Từ vụ cá độ bóng đá của các cầu thủ CLB The Vissai Ninh Bình:

Giấc mơ bóng đá tuổi 20 và nỗi ám ảnh vành móng ngựa

Thứ Ba, 15/04/2014, 08:51
7 năm trước cũng vào những ngày tháng 4 đầu hè, nắng nóng như đổ lửa, tại Tòa án nhân dân TP HCM có một phiên tòa mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một vết đen không thể gột rửa. Đó là phiên xử và kết án những nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 23 do Lê Quốc Vượng cầm đầu.

Đúng 7 năm sau, cũng vào những ngày tháng 4 này, bóng đá Việt Nam lại rơi vào thời khắc đen tối khi vụ làm độ, dàn xếp tỉ số ở CLB The Vissai Ninh Bình vừa bị Công an phát giác. Một vành móng ngựa khác có lẽ cũng đang đợi những người mới đây thôi vẫn là những chân sút bạc tỉ, những tuyển thủ quốc gia. Ám ảnh về tuổi 20, vành móng và trái bóng cuộc đời lại hiện về nhức nhối.

Gạch nối Văn Quyến

Văn Quyến là một trong những cái tên để lại sự tiếc nuối lớn nhất khi tham gia vào vụ bán độ của một nhóm cầu thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 23. Là một tài năng nổi bật, niềm hy vọng của hàng triệu người hâm mộ, lại đang trên đường đi đến đỉnh cao danh vọng nhưng Văn Quyến đã đánh đổi tất cả chỉ vì một khoảnh khắc mờ mắt trước đồng tiền.

7 năm sau khi nhận mức án 2 năm tù (án treo) và bị cấm 4 năm tham gia các hoạt động bóng đá, Quyến đã phải trải qua rất nhiều chìm nổi trong cuộc đời để vẫn có thể tiếp tục chơi bóng. Cầu thủ người xứ Nghệ tình cờ lại đang là một thành viên của V.Ninh Bình đúng lúc vụ dàn xếp tỉ số của đội bóng này ở AFC Cup bị phanh phui. Nhiều người vẫn dành những tình cảm mến mộ cho một tài năng từng bị chôn vùi vì tiêu cực đã thở phào nhẹ nhõm vì Quyến “béo” không có mặt trong danh sách “đen”.

Là người có mặt trong đường dây tiêu cực 7 năm về trước, phải nếm trải vòng xoáy lao lý và đứng trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án, hơn ai hết, Quyến hiểu nỗi đau và cả những ám ảnh về phiên tòa cuộc đời ấy. Quyến có thể coi là gạch nối giữa hai vụ bán độ làm rung chuyển và thay đổi bộ mặt bóng đá nước nhà. Bây giờ, nhiều khả năng đội bóng cuối cùng còn trọng dụng Quyến sẽ bị giải thể, bỏ tất cả các giải đấu mà họ sẽ tham gia. Quyến vì thế cũng ấp ủ ý định sẽ giải nghệ.

Rồi đây lần thứ hai Quyến sẽ được chứng kiến một phiên tòa mà ở đó Quyến sẽ thầm cảm ơn cuộc đời vì mình không phải đứng trước vành móng ngựa trong vai trò bị cáo một lần nữa. Nhưng một lứa cầu thủ cũng tài năng, cũng rất nhiều người là tuyển thủ rồi sẽ lặp lại đúng bi kịch của Quyến. Có thể nỗi đau của những cầu thủ bán độ bây giờ sẽ còn lớn hơn thế hệ của Quyến, bởi họ đã không học được một bài học xương máu, vẫn đi vào vết xe đổ chết người.

Những giấc mơ tuổi 20 đã chết

Năm 2007, đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án, nhóm cựu tuyển thủ khoác áo U23 Việt Nam đều mặc áo trắng, màu áo tinh khôi của tuổi học trò. Gương mặt họ thì vẫn ngời lên sức sống tuổi xuân, thế nên không chỉ cha mẹ, người thân của họ khóc, mà nhiều người hâm mộ dễ yếu lòng cũng đã rơi lệ.

Khi ấy, người nhiều tuổi nhất cũng là người tổ chức bán độ là Quốc Vượng mới 24 tuổi, còn các cầu thủ khác đều ở tuổi 22, 23. Lứa cầu thủ bán độ sau này có nhiều người trở lại được với sân cỏ cũng như làm lại cuộc đời như Quốc Anh, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Văn Trương, nhưng với họ, phiên tòa năm nào vẫn là một sự ám ảnh chua chát nhất. Ở đó, giấc mơ tuổi 20, giấc mơ trinh nguyên nhất của họ khi đến với bóng đá đã bị đặt dấu chấm hết. Sau này phải rất vất vả, phải cố gắng gấp 5, gấp 10 họ mới tìm lại được một phần giấc mơ ấy. Có những người thì vĩnh viễn mất tất cả như Văn Quyến, Quốc Vượng.

Nhiều người thở phào khi lần này Văn Quyến không... “nhúng chàm” cùng đồng đội. Ảnh: H.M.

Trong số 11 cầu thủ đang nằm trong tầm ngắm của nghi án bán độ tại CLB The Vissai Ninh Bình có nhiều người cũng vẫn đang ở tuổi đôi mươi. 6 tuyển thủ quốc gia đều còn rất trẻ có mặt trong danh sách “đen” là con số đủ khiến người ta bàng hoàng. Càng sốc hơn khi có những cái tên vốn được biết đến là những người hiền lành, chân chất.

Chắc chắn trong 11 cái tên ấy có những người ngay cả khi đã cầm đồng tiền bẩn vẫn nghĩ rằng họ chỉ vừa cố kiếm thêm một chút thu nhập. Đội bóng của họ vẫn thắng, mọi chuyện vẫn tốt đẹp thì có vấn đề gì đâu? Với vụ việc này không  ai đau hơn HLV Văn Sỹ, bởi hầu hết những cái tên bị điểm mặt đều là học trò cưng, coi ông Sỹ như anh, như thầy, thậm chí như người cha thứ hai. HLV Văn Sỹ bảo rằng: “Các em nó nghĩ nông cạn quá. Chỉ nghĩ chơi là chơi thôi. Số tiền có đáng bao nhiêu đâu mà đánh đổi tất cả”.

Bi kịch chồng bi kịch

HLV Văn Sỹ không thể cắt nghĩa tại sao chỉ vì có vài chục triệu đồng mà các học trò của ông lại bán đứng đội bóng, phản bội ông và phản bội những giấc mơ của chính họ. Có những người mà chỉ có ông Sỹ mới hiểu họ đến với bóng đá ra sao, đổ từng giọt mồ hôi trên sân cỏ để kiếm tiền gửi về nuôi mẹ, giúp đỡ anh chị em thế nào.

Đó là một Lê Văn Thắng, chàng trai quê ở Nông Cống (Thanh Hóa) mồ côi cha khi mới 5 tuổi, rồi đến 15 tuổi thì mất mẹ. Thắng có một người em gái duy nhất là ruột thịt may mắn sống sót nhưng cũng không có sức khỏe như mọi người sau tai nạn với người mẹ xấu số. Thắng lớn lên nhờ sự đùm bọc của họ hàng và tuổi thơ thì bữa no, bữa đói. Thắng đến với bóng đá với ước mơ duy nhất là thoát nghèo. Trong “phi vụ làm ăn” mà các đồng đội thực hiện, Thắng không tham gia nhưng lại cầm tiền dù có thể biết đó là những đồng tiền kiếm được từ làm độ. Với một cầu thủ không có gì để bấu víu ngoài bóng đá như Văn Thắng, nếu không được chơi bóng nữa nghĩa là Thắng mất nốt thứ quý giá còn lại trong cuộc đời. 

Đó là Nguyễn Gia Từ - trung vệ trụ cột của đội bóng cố đô Hoa Lư và của đội tuyển Việt Nam, người mà trước khi đến với bóng đá là chàng thanh niên nghèo ở miền quê Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Là con út trong gia đình có 8 anh chị em đều là nông dân, Gia Từ có năng khiếu thiên bẩm với trái bóng. Ngã rẽ của cuộc đời Gia Từ là khi đến với V.Ninh Bình theo tiếng gọi của HLV Văn Sỹ. Mới hai năm trở lại đây thôi, từ khi được gọi lên tuyển, cuộc đời Gia Từ như bước sang một trang khác, có thu nhập vài chục triệu đồng một tháng mà ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy, có tiền lót tay để xây nhà cho mẹ và giúp đỡ anh chị em… Bóng đá còn mang đến cho Gia Từ một cô vợ xinh xắn hâm mộ tài năng của cầu thủ này.

HLV Văn Sỹ hy vọng các học trò của ông chỉ trót dại “dính chàm” lần đầu, nhưng với những khai nhận đã được tiết lộ thì rất khó để tin cầu thủ V.Ninh Bình chỉ vì đói nên mới ăn vụng, túng nên mới làm liều. Hơn thế nữa, khi đã bán linh hồn cho quỷ dữ thì dù là nhiều lần hay chỉ một lần duy nhất, vĩnh viễn họ sẽ bị mang gương mặt của “quỷ”.

Hình ảnh những gương mặt non nớt trong chiếc áo trắng nhưng tay mang còng số 8 đứng trước vành móng ngựa 7 năm về trước chưa thôi ám ảnh người hâm mộ nước nhà thì một vành móng ngựa mới có thể lại sắp hiện ra. Có lẽ đã đến lúc nền bóng đá này phải tự soi lại mình để chất vấn bản thân với một câu hỏi buốt lòng: Không lẽ bóng đá là nghề nguy hiểm và là môi trường của “quỷ dữ” để những giấc mơ tuổi 20 không thể còn đất sống?

Nếu không chơi bóng, có thể những cầu thủ này sẽ không có nhiều tiền, không có danh vọng, nhưng ít ra họ không bị rơi vào vòng lao lý để rồi mãi mang nỗi nhục không thể gột rửa?

Từ bán độ đến làm độ

Từ vụ bán độ của đội tuyển U23 Việt Nam năm 2005 đến vụ làm độ của V.Ninh Bình năm 2014 có thể thấy hình thức tiêu cực và phương thức dàn xếp tỉ số đã có sự thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn nhiều. Nếu như năm 2005, các cầu thủ bị dụ dỗ bán độ thì giờ đây các cầu thủ có vẻ như rất chủ động làm độ để kiếm thêm thu nhập. Họ cũng không chọn kèo thắng thua hay tỉ số nữa mà làm kèo tổng số bàn thắng (nổ “tài”). Mỗi trận đấu giờ đây đã được họ xem như một phi vụ làm ăn để kiếm thêm thu nhập, nghĩa là “con quỷ” làm độ, dàn xếp tỉ số không chỉ trú ngụ ở một trận đấu hay một đội bóng đơn lẻ.

Ngọc Anh

Hải Minh
.
.
.