệt là đối với những tâm hồn thơ bé. Đó là lúc trong lòng ta tràn ngập những mơ ước, khát vọng tinh thần rất thanh cao và trong sáng nhưng ta lại phải ở trong những điều kiện thực tế nhiều khi nó lại quá thấp. Vậy bằng kinh nghiệm của My, My có thể chia sẻ cùng độc giả được không, rằng làm thế nào trong điều kiện rất bó buộc về vật chất ấy mà mình vẫn giữ được sự trong sáng, sang trọng của tính cách và tinh thần của mình? Liệu có bí quyết nào đó chăng?

- Có lẽ cũng là do cái môi trường. Thực sự lúc đó mọi người đều phải cùng chịu những điều kiện sống rất là gian khổ; tất cả đều khổ như nhau cả. Và phải nói rằng, cái có thể giúp tất cả mọi người quên đi những khổ sở, những vất vả chính là ý chí, nghị lực sống. Nhưng nói thật, mặc dù phải sống trong những điều kiện vật chất rất bó buộc lúc đó nhưng cũng chính lúc đó, không lúc nào My thấy rằng mình đang phải sống khổ cực.

Mọi sự đều rất tương đối, nếu chúng ta không cảm thấy khổ thì tức là chúng ta không bị khổ...

- Vâng, không hề cảm thấy khổ. Và thú thật với anh là, cho đến khi My ra trường My vẫn còn chưa biết đếm tiền...

- Đó là năm bao nhiêu?

- Năm 1991 anh ạ. Năm đó, My đã được Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Sài Gòn, lúc đó là đoàn lớn nhất của Việt Nam, chỉ chuyên đi diễn nước ngoài thôi, có thể nói là đoàn xịn nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, mời vào. Khi ông trưởng đoàn là ông Chánh Trực ra Hà Nội xem một chương trình biểu diễn của Nhạc viện Hà Nội mà có My tham gia, thì ông ấy chọn luôn  vào đoàn. Có thể nói là My đã gặp may mắn.

- Năm nào thì Giáng My tham gia vào cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng?

- Có thể nói từ rất lâu rồi, nếu My nhớ không lầm thì đó là vào những năm 1989 - 1990. Tại sao mà My không thể nhớ nổi năm nào? Là bởi vì thực sự ra thì, cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên ở Việt Nam và lúc đó thì Hiệu trưởng Nhạc viện cũng đã cử My đi thi nhưng My đã phải trốn, vì lúc đó đang là mùa thi, phải làm sao để mình thi chuyên môn cho tốt thôi. Và chỉ đến cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng ở tỉnh Vĩnh Phú, được tổ chức vào tháng 3 và lúc đó thêm một lần nữa hiệu trưởng lại ra quyết định rằng, Giáng My, cháu phải đi thi. Lý do thứ nhất, bố cháu đang làm trưởng đoàn trên đó; lý do thứ hai, đây là cuộc thi mang tính chất lịch sử, nói rất nhiều về nguồn cội Việt Nam, về Vua Hùng...

Ngày đó đi thi hoa hậu rất là buồn cười, không có chuẩn bị gì về nhan sắc, không có chuẩn bị quần áo như các em bây giờ, cũng không hề nghĩ tới việc, ai sẽ là người làm mặt cho mình, ai sẽ là người làm tóc mà chủ yếu là đọc lại sách lịch sử, ôn lại toàn bộ kiến thức lịch sử.

Thực ra cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng hồi đó rất gắt gao, do Báo Tiền phong kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú tổ chức. Và cuộc thi diễn ra trong vòng một tháng trời để loại dần các thí sinh vì số lượng người đăng ký tham dự rất đông. My còn nhớ là, có lúc mình đã phải ở lại trong khách sạn một tuần không được ra ngoài và thậm chí điều kiện của ban tổ chức còn khắt khe đến độ không cho thí sinh được gặp những người thân trong gia đình. Sau cuộc thi, My đã sụt đi 3 ký, chỉ còn bốn mấy ký thôi. Đó là một cuộc thi nghiêm túc đến mức mình có cảm giác như là mình…

...đang thi tốt nghiệp đại học?

- Vâng, như thi tốt nghiệp đại học chứ không phải là cuộc thi nhan sắc và lúc đầu thực ra cũng khó khăn để mọi người quyết định cho My trở thành hoa hậu, vì họ muốn chọn một người sống, lớn lên và học hành tại Vĩnh Phú. Thế nhưng, My đã thắng điểm tuyệt đối cả về giao tiếp và cả về hình thể bên ngoài cho nên cuối cùng thì My vẫn trở thành hoa hậu...

My cảm thấy danh hiệu ấy nó tác động như thế nào đến con đường tiếp theo của My? Cả sự nghiệp lẫn trong đời sống riêng tư?

- Có rất nhiều điều thay đổi. Nhưng sau khi được giải Hoa hậu Đền Hùng xong thì ngay ngày hôm sau, My đã quên chuyện này ngay lập tức. Là bởi vì, nếu My nhớ không lầm, toàn bộ số tiền giải thưởng lúc đó có thể mua được một cái xe đạp Mifa và My đã dùng số tiền đó liên hoan với các bạn là hết ngay ngày hôm sau. Và My lại tiếp tục phải chạy đuổi theo các kỳ thi của mình, bởi vì, như anh cũng biết, nguyên thi về chuyên môn piano của bọn My trong kỳ cuối năm thì cũng rất là căng rồi, lại còn thi văn hóa nữa. Và ngoài ra, My lại còn học thêm tiếng Anh ở ngoài nữa...

Tất cả những việc như thế cũng ảnh hưởng tới tiến độ học tập chuyên môn của mình. Và khi đã trở thành hoa hậu rồi thì còn nhiều thứ hay đổi nữa: Thí dụ như bên xưởng phim bắt đầu phát hiện ra gương mặt mới và mời đóng phim. Rồi còn tham gia cả kịch trên truyền hình... Rồi các phóng viên, các nhiếp ảnh gia tới mời cộng tác, mời chụp lịch...

- Trong thời gian ở Nhạc viện Hà Nội, My đã học những giảng viên nào và đã gần gũi với những nghệ sỹ nào? Ấn tượng gì sâu đậm đối với My cả về mặt chuyên môn nghệ thuật cũng như trong cách sống của họ? Cuộc sống của các thầy, các nghệ sỹ ấy tạo cho My những suy nghĩ gì về cuộc đời này, về con đường tương lai của My?

- Thực ra thì cho đến giờ phút này My vẫn phải nói một lời cảm ơn với tất cả các thầy cô giáo ở trong trường, mặc dù là trong cái khoảng thời gian đấy có những người yêu mình, có những người ghét mình, có thể có những người không có cảm tình với mình, bởi vì mình đi diễn nhiều quá, mình là người của công chúng từ khi còn rất ít tuổi. Người để lại cho My một tình cảm sâu sắc vô cùng, đó chính là cô Vĩnh Hương dạy My khi còn nhỏ, rồi là thầy La Thương và cô Tuyết Minh dạy My ở bậc đại học...

My còn nhớ một điều làm My buồn, My khóc mãi, là hôm đó My thi tốt nghiệp rất là trôi chảy, rất là tốt và thầy Vũ Hướng, là Hiệu phó của trường, nói rằng, My có thể được 9+. Thế nhưng, riêng có một hai giáo viên nữ thì nói là không, chỉ cho cô ấy điểm 7+ hoặc 8+ thôi, bởi vì trong thời gian học, cô ấy đi biểu diễn quá nhiều. Ngày xưa chấm thi thì có nghĩa là ngoài cái chuyện chấm cô biểu diễn thế nào, còn chấm thêm cả chuyện cô đến để điểm danh, để học như thế nào nữa, chấm cả các điều kiện khác.

My còn nhớ một điều, ngày xưa mà mặc một cái áo mới hơn các bạn khác là mình rất ngại bởi vì có khi tháng ấy mình sẽ bị trừ đi điểm hạnh kiểm, chỉ còn ở mức khá thôi... My đã trưởng thành trong môi trường như thế nên đã sớm hiểu ra nhiều điều và nếu đến bây giờ My sống với bạn bè, được bạn bè rất là yêu quý cũng chỉ vì mình đã học được cách luôn sống vì mọi người, vì tập thể.--PageBreak--

- Không muốn nổi trội, không muốn chòi ra, không muốn làm "quạ trắng"?

- My luôn luôn sợ mà không dám nổi trội. Hoặc là ai khen mình một chút thì mình cũng thấy ngại rồi, vì không biết là những người bên cạnh mình họ có buồn hay không. Cái điều đấy My vẫn bị giữ đến tận bây giờ, mặc dù đang làm cho một tập đoàn kinh tế tư nhân, đang phải sống trong một môi trường cạnh tranh rất dữ dội...

My đã nói rằng, ngay từ hồi bé My đã theo ước mơ của cha mẹ muốn trở thành một nghệ sĩ chơi piano đủ tầm. My cảm giác mình đã làm được điều đó chưa? Đã biến điều đó thành hiện thực chưa hay My vẫn  đang trên con đường để tiến tới và điều đó nó vẫn chỉ là ước mơ thôi?

- Có thể nói như thế nào nhỉ... Ngày xưa thì mẹ My ước mơ My trở thành một nữ nghệ sĩ chơi dương cầm, nhưng mà cái ước mơ đó không hẳn đã là ước mơ của My. Nhưng quả thật thì, môi trường âm nhạc vẫn là môi trường tuyệt vời nhất để xây dựng nên một cá tính, một trí tuệ, một nhân sinh quan của con người. Âm nhạc, nhất là âm nhạc cổ điển, không thể thiếu ở trong mỗi con người.

My cho rằng, anh là kỹ sư, anh là bác sỹ, sau này anh làm bất cứ một ngành nghề gì thì anh cũng nên có một cái căn bản là học tri thức cổ điển, hoặc là học âm nhạc. Thực ra đây là một môn mà trong các trường ở thế giới không bao giờ thiếu, học hát, học khiêu vũ và âm nhạc. Tuy nhiên, My đã học chuyên nghiệp về điều đó và không ai mà ngay lập tức bố mẹ sắp đặt cho mình mà đúng ngay cái điều mình khao khát, mình ao ước. My cho rằng, My đã có một thời gian rất chậm để phát triển cho con đường nhạc cổ điển của My. Nhưng nếu nói My vô cùng cháy bỏng khao khát điều đó thì không đúng, mà My gần như là cảm nhận nó, học nó và khám phá rất từ từ. Và có những điều khác đã đến với My ập một cái, nhanh hơn và My cảm thấy là My thích ứng với cái điều đó nhanh hơn, như là điện ảnh, như là hát nhạc nhẹ...

Bởi vì đến với âm nhạc cổ điển thì nó có cái gì đó rất là trừu tượng, còn khi anh hát, anh có thể cảm thấy ngay lập tức rằng cảm xúc của anh dâng lên rất mạnh và truyền tải tới người đối diện rất nhanh, rất mạnh. Chẳng hạn, nếu như My hát bài mà My rất thích như (hát): "Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người - đàn - bà - giấu - đêm - vào - trong - tóc…" thì chỉ một chút ca từ đó thôi, một chút thơ đó thôi là ta đã cảm nhận được ta đang muốn nói gì với người đối diện. Còn với nhạc không lời thì không thế, khi âm thanh vang lên là mỗi người sẽ có một cách tưởng tượng khác nhau, có thể có người sẽ tưởng tượng đó là cánh đồng, người kia có thể nghĩ, đó là biển vỗ sóng...

Âm nhạc như thế nó có cái gì quá trừu tượng mà cái trừu tượng đó thì nó không thể đến với số lượng khán giả đông và không thể dễ gì nhiều người hiểu được nó. Bây giờ My vẫn học chơi nhạc nhưng My vẫn luôn tự hỏi My rằng, liệu My có thực sự muốn luôn luôn đi theo con đường đó hay không...

- Tôi hoàn toàn chia sẻ điều mà My vừa nói, nhưng nghe My nói, tôi lại nghĩ thế này. Vậy ý nghĩa đích thực của nghệ thuật là gì? Nghệ thuật nó chỉ là sự an lành nếu nó là phần bổ sung để hoàn thiện hơn hình ảnh của người phụ nữ hiện đại, chứ nếu nghệ thuật là mục đích để mà sáng tạo đỉnh cao thì nó rất khó khiến chúng ta có thể bình an và hạnh phúc. My nghĩ thế nào về cái ý này?

- Có lẽ My là phụ nữ, My nghĩ mọi chuyện đơn giản hơn anh chăng? My chỉ nghĩ, trước kia là bản năng, đó là bản năng rất tự nhiên My đến với âm nhạc, do bố mẹ My cũng mê và My cũng là người có năng khiếu về điều đó. Về sau này, trong cái môi trường đó, thì My học thêm hát và học khiêu vũ, rồi My đi đóng phim, nó cũng là trong môi trường nghệ thuật, và tất cả những điều đó làm cho My thấy, đó là một thế giới tuyệt vời, thú vị và My muốn sống trong thế giới đó. Nhưng mà My chưa bao giờ dứt khoát mình phải đứng trên đầu mọi người… My không muốn điều đó.

- Vâng, tôi hiểu, trong cái căn bản tính cách con người của My không có khát vọng ấy bao giờ.

- Vâng, không biết mọi người nhìn bên ngoài thì sao nhưng My là một người có thể nói rằng theo bản năng tính cách rất là nhút nhát, đứng ở đâu chỉ muốn đứng sau người khác. Hoặc ai khen mình một câu mình cũng thấy ngại... Nhưng sau này, khi mà My làm trong môi trường kinh tế tư nhân, người ta hoàn toàn dạy ngược lại những điều trước kia My học ở Nhạc viện...

- Họ dạy My những gì?

- Họ nói, nếu như cô không tự chứng minh bản thân cô trước đám đông, cô không tự chứng minh khả năng của cô, những điều mà cô luôn cho rằng tâm hồn tôi là như vậy và mọi người phải hiểu tôi, thì cô sẽ không thể đứng vững trong xã hội có nền kinh tế thị trường. Xã hội đó có nghĩa là ngay lập tức cô đến, cô đưa card visit cho một người đối diện là một đối tác nào đấy, thì cô phải ngay lập tức áp ngay vào. Mặc dù xung quanh cô có hàng nghìn ngôi sao ở bên cạnh nhưng cô phải chứng tỏ được rằng cô là nổi bật để họ có thể nhìn thấy cô ngay lập tức để họ chọn cô, chứ họ không có thời gian để cô từ từ chứng minh rằng cô là một người có tâm hồn đẹp hay là một tâm hồn rất lãng mạn, cô là một người cá tính rất tốt. Người ta không cần điều đó mà người ta chỉ muốn anh phải thật sự nổi bật và chứng minh được ngay năng lực của anh.

Khi My được đào tạo những cái đó thì hai cái nó luôn luôn đấu tranh với nhau và nó dung hòa lại trong con người của My. Và My thấy rằng nếu như My vẫn làm được điều đó thì My đang rất là hạnh phúc. Còn nếu mà mình giết chết bản thân mình vì một cái tham vọng nào đấy thì dù mình có đạt được những thành công vật chất nào đó cũng chỉ là vô nghĩa.

- Tức là My cảm thấy hài lòng My đã dung hòa được một bên là những ý tưởng hết sức tỉnh táo và bạo dạn để thành công, nhưng mặt khác, trong bản năng gốc của mình là một nghệ sỹ, mình vẫn phải giữ cái bản năng gốc ấy nên điều đó đã giúp cho My cân bằng được tâm hồn mình trong cuộc sống hôm nay?

- Có một nhà báo đã hỏi My một câu rất là hay rằng, tiền bạc và hạnh phúc có song hành với nhau không? Thì My trả lời ngay, tiền bạc luôn luôn đi song song với hạnh phúc, nhưng nó không mua được hạnh phúc.

Tôi biết rất nhiều người đã từng có một tuổi thơ như My, tức là ngay từ rất bé đã rời gia đình để đi vào môi trường tập thể và môi trường nghệ sĩ. Và không ít người trong số những người ấy khi lớn lên thì họ mất khái niệm về một tổ ấm đích thực theo nghĩa thông thường cần cho con người. Và chính điều đó thì không biết là hay hay dở, vì hay hay dở thực ra cũng chỉ là do chúng ta nhận thức mà thôi, cái gì hợp với ta thì là hay, không hợp với ta thì là không hay. Nhưng mà về sau, chính những người đó không bao giờ có một tổ ấm bình thường. My có cảm thấy giai đoạn hồi bé học ở nhạc viện như thế thì có tác động đến My theo kiểu ấy hay không?

- My cũng đồng ý với anh là My đã nghe rất nhiều bạn bè của My, không phải những bạn học trường nội trú ở đây mà những bạn đã học trường nội trú ở nước ngoài và sau này họ rất là khó để có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc và cũng tâm sự rằng có lẽ là do cái cô độc của họ trong thời kỳ nội trú đã làm cho họ có một cá tính như vậy. Nhưng mà riêng bản thân My, có thể do My may mắn chăng, đã sống với bố mẹ và những người trong gia đình lại quá thương yêu nhau cho nên My luôn luôn cảm thấy My có một gia đình rất là ấm áp ở xung quanh mình. Và ngay đến bây giờ, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, nơi các cô bé 14, 15 tuổi đến lập nghiệp ở Sài Gòn, đã thuê phòng ở riêng, đã ở một mình rồi, nhưng mà My khi ra trường, lớn lên rồi vẫn còn ở với bố mẹ. Nhà My bây giờ là "tam đại đồng đường", My sống với bố mẹ, với con gái My...

Tức là My hài lòng với cách sống mà My đã chọn và My cảm thấy cách sống đó hợp với My chứ không cần phải cách sống nào khác nữa?

- My thì quan niệm như thế này, có một số người cho rằng, một người đàn bà thành công có nghĩa là sau khi tốt nghiệp đại học, một hai năm đi làm việc ổn định rồi thì lấy chồng, sau đó đẻ con. Cũng có những người thì coi cuộc sống hoàn toàn độc thân 100% đấy là điều hạnh phúc nhất của họ. Nhưng mà riêng với My, như My cũng đã chia sẻ với anh, thì khi My ra trường đếm tiền My còn không biết, mọi thứ My học được hoàn toàn là trong sách. Lúc đó những câu chuyện My thích nhất vẫn là những câu chuyện tiểu thuyết của Nga, nó cũng giống như cuộc sống như My học trong trường. Và nếu có một người để cho My tưởng tượng là  người hùng của My thì đó là một anh chàng áo sơ mi trắng đeo kính cận.

- Kiểu Pie Bezukhov trong "Chiến tranh và hòa bình"?

- Vâng, đấy là một cái mẫu mà My đã ước mơ mặc dù nói thật, My cũng không biết đích thực người đàn ông đó của mình như thế nào, vì không ai dạy mình là mình đến với tình yêu như thế nào, mình chỉ biết tưởng tượng qua những mẫu nhân vật trong sách thôi và coi họ như vậy là người tốt. Và ngay như mẹ My là một người phụ nữ sau khi ra trường, lấy chồng từ lúc 19 tuổi và sau đó sinh con và chỉ biết chồng thôi, thì cũng rất là ngại ngần, chưa bao giờ nói với con về những vấn đề tình yêu hay là vấn đề nam nữ. Cho nên không chỉ riêng mình My, mà phần lớn các cô sinh viên Nhạc viện thời bấy giờ ra trường đều có những khái niệm rất mơ hồ về tình yêu, rất ngây ngô về tình yêu và không ít người đã có những lần đầu tiên thất bại về tình yêu. Thì My cũng vậy. Mà anh biết không, lúc còn học ở Nhạc viện Hà Nội, My đã đi diễn nhiều, My đã có…

-  ...có nhan sắc, có tài, có danh tiếng…

- Có vương miện rồi...

- Nhưng điều đó chỉ tạo nên những thử thách nhiều hơn...

- Có rất nhiều thử thách. Có rất nhiều người theo đuổi mình và My cũng đã chọn đúng nhân vật đầu tiên là nhân vật sơ mi trắng và đeo kính. Và rất là lạ, thực ra thì không biết trước đấy anh chàng có phải mặc áo sơ mi trắng và đeo kính không, nhưng mà anh ấy rất khôn, anh ấy đã đi đường vòng, đi theo 5 người là những cô bạn đã học cùng lớp piano với My và My rất thân. Khi mà My đã thành công thì bao giờ My cũng chia sẻ chỗ các bạn rất nhiều, chẳng hạn như mua bánh thì chia cho tất cả hoặc là đi ăn một cái gì bao giờ cũng đi cùng. Thì anh chàng ấy đã có một cử chỉ rất khéo là hỏi cá tính, tính cách của Giáng My như thế nào qua những người bạn đó và khi anh đến với My và đã làm My kinh ngạc vì mọi thứ ở anh ấy đều giống hệt như là My thích. Hóa ra sau này My mới phát hiện ra là, anh ấy như thế là do bạn bè mình cung cấp thông tin. Thì đấy là câu chuyện vui mà My chia sẻ với anh như vậy...

Về sau anh chàng ấy có làm Giáng My thất vọng vì ngoài cái áo sơ mi trắng và kính trắng ra thì không có cái gì giống như ý My mơ ước cả?

- My nghĩ như thế này thôi, có lẽ là My cũng đã bị sống ở một môi trường mà cũng hơi bị quá lãng mạn, quá là thần tượng hóa mọi thứ. Cũng giống như các bạn trẻ bây giờ vậy, đôi khi mình thần tượng hóa mọi thứ và mình trong sách vở quá thì ra cuộc sống đời thường nó không phải như vậy. Và có thể bây giờ chưa chắc mình đã thấy mình sẽ có cuộc chia tay, nhưng lúc đó thì My thất vọng và đã chia tay với anh ấy sau một thời gian rất là ngắn thôi. Nhưng đấy là bài học đầu tiên về tình yêu. Kể từ đấy trở đi mình cảnh giác và đấy cũng là một điều để cho mình chín chắn hơn.

Thực ra luôn có sự mâu thuẫn đến đối kháng, đến đối nghịch giữa cái sự lãng mạn của tâm hồn và nhu cầu tỉnh táo của cuộc sống. Chính cái đó nó gây nên cuộc đấu tranh muôn thuở giữa sự thành đạt trong cuộc đời lẫn sự tinh tế, mơ mộng của tâm hồn. My là người phụ nữ thành đạt thì My có cảm thấy bao giờ mình bị những đổ vỡ trong nhận thức không, nếu mà nói một cách thật lòng?

- Nói một cách thật lòng thì trong tình yêu chỉ có một hai lần My thất vọng, có lẽ là lỗi do chính mình thôi, do mình quá viển vông, mình quá lãng mạn, mình sống trong một môi trường quá khác...

- Đòi hỏi người ta quá cao?

- Vâng, mình quá khác với cuộc sống thực tại bên ngoài rồi mình hình tượng hóa mọi chuyện và mình không tha thứ những chuyện quá nhỏ bé. Nhưng mà trong kinh doanh thì khác. Trong kinh doanh thì có lẽ My là một người mà, không biết có phải do xởi lởi trời gửi của cho, hay là do tất cả các tính cách được học hành trong môi trường khắc nghiệt buộc mình phải độc lập nên My đã có những thành công nhất định...

- Người ta có nói rằng đằng sau một người đàn ông thành đạt là sự hy sinh vô bờ bến của 1, 2, 3, 4... người phụ nữ. Vậy đằng sau người đàn bà thành đạt là cái gì, là những gì, theo My?

- Theo My thì đằng sau cái bóng của người phụ nữ thành đạt luôn có sự cô đơn và chỉ là sự cô đơn thôi...

- Tự nhiên My lại làm tôi cay cay ở sống mũi... Xin cảm ơn My và chúc chị nhiều nhiều thành công tiếp theo!

.
.
.