Già làng làm sống lại vùng đất chết Khe Me

Thứ Hai, 26/05/2014, 13:28
Người Vân Kiều ở bản Khe Me, xã miền núi Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, bảo tôi: “Già làng Hồ Bình như vị thần hoàng sống của bản”. Chuyện khiến tôi tò mò và khi tìm hiểu kỹ, tôi ước mình có thể gắn lên trên ngực ông ấy một tấm huân chương!

Cậu bé Hồ Văn Long (7 tuổi), chân lấm bùn chăn những con bò gặm cỏ trên một thửa ruộng vừa gặt xong, tình nguyện dẫn tôi tới nhà của già Côn Đăng, người giàu có nhất ở bản Khe Me. Tôi đến nơi lúc ông đang cơi bếp lửa, mùi thịt gà trên chiếc lò nướng bốc lên thơm lừng. Ông hiếu khách, nhưng thẳng thừng từ chối tôi viết về ông như một tấm gương sáng của bản làng: “Nhà báo muốn viết, thì viết về già làng Hồ Bình. Ông có cái bụng tốt lắm, ông đã gan dạ dẫn bà con trở lại đây xây dựng lại bản làng và suốt mấy chục năm qua luôn là người tiên phong trong mọi công việc khó khăn của bản”.

Đợi đến tối, già làng Hồ Bình mới về, sau một ngày cùng hơn chục thanh niên của bản lên núi mắc ống nhựa, dẫn nước về cho bản. Già có dáng người cao chắc, bước đi rất nhanh nhẹn. Tôi còn đặc biệt ấn tượng, bởi cách nói chuyện của già, rất lưu loát hệt như người có tài văn. Già kể cho tôi nghe về khoảng thời gian tham gia đánh Mỹ cho tới sau ngày đất nước thống nhất… Đầu năm 1965 đến giữa 1966, cả xã miền núi Linh Thượng (sau này nằm trên tuyến hàng rào điện tử Mác Na ma-ra), bị bom đạn Mỹ cày đi xới lại, trở thành vành đai trắng. Lúc đó, ông chưa tròn 26 tuổi, đã lập gia đình, vẫn xung phong đi mở đường Trường Sơn cho dân quân hỏa tuyến, bộ đội gùi lương tải đạn, hành quân từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Rồi ông cầm súng xông pha trận mạc, tham gia nhiều trận đánh quan trọng ở nhiều nơi trên chiến trường Quảng Trị. Sau ngày đất nước hòa bình, ông công tác ở ngành Văn hóa- Thông tin huyện nhà, tháng năm rong ruổi trên mọi nẻo đường vùng cao, tổ chức chiếu phim đem ánh sáng văn minh vùng đồng bằng, thành thị đến với bà con các dân tộc thiểu số. Chuyến đi nào cũng đầy vất vả nhưng ăm ắp niềm vui. Vui vì qua mỗi buổi chiếu, bà con hiểu được, học theo cách làm ăn kinh tế của người miền xuôi; một lòng đoàn kết giữ gìn an ninh, trật tự thôn bản và giữ gìn chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Già làng Hồ Bình (phải) đã 74 tuổi song vẫn hăng say, tích cực tham gia công tác xã hội.

Già làng Hồ Bình tự hào khoe: “Cuối năm 1987, tôi có tới 31 năm 6 tháng phục vụ trong quân ngũ và ngành Văn hóa- Thông tin. Nghỉ hưu, về quê vui với con cháu chưa được nhiều thì đầu năm 1988, bà con ở Linh Thượng bầu tôi làm Bí thư Đảng ủy xã. Họ bảo, ánh sáng của Đảng có sáng thì cái bụng của bà con mới sáng, phát triển tốt sản xuất và xây dựng tốt quê hương. Đã vậy, khi tôi làm Bí thư Đảng ủy xã, người dân Khe Me bắt tôi phải kiêm cả Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn này!”. Người Khe Me, người Linh Thượng luôn biết ơn ông Hồ Bình, bởi việc làm gan dạ của ông. Năm 1990, cả vùng Khe Me vẫn còn chi chít hố bom; dày đặc bom đạn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh. Sau nhiều lần khảo sát thực địa, ông quyết định đưa người dân Khe Me trở lại đây để xây dựng lại quê hương. Ông nói: “Đất này là quê hương bản quán, nên dù khó khăn đến mấy cũng phải xây dựng lại. Nghĩ vậy nên ban đầu, tôi dẫn 5 gia đình vào đây cùng với tôi san lấp hố bom, nhặt đầu bom, mảnh đạn, gom lại một chỗ rồi nhờ bộ đội huyện đến vận chuyển đi nơi khác để xử lý. Phương châm là mình làm cho thật kỹ; làm sạch đất đai đến đâu thì trồng cây lúa, cây khoai, rồi dựng nhà cửa đến đó. Đặc biệt, tôi quán triệt bà con phải thật cẩn thận trong việc thu gom bom đạn, tuyệt đối không được để xảy ra sự cố…”.

Đến bây giờ, từ một vùng đất chết, từ chỗ ban đầu chỉ có 5 hộ dân, nay Khe Me đã có tới 105 hộ dân; trở thành một trong những bản làng trù phú nhất xã Linh Thượng ngày nay. Sau tiên phong, dẫn dắt hơn 100 hộ dân trở lại xây dựng làng mạc, già làng Hồ Bình còn là người tiên phong trong mọi phong trào giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông-lâm nghiệp và chăn nuôi, đóng góp xây dựng công trình phúc lợi cho quê hương… Ghi nhận công lao đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã tặng ông nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, năm 1998, ông vinh dự được Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Liên tục từ năm 1988 đến nay, ông được biểu dương là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số…  

Tôi chia tay già làng Hồ Bình và bà con dân bản Khe Me khi ánh điện đã rực sáng trong mỗi ngôi nhà. Tiễn tôi ra đầu ngõ có cả vợ ông Bình, bà Pả Thương. Tôi để ý trên gương mặt bà Thương lúc nào cũng tràn đầy niềm hạnh phúc. Bà Thương khoe: “Ông nó (già Hồ Bình) là người mà suốt cuộc đời tôi lúc nào cũng trân trọng và thương yêu. Ông không chỉ giỏi việc xã hội mà còn rất giỏi việc nhà. Nhờ ông nó mà gia đình tôi 4 đứa con, đã có 2 đứa tốt nghiệp đại học, 1 đứa cao đẳng, hiện cả 3 đều là giáo viên đang dạy học ở các trường huyện và xã”…

Thanh Bình
.
.
.