"Giả gái" trong showbiz Việt Càng nhiều càng lố

Thứ Bảy, 21/05/2016, 10:56
Mấy năm trở lại đây, showbiz Việt dường như lâm vào cơn sốt "giả gái". Các nam diễn viên, nghệ sĩ dường như chán cảnh com-lê cà vạt mực thước, rất thích hóa thân vào các vai diễn giả gái. Một cách làm mới mình của nghệ sĩ, với mục tiêu là để mua vui, chọc cười cho khán giả. Nhưng xem chừng, cơn sốt giả gái này đã đến hồi bão hòa, và thậm chí nó gây ra những phản ứng ngược với khán giả. Rất nhiều diễn viên nam đã trở nên lố bịch vì sự giả gái thái quá của mình.


Điểm mặt các nam nhi mê giả gái

Đầu tiên phải kể đến diễn viên hài Hoài Linh. Anh có vóc dáng nhỏ và khuôn mặt nhỏ nhắn nên rất dễ vào các vai giả gái. Khán giả không còn lạ cảnh Hoài Linh vào vai "thím nọ em kia", uốn éo lắc lư trên sân khấu. 

Hoài Linh là diễn viên có tài, có lượng fan khủng nhất showbiz, mỗi lần anh xuất hiện trong "bộ dạng" giả gái đều gây ra những cơn bão trong khán giả. Hàng triệu lượt like trên mạng xã hội và hàng triệu người chú ý trên màn ảnh nhỏ. Hoài Linh cũng không nhớ mình đã vào bao nhiêu vai giả gái. Vừa thấy anh môi son tóc dài lắc hông kênh này, lại thấy anh váy ngắn nhún nhảy mỹ miều kênh kia.

Nghệ sĩ Hoài Linh trong một vai diễn giả gái.

Sau Hoài Linh, nổi bật lên dạo gần đây những màn giả gái hút khán giả là MC, diễn viên Trấn Thành. Chàng diễn viên này dường như đang cố gắng đuổi kịp đàn anh Hoài Linh về số lượng vai diễn giả gái. Một số vai viễn giả gái của Trấn Thành phải nói là hấp dẫn, là điểm nhấn cho không ít game show vốn đang bị chê nhạt nhẽo, hết trò. Mới đây nhất, màn giả gái của Trấn Thành trong vở cải lương biến tấu từ vở Tô Ánh Nguyệt nổi tiếng bị ném đá tới tấp. Sự giả gái của Trấn Thành xem ra không phải lúc nào cũng ngon ăn.

Giả gái rất hợp với sân khấu hài. Nhiều nam diễn viên đã từng ít nhất một vài lần vào vai giả gái. Những nghệ sĩ nổi tiếng như Thành Lộc, Xuân Hinh, Thanh Bạch, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý… đã có nhiều vai diễn giả gái rất hay, rất ấn tượng. Trào lưu giả gái lan cả sang các nam ca sĩ, nhất là từ khi các game show trên truyền hình bùng nổ. Khán giả chứng kiến nào là Đàm Vĩnh Hưng, nào là Long Nhật, Tuấn Hưng, Minh Quân, Quang Hà, Thái Duy, Hồ Việt Trung, Nam Cường, Hoài Lâm… từng giả gái trên sân khấu để thay đổi khẩu vị cho công chúng. 

Giả gái quả thật đã mang đến một món ăn lạ, cung cấp thêm một góc khác về tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ, và giúp cho khán giả có những giờ phút thư giãn nhẹ nhàng trước màn hình. Trào lưu giả gái của showbiz có vẻ như vẫn chưa đến hồi hạ nhiệt. Mỗi ngày khán giả vẫn được thưởng thức (và cả bị tra tấn nữa) không ít màn giả gái trên truyền hình. Và một số nghệ sĩ nam vẫn tên tuổi phất lên như diều, nhờ "giả gái".

Giả quá hóa "lố"

Mới đây, MC Trấn Thành hứng gạch đá dư luận trong màn giả gái để biến tấu đoạn trích cải lương Tô Ánh Nguyệt. Tất nhiên, chuyện tranh cãi không phải nghệ sĩ giả gái giống hay không, mà liên quan đến ý thức của người nghệ sĩ. Dư luận đông đảo cho rằng Trấn Thành đã xúc phạm cải lương, một môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Việt. 

Là người viết kịch bản kiêm diễn viên cho trích đoạn hài dựa theo vở cải lương nổi tiếng mà khán giả ai cũng biết, Trấn Thành đã mang đến một "Tô Ánh Nguyệt Remix" với những màn diễn thô thiển, ngôn ngữ thì hết sức quái đản. Những người yêu nghệ thuật cải lương xem xong đều thấy đau lòng, vì cách mà một nghệ sĩ trẻ làm méo mó cải lương như vậy. 

Những câu trong trích đoạn vở diễn của Trấn Thành có những câu thoại như thế này: "Tui không phải là bà Tô Ánh Nguyệt mà là con Nguyệt bán cocktail tô", hay: "Ai kêu tôi đó, mặt chó tui đây", thực sự đã khiến cho nhiều "lão" nghệ sĩ cải lương gắn bó cả đời với loại hình nghệ thuật này choáng váng. 

Trấn Thành vào vai Tô Ánh Nguyệt trong trích đoạn gây tranh cãi.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ông cực sốc khi xem màn diễn này. "Không chỉ tôi mà các nghệ sĩ nhà hát, các anh chị em nghệ sĩ bên ngoài cũng đều sốc và không thể chấp nhận được. 

Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc kịch Indecaf thì lo ngại: "Đây là một việc làm vô cùng phản giáo dục. Một tác phẩm nghệ thuật trước hết là phải đẹp, đẹp từ ngôn từ đến sân khấu, phục trang, diễn xuất. Từ đó mang lại giá trị giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ. Trích đoạn Tô Ánh Nguyệt này quá dung tục, bậy bạ về mặt thẩm mỹ và ngôn từ. Nó cũng làm sai lệch bản sắc dân tộc có ở loại hình nghệ thuật cải lương, làm khán giả trẻ hiểu sai nghệ thuật cải lương, tiếp nhận sai các giá trị ở cải lương kinh điển".

Tất nhiên, Trấn Thành đã lên tiếng xin lỗi khán giả, và phân bua rằng anh không có ý coi thường cải lương, chỉ là cách diễn của anh, cách làm kịch bản của anh chưa gây được cảm xúc thẩm mỹ nơi khán giả, tạo ra sự hiểu lầm. Trấn Thành cũng chấp nhận hình phạt từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn liên quan đến vai diễn của mình. Câu chuyện này là giọt nước tràn ly, cho thấy trào lưu giả gái đang gây ra những xúc cảm tiêu cực cho khán giả. Những nghệ sĩ nếu không biết kiềm chế bản thân, cứ chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận khán giả thì rất dễ "ăn đòn".

Diễn viên Công Lý trong vai giả gái ở chương trình “Gặp nhau cuối năm” được nhiều khán giả yêu thích.

Sở dĩ các chương trình trên sóng truyền hình ngày càng xuất hiện nhiều vai giả gái, vì đây là một thỏa thuận của nhà sản xuất với nghệ sĩ. Trong các show truyền hình thực tế, nhà sản xuất luôn cần các chiêu trò để hút khách. Chất lượng nghệ thuật đến đâu không biết, nhưng sự lạ gây tò mò cho khán giả sẽ giúp nhà sản xuất thu được nhiều quảng cáo. 

Nghệ sĩ tham gia vào các game show là phải chấp nhận theo cuộc chơi của nhà sản xuất. Họ phải thực hiện các vai diễn mà nhà sản xuất muốn. Đi kèm với đó, họ có quyền lợi về cát-xê giá khủng. Một số nhà sản xuất nhận thấy, vai diễn của nghệ sĩ càng nhảm, càng lố thì lượng rating càng cao, càng thu về nhiều tiền. Cái mất, có chăng, chỉ là nghệ sĩ phải chịu tai tiếng hay tẩy chay của khán giả.

Nghệ sĩ hài Hoài Linh chia sẻ, anh cũng bắt đầu giảm bớt vai giả gái, vì bản thân thấy nhàm, và xem chừng khán giả cũng không còn thích thú mô típ này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức bảo vệ hình ảnh của mình như Hoài Linh. Nhiều nghệ sĩ nam, vì nhiều lý do, vẫn say mê trào lưu giả gái. Thậm chí có nghệ sĩ nam trẻ còn công khai nói, càng bị ném đá, càng bị chê lố, tên tuổi của anh ta càng được nhiều người biết đến.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Không nên để hiện tượng nhiều vai diễn giả gái phản văn hóa tràn lan trên truyền hình, trên sân khấu. Việc phạt tiền một diễn viên sau khi dùng vai diễn giả gái "bôi bẩn" lên nghệ thuật truyền thống chỉ là một cách làm chữa cháy, không có tác dụng gì nhiều với nghệ sĩ và khán giả. 

Giả gái chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, không có gì là xấu cả. Chỉ ngại là nhiều nghệ sĩ đã sử dụng thủ pháp này thái quá, gây ra những hiệu ứng không tốt từ vai diễn. Chẳng hạn sử dụng hình ảnh hóa trang của mình thái quá, ăn mặc kệch cỡm, động tác uốn éo khiêu gợi rẻ tiền, thêm những ngôn ngữ thiếu tính văn hóa, thẩm mỹ. Những hình ảnh đó có hại với nhận thức của khán giả trẻ. 

Một người mẹ thốt lên trên mạng xã hội: "Sao truyền hình lúc nào cũng thấy đưa hình ảnh mấy anh nam diễn viên giả gái õng ẹo vậy. Con trai của chúng tôi suốt ngày xem những hình ảnh đó, liệu nó có những thay đổi trong tâm lý không. Các em học sinh nam liệu có bắt chước các nghệ sĩ thần tượng từ các vai giả gái như vậy không?".

Xuân Tình
.
.
.