“Giá như đừng cho nó đi đá bóng”

Thứ Năm, 24/07/2014, 08:42
Hãy khoan nói về nỗi đau và bi kịch của nền bóng đá này khi một vụ tiêu cực, dàn xếp tỉ số quy mô lớn nữa lại bị phanh phui bởi bóng đá Việt Nam đã quá quen với nỗi đau bị phản bội. Hãy nhìn vào bi kịch của những gia đình, của những người làm cha làm mẹ khi có những đứa con vào tù sau khi chơi bóng. Trong suy nghĩ của gia đình, bố mẹ, vợ con và thậm chí là bạn bè các cầu thủ nhúng chàm, chính nền bóng đá này đã làm tha hoá, đã huỷ hoại tương lai và sự nghiệp của các cầu thủ. Nếu không chơi bóng, có lẽ họ vẫn được sống một cuộc sống bình thường và không phải mang một nỗi hổ thẹn, nhục nhã khó gột rửa.
>> Lời tuyên thệ xấu xí...

Còn ai dám cho con chơi bóng

Khi vụ tiêu cực ở CLB The Vissai Ninh Bình bị phát giác chúng tôi đã đến nhà cầu thủ Trần Mạnh Dũng, người vẫn bị tạm giam suốt từ đó đến nay và được cho là chủ mưu của vụ bán độ. Bố mẹ của Mạnh Dũng đã khóc rất nhiều nhưng nước mắt chưa nói hết được nỗi đau và sự hẫng hụt của họ.

Họ vẫn tin con mình không bao giờ làm chuyện dại dột đó, họ tin rằng cậu con trai ngoan ngoãn hàng tháng kiếm được bao nhiêu tiền từ đá bóng đều đem hết về gửi bố mẹ không thể nhắm mắt làm liều như vậy. Khi kể về con mình chúng tôi tin là không ông bố bà mẹ nào không nói thật. Chẳng ai dựng lên câu chuyện của một cậu bé ngoan ngoãn có năng khiếu chơi bóng từ bé, học giỏi nhưng khát khao trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.

Khi tiêu cực xảy ra nghe tin con mình nằm trong danh sách đen, lại là người “cầm đầu”, dẫn dắt đồng đội bán độ hình ảnh đầu tiên ùa về trong tâm trí những ông bố bà mẹ ấy là cậu con trai ngoan ngoãn, hiền lành chứ không phải một chuyên gia cá độ. Mẹ của Mạnh Dũng nói với chúng tôi rằng: “Con dại thì cái mang nhưng tôi tin con trai mình không phải người xấu các chú ạ. Nó không được chơi bóng nữa, đánh mất sự nghiệp gia đình ai cũng xót xa nhưng làm một công việc bình thường nó sẽ không bao giờ là một kẻ xấu”.

Mẹ Trần Mạnh Dũng (bên trái) và cả nhiều bà mẹ của các cầu thủ Đồng Nai ước đã không cho con mình đi theo nghiệp bóng đá. Ảnh: T.Vũ.

Rất nhiều nước mắt và những bi kịch gia đình đã xảy ra sau những vụ bán độ. Một cầu thủ đồng hương của Mạnh Dũng dù không bị tạm giam nhưng cũng đã cầm tiền từ vụ dàn xếp tỉ số đã hỏi tôi rằng: “Liệu em có bị đi tù không hả anh? Em sợ lắm vì như thế thì không có ai nuôi bố mẹ em”. Bố mẹ cầu thủ này đã già và gia đình nghèo khó ở miền quê của tỉnh Nam Định ấy chỉ biết trông vào thu nhập từ đứa con có năng khiếu chơi bóng.

Những cầu thủ Đồng Nai tham gia bán độ đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Trong mắt gia đình các cầu thủ này đều là người tốt, hiền lành và rất mực chăm chỉ, hết lòng với vợ con và chỉ biết đến niềm đam mê bóng đá. Không ai chê trách được họ điểm gì cả trên sân bóng lẫn ngoài đời nhưng bi kịch và vòng xoáy tội lỗi xảy ra nhanh đến mức họ còn chưa kịp nhận ra thì đã phải lĩnh “bản án” vô cùng khắc nghiệt. Nhìn cảnh bố mẹ của Long Giang, Hữu Phát - những cầu thủ tài năng và nhiệt huyết - đến xin lỗi HLV Trần Bình Sự và khóc mong sự tha thứ từ người hâm mộ cũng như sự khoan hồng của luật pháp ai cũng cám cảnh, xót xa.

Tha hoá khi chơi bóng

Những cầu thủ bán độ rõ ràng là đáng giận nhưng ở góc độ nào đó họ cũng rất đáng thương. Như người mẹ của Trần Mạnh Dũng từng nói: “Giá như không cho nó đi đá bóng thì có lẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra”. Bố mẹ của Phạm Hữu Phát, đội trưởng CLB Đồng Nai, người bước đầu được xác định là chủ mưu, cầm đầu cũng mới tâm sự rằng họ không muốn con trai mình đi theo con đường chơi bóng chuyên nghiệp.

Bây giờ thì những mệnh đề “Giá như…” sẽ lại càng nhói buốt hơn với những ông bố, bà mẹ có con là tội đồ bóng đá, là những kẻ bán độ bị cả xã hội lên án. Nền bóng đá Việt Nam cũng đứng trước những tự vấn nhức nhối. Phải chăng chính cái môi trường bóng đá đầy những cạm bẫy và cám dỗ này đã làm tha hóa nhiều người tốt đến thế?

Sự tha hoá đạo đức chơi bóng đã lên đến đỉnh điểm, nó là một thứ bệnh dịch ăn sâu, sống chung cùng cơ thể bóng đá. Các cầu thủ đang tha hoá mà không biết là mình tha hóa. Đó chắc chắn là lỗi hệ thống, lỗi môi trường mà họ đang sống. Nếu những cầu thủ bán độ bên ngoài sân cỏ cũng là những người có đầy vấn đề về tư cách đạo đức thì họ không xứng đáng nhận được sự cảm thông nhưng giờ đây người tốt khi chơi bóng cũng trở thành người xấu, thành những kẻ mang đầy tội lỗi thì hãy trách nền bóng đá này trước. Một nền bóng đá không mang lại những điều tốt đẹp, không làm cho con người trở nên văn minh hơn, tử tế hơn sẽ còn phải chứng kiến nhiều bi kịch hơn nữa, vòng xoáy tha hóa đạo đức sẽ còn chưa dừng lại

Hải Minh
.
.
.