Gia tài 8.000 hiện vật thời đồ đá

Thứ Tư, 21/03/2007, 15:06

Về tỉnh Đắk Nông, giới khảo cổ học ai cũng biết anh Nguyễn Thế Vinh ở thôn 17, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp là người đang lưu giữ một bộ sưu tập vô cùng quí giá với 800 hiện vật đồ đá, gốm của người tiền sử cách đây 4.000 năm ở niên đại hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí.

Mặc dù đang trong vụ thu hoạch mì rất bận rộn nhưng anh Vinh vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi. Trong căn nhà đơn sơ bằng gỗ, đồ vật sinh hoạt để ngổn ngang nhưng các hiện vật đồ đá được anh xếp gọn gàng ngay ngắn, những vật quí như rìu tay, mũi lao, vòng đeo tay… được anh cẩn thận gói vào bao ni lông xếp ngay ngắn trên khay gỗ.

Theo lời anh, việc trở thành người sưu tầm và lưu giữ các hiện vật đồ đá đến với anh hết sức tình cờ và ngẫu nhiên. Năm 2003, anh đến vùng đồi hoang ở thôn 17, xã Nhân Cơ đốn củi, phát hoang trồng cà phê và cây ăn trái. Trong quá trình dọn dẹp rẫy nương và đào đất, anh đã phát hiện một số mảnh gốm có hoa văn rất lạ, cũng như một số loại đá có hình dáng khác với tự nhiên.

Nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống sưu tầm các cổ vật, nhất là đồ gốm đời nhà Thanh nên đã giúp anh một kiến thức nhất định v  ề khảo cổ và anh nảy sinh ý định sưu tập các mảnh gốm, đá lượm lặt ở rẫy của mình và những rẫy bên cạnh. Thời gian đầu, anh lượm lặt ở trong vườn và dưới con suối chạy quanh nhà về rửa sạch đem cất giữ. Cho đến nay, bộ sưu tập hiện vật của anh ngày một nhiều và phong phú chủng loại, với trên 800 hiện vật đang lưu giữ.

Vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối từ Viện Khảo cổ học Hà Nội và Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã về gia đình anh Vinh tận mục sở thị các hiện vật thời tiền sử và khảo sát thêm địa bàn nơi đây. Sau khi xem xét và nghiên cứu các hiện vật tìm được, nơi có độ cao 720m so với mực nước biển, bên cạnh có dòng suối lớn và nguồn nguyên liệu đá Silic tại chỗ có khối lượng lớn, tầng văn hoá dày diễn biến lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối đã nhận định: "Có thể nơi đây vốn là một di chỉ cư trú, đồng thời cũng là nơi chế tác những đồ trang sức mang tính chuyên hoá cao phục vụ nhu cầu biết làm đẹp của người tiền sử và có sự tiếp nối của nhiều thế hệ sinh sống từ rất lâu".

Bà Ngô Thị Kim Cúc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho hay: "Chúng tôi sẽ phối hợp với anh Vinh để gìn giữ, bảo quản hiện vật, đồng thời xin kinh phí khai quật vùng này để phục vụ nghiên cứu"

Hồng Linh
.
.
.