Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V- 2010: Bước tiến mới cả về số lượng lẫn chất lượng

Thứ Ba, 07/06/2011, 15:52
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải báo chí Quốc gia nhấn mạnh: Về chất lượng, các tác phẩm dự giải đồng đều hơn các năm trước, không có tác phẩm quá yếu kém. Tuy vậy, số tác phẩm thật xuất sắc nổi trội hẳn vẫn chưa nhiều. Tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở khối báo chí Trung ương và các thành phố lớn…

Đây là năm đầu tiên trong 5 mùa giải báo chí Quốc gia, số lượng tác phẩm dự giải cao nhất với 1.321 tác phẩm, trong khi các năm trước đều chưa đến 1.000 tác phẩm, tham dự ở 8 loại giải. Đặc biệt năm nay có 27 cá nhân gửi tác phẩm ảnh báo chí dự giải.

Đây cũng là năm có số lượng đơn vị báo chí tham dự giải nhiều nhất, số tác phẩm của cộng tác viên nhiều nhất, số lượng tác phẩm ảnh báo chí cũng nhiều với 125 đơn vị báo chí trong cả nước, so với chưa đầy 100 đơn vị của các mùa giải trước.

Từ trên 1.300 tác phẩm, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 161 tác phẩm vào chung khảo thuộc 8 loại giải, để từ đó, trao giải cho 69 tác phẩm. Theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, các tác phẩm vào chung khảo là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện và phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, có chất lượng tốt về hình thức thể hiện.

Đoàn công tác của Báo CAND đến thăm và tặng quà bà con vùng lũ miền Trung.

Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo thì năm nay, các cấp Hội ở Trung ương (các Liên chi hội, Chi hội trực thuộc) quan tâm đến giải nhiều hơn với 73 đơn vị (năm trước chỉ 43 đơn vị). Số Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm dự giải cũng tăng so với năm trước. Mặt khác, Hội đồng giải có cơ chế mới đối với ảnh báo chí, cho phép tác giả ảnh báo chí gửi thẳng tác phẩm về Hội đồng giải, không qua tuyển chọn ở cơ sở, nên đã thu hút được số lượng tác phẩm ảnh báo chí cao nhất từ trước đến nay và gấp hai lần năm trước.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Về chất lượng, các tác phẩm dự giải đồng đều hơn các năm trước, không có tác phẩm quá yếu kém. Tuy vậy, số tác phẩm thật xuất sắc nổi trội hẳn vẫn chưa nhiều. Tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở khối báo chí Trung ương và các thành phố lớn. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm tốt hơn các năm trước, như ở mảng báo in, các bài phản ánh, bút ký có nội dung phong phú hơn, bài bình luận, xã luận, chuyên luận sát thực tiễn hơn, bớt lý luận hàn lâm vv…

Riêng tọa đàm, chuyên luận, bình luận, phỏng vấn phát thanh vv… chất lượng còn yếu. Điểm yếu chung về nghiệp vụ là thể hiện chưa tới tầm của vấn đề. Báo điện tử tham dự nhiều giải nhưng không rõ về thể loại.

Nhưng nhìn chung, các tác phẩm đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Nhiều tác phẩm đi sâu giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế, đầu tư phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế; xoá đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Nhà nước; vấn đề phát trển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đặc biệt, năm 2010 có nhiều tác phẩm dự giải phản ánh sự kiện chính trị lớn: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và nhiều tác phẩm viết về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hội đồng chấm giải cũng đề nghị, cần họp rút kinh nghiệm sau 5 năm tổ chức giải Báo chí Quốc gia, để quan tâm đến các vấn đề, như bố trí lại cơ cấu giải, hoàn thiện cách tổ chức giải, chấm giải-cho điểm, thông tin, tuyên truyền về giải và tổ chức lễ trao giải vv…

Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tối 21/6/2011 đúng dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV6 Đài truyền hình Việt Nam.

Có 69 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C và 59 Giải khuyến khích:

- Giải tin, bài phản ánh, ghi chép (báo in) có 1 giải A, 5 giải B, 6 giải C;

- Giải xã luận, bình luận, chuyên luận có 4 giải B, 2 giải C;

- Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí (báo in) có 1 giải A, 2 giải B, 8 giải C;

- Giải ảnh báo chí có 2 giải B, 3 giải C;

- Giải phát thanh dành cho tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận có 1 giải B, 3 giải C;

- Giải phát thanh dành cho phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh có 1 giải B, 6 giải C;

- Giải báo hình dành cho bình luận, toạ đàm, giao lưu, phim tài liệu có 4 giải B, 5 giải C;

- Giải báo hình dành cho tin, phóng sự, phóng sự điều tra có có 5 giải B, 7 giải C.

Ngoài các tác phẩm đoạt giải chính thức, Hội đồng giải còn quyết định trao 59 giải khuyến khích.

- Loạt bài "Từ vùng bão lũ miền Trung - đi tìm giải pháp sống an toàn" của nhóm tác giả: Trần Thanh Phong - Sông Lam - Thanh Bình - Nguyễn Hưng - Hồng Phú-Lê Quân - Hữu Toàn của Báo CAND đã đoạt giải B;

- Loạt bài "Bác Hồ với quyết định "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt" của tác giả Lưu Vinh - Xuân Luận của Báo CAND giành giải C.

Thanh Hằng
.
.
.