Gặp tác giả của 30 ca khúc về đề tài Công an

Thứ Tư, 14/04/2010, 17:23
Con số gần 30 tác phẩm khắc họa hình tượng người chiến sỹ CAND được Lê Mạnh Thắng viết từ năm 1990 đến nay đã phần nào thể hiện được sự tìm tòi, trăn trở của anh trong mảng đề tài này.

Trung tá Lê Mạnh Thắng hiện là trợ lý công tác chính trị của Công an TP Vinh. Sinh ra và lớn lên tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, một vùng đất đã sản sinh ra nhiều nhà chí sỹ cách mạng, nhà văn hóa lớn nên ngay từ nhỏ, Lê Mạnh Thắng đã được sống, hít thở không khí "văn hóa, văn nghệ" của mảnh đất khá nổi danh này.

Ngay từ lúc học phổ thông, Lê Mạnh Thắng đã đam mê văn học nghệ thuật và thể hiện rõ năng khiếu âm nhạc của mình. Anh đã từng là Liên đội trưởng, Bí thư Đoàn trường, phụ trách văn hóa văn nghệ. Tốt nghiệp THPT, anh được địa phương cử đi học Trung cấp An ninh.

Năm 1978, anh được Công an tỉnh Nghệ An tuyển dụng về làm việc tại Phòng Công tác chính trị. Cũng trong thời gian này, anh tiếp tục được đơn vị cử đi học Đại học Báo chí, lớp Trung cấp Âm nhạc - Trường Văn hóa nghệ thuật; lớp bồi dưỡng về hạt nhân phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật do Bộ Công an tổ chức tại Nhạc viện Hà Nội để trở về làm "hạt nhân" của phong trào văn nghệ quần chúng CAND tại địa phương.

Là người có năng khiếu sử dụng các nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, đàn nguyệt, từ năm 1978 đến năm 1986, Lê Mạnh Thắng liên tục tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng CAND do Bộ Công an và Công an các địa phương tổ chức và đã vinh dự "ẵm" về nhiều huy chương. Trong đó có thể kể đến Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND năm 1980, Huy chương bạc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 1984 với tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc (đàn nguyệt).

Sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật đang ở giai đoạn "đỉnh cao" thì nhiều đồng nghiệp bất ngờ khi thấy Lê Mạnh Thắng chuyển sang lĩnh vực sáng tác ca khúc. Tuy nhiên, khi đề cập đến câu chuyện này, Lê Mạnh Thắng cho rằng: Sáng tác ca khúc về đề tài người chiến sỹ CAND chính là điều mà anh ấp ủ từ lâu. Song phải đợi đến thời điểm này, mong ước ấy mới "chín muồi" và có cơ hội trở thành hiện thực.

Trung tá Lê Mạnh Thắng tâm sự: Thời gian tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ Công an các địa phương trên tất cả các địa hình từ đồng bằng đến đồi núi, vùng sâu vùng xa chính là cơ hội để các anh thấu hiểu, chia sẻ và thấm thía hơn bao giờ hết sự vất vả, khổ cực cũng như phẩm chất anh dũng, gan dạ, kiên cường của người chiến sỹ CAND trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để có được sự bình yên như hôm nay, đã có biết bao sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ; bao mất mát, đắng cay của nhiều thế hệ chiến sỹ CAND. Và không phải chỉ có nỗi đau mà đôi khi, cả chiến công không phải lúc nào cũng có thể nói ra được, cũng có thể chuyển tải được thành tác phẩm văn học-nghệ thuật.

Làm sao để có thể khắc họa được hình tượng người chiến sỹ CAND một cách "xứng tầm", đây chính là điều mà Trung tá Lê Mạnh Thắng cảm thấy trăn trở và day dứt nhất trong suốt gần 20 năm anh say mê sáng tác ca khúc.

Con số gần 30 tác phẩm khắc họa hình tượng người chiến sỹ CAND được Lê Mạnh Thắng viết từ năm 1990 đến nay đã phần nào thể hiện được sự tìm tòi, trăn trở của anh trong mảng đề tài này.

Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm "Anh là chiến sỹ Công an" (ca khúc đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc do Bộ Công an tổ chức); "Đồng đội của tôi" (phổ thơ Hồ Xuân Hoà, tác phẩm đoạt giải vàng Liên hoan truyền hình Nghệ An năm 2009); "Về với bản làng"; "Tình anh người chiến sỹ Công an"; "Chiến sỹ Công an trên quê hương Bác", "Trọn đời vì dân", "Cho em cuộc sống bình yên", "Từ trái tim anh"…

Điều đáng vinh dự, tự hào là gần 30 tác phẩm này đã được thu âm thành 2 album, phát hành rộng rãi trong lực lượng CAND, trong đó có nhiều tác phẩm đã được Công an các địa phương dàn dựng và biểu diễn

Lệ Thúy - Hoàng Mai
.
.
.