Giải Pulitzer 2006: Trao cho những người không đồng nhất với nhà Trắng

Thứ Sáu, 21/04/2006, 13:06

Danh sách những người được nhận giải Pulitzer năm nay, công bố ngày 17/4, đã được dư luận trong và ngoài nước Mỹ đặc biệt chú ý. Xu thế được tôn vinh năm nay trong giải Pulitzer 2006 là sự phê phán nghiêm khắc và thấu đáo đối với những việc làm sai trái của bộ máy cầm quyền đương nhiệm.

Pulitzer là giải thưởng có uy tín lớn nhất Hoa Kỳ trong lĩnh vực báo chí và văn học không phải chỉ vì giá trị giải thưởng 10 nghìn USD mà vì qua đó, có thể nhận biết được tâm trạng đang là chủ đạo của xã hội Mỹ.

Báo chí phải nói thật

Hai tờ báo Times - Picayune ở New Orleans và Sun Herald từ thị trấn Biloxi (bang Missisipi) được nhận giải thưởng trong lĩnh vực danh giá nhất "Vì sự phục vụ xã hội". Các ấn phẩm này đã không ngừng làm việc trong tháng 9/2005, khi cơn bão Katrina tràn vào bờ biển phía Nam lãnh thổ Hoa Kỳ. Họ cũng vẫn cho ra báo ngay cả khi nước biển tràn ngập khu vực mà họ cư trú. Ngay cả khi tòa soạn của hai tờ báo này đã nằm sâu dưới nước, các nhà báo vẫn không ngừng đưa tới độc giả thông tin về hành trình sơ tán, diễn biến chiến dịch cứu nạn và những lời tuyên bố của Washington...

Tờ Times - Picayune còn được tôn vinh trong lĩnh vực "Tin nóng". Cũng nhờ cơn bão Katrina mà tờ Dallas Morning News được nhận giải thưởng Pulitzer 2006 dành cho chùm ảnh tin tức xuất sắc nhất. Trong lĩnh vực "ảnh nghệ thuật", người chiến thắng là Todd Heisler ở báo Rocky Mountain News (thành phố Denver) với chùm ảnh phóng sự về đám ma của những người lính thủy đánh bộ Mỹ bỏ mạng tại Iraq.

Được nhận nhiều giải Pulitzer nhất năm nay (4 giải) là Washington Post. Tờ báo được tôn vinh trong lĩnh vực "Phóng sự điều tra" (vụ Jack Abramoff), "Giật gân báo chí" (nhờ loạt bài về các nhà tù của CIA), "Phóng sự lý giải" (loạt bài về xuất khẩu dân chủ Mỹ sang Yemen) và "Bài phê bình" (dành cho nữ nhà báo Robin Givhan, chuyên viết về thời trang).

Tờ New York Times giành được chiến thắng trong ba lĩnh vực: phóng sự về các sự kiện trong nước (loạt bài về việc nghe trộm điện thoại), phản ánh tin tức quốc tế (loạt bài về hệ thống tư pháp ở Trung Quốc) và về các bài bình luận (dành cho Nicholas Kristof với chuyên mục bình luận quốc tế).

Trong số những cơ quan thông tin đại chúng được nhận giải Pulitzer 2006 còn có các báo Rocky Mountain News (thể loại ghi chép), Oregonian (bài của Ban biên tập), San Diego Union - Tribune và hãng thông tấn Copley News Service (cùng New York Times chia chung giải thưởng trong lĩnh vực "Phóng sự về các sự kiện quốc gia"), Atlanta Journal-Constitution (tranh biếm họa)...

Khi bình luận về giải Pulitzer năm nay, các nhà quan sát đã chú ý tới việc có khá nhiều nhà báo được tôn vinh nhờ những bài gây ảnh hưởng không nhỏ đối với uy tín của đảng Cộng hòa cầm quyền.

Biên tập viên tờ The New York Times, Bill Keller, nhận xét: "Năm nay, Ban giám khảo ưu ái dòng báo chí đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của xã hội; dòng báo chí có thể thách thức chính quyền và đối diện với mọi hệ lụy có thể kèm theo".

Sự bạo dạn của Ban giám khảo giải Pulitzer năm nay thể hiện ở chỗ, giải thưởng trong lĩnh vực "Bài phê bình" lần đầu tiên được trao cho một nữ phóng viên chuyên viết về thời trang. Tất nhiên, ở đây cũng không thể không dính dáng tới chính trị - nữ nhà báo Givhan có bài viết về tủ trang phục của các chính khách Mỹ và được dư luận rất quan tâm. Thậm chí, sau bài viết về trang phục của Phó Tổng thống Dick Cheney và Ngoại trưởng Condoleezza Rice, nữ phóng viên này còn bị đồng nghiệp phê phán là đã quá trịch thượng...

Năm nay, trong danh sách các ứng cử viên cho giải Pulitzer báo chí có tên một số ấn phẩm trên mạng. Tuy nhiên, không có ấn phẩm Internet nào lọt được vào danh sách nhận giải.

Nữ tính trong văn học

Nữ văn sĩ người Australia, Geraldine Brooks, trong cuốn tiểu thuyết được nhận giải Pulitzer 2006 "March" đã viết về những tai họa của cuộc Nội chiến, về những trớ trêu trong hôn nhân. Nhân vật chính trong tiểu thuyết này tên là ngài March, người cha của một gia tộc lừng lẫy, từng được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết diễm tình "Những người phụ nữ nhỏ bé" của nữ văn sĩ Louisa May Alcott năm 1868.

Alcott chỉ nêu ra việc March từng làm linh mục trung đoàn trong Nội chiến. Brooks đã xây dựng cốt truyện dựa trên hành trình du lãng ở phương Nam của người đàn ông phương Bắc March, một triết gia theo quan điểm lý tưởng hóa mọi sự. Brooks đã sử dụng các tập nhật ký và thư của Bronson Alcott, cha nữ văn sĩ May Alcott, làm cơ sở tư liệu để viết tiểu thuyết...

Bà Brooks từng là phóng viên nước ngoài của tờ The Wall Street. Chồng bà, ông Tony Horwitz, cũng từng được trao giải Pulitzer năm 1995.

Nữ giảng viên Trường Đại học Harvard, bà Caroline Elkins được nhận giải Pulitzer 2006 trong lĩnh vực Văn học tư liệu với tác phẩm "Sự thanh toán của đế chế: Câu chuyện ít được biết tới của Gulag Anh ở Kenya".

Để viết nên cuốn sách bóc trần sự thật về chủ nghĩa thực dân này, bà Elkins đã phải nghiên cứu lịch sử những cuộc dịch chuyển ồ ạt bộ lạc kikuio trong những năm 50 của thế kỷ trước, phỏng vấn hàng chục người Kenya và những sĩ quan Anh đã nghỉ hưu.

Hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin, giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Tarf đã được trao giải trong lĩnh vực "Sách tiểu sử" nhờ cuốn "Prometheus kiểu Mỹ: Vinh quang và bi kịch của Robert Oppenheimer". Đây là cuốn tiểu sử rất đầy đặn của cha đẻ ra bom nguyên tử Mỹ, nhà khoa học kỳ tài Oppenheimer.

Trong lĩnh vực sách lịch sử, người được nhận giải Pulitzer 2006 là Giáo sư David Oshinsky thuộc Trường Đại học Tổng hợp Texas, tác giả công trình nghiên cứu "Bệnh viêm tủy xám: Câu chuyện Mỹ".

Về thơ, người được nhận giải thưởng Pulitzer 2006 là nữ Giáo sư Claudia Emerson từ một trường đại học miền Nam nước Mỹ, với tập "Late Wife". Trong tập sách bao gồm những bài thơ dưới dạng những lá thư, bà Emerson đã miêu tả đoạn kết một cuộc hôn nhân và sự mở đầu một cuộc hôn nhân khác.

Về âm nhạc, giải Pulitzer 2006 được trao cho Yehudi Wyner với tác phẩm dành cho đàn dương cầm "Chiavi in Mano"...

Giải Pulitzer được lập ra từ năm 1917, mang tên nhà báo xuất sắc Joseph Pulitzer. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 5/2006.

Một danh sách những người được nhận giải như thế chắc khó có thể làm vừa lòng Nhà Trắng và Tổng thống George Bush. Phần lớn những tác phẩm được tôn vinh đều toát lên tinh thần phê phán chính sách hiện nay của những người cầm quyền ở Mỹ.

Trong di chúc, Pulitzer đã dặn lại rằng, giải thưởng mang tên ông có nhiệm vụ giúp đỡ các nhà báo tuân thủ theo các nguyên tắc đạo đức và nghề nghiệp cao và không được xu thời lụy thế

Hoàng Phong
.
.
.