“Gã cá sấu chột mắt”- Bài học về nhận thức lối sống và nhân cách làm người

Thứ Năm, 04/12/2014, 11:14
Nối tiếp tập truyện vừa Thức tỉnh (NXB. Công an nhân dân, H. 2005, tái bản năm 2014); tập tiểu luận phê bình Lời bàn về truyện vụ án (NXB. Công an nhân dân, H. 2010, tái bản năm 2013)... Đại tá, Nhà văn Nguyễn Thụ (Hoàng Huệ Thụ) lại vừa hoàn thành tiểu thuyết Gã cá sấu chột mắt (NXB. Công an nhân dân, H. 2014).

Thiên tiểu thuyết Gã cá sấu chột mắt của Hoàng Huệ Thụ mở đầu bằng câu chuyện khá quen thuộc và đậm chất thời sự: Đại úy trẻ Phan Trung Thực có bố là sĩ quan quân đội hy sinh ở Quảng Trị được Thiếu tướng, Giám đốc Công an Thành phố giao nhiệm vụ điều tra về việc có nguồn tin cáo giác Tạo Quân không phải là thương binh - người từng hai lần bị kết án về tội hối lộ cán bộ, mua bán nhà đất bất minh, có thời gian buôn lậu, buôn thuốc phiện nên có rất nhiều vàng”...

Nếu chỉ khai thác đề tài theo kiểu truyện vụ án để cảnh báo tình trạng thương binh giả và loại tội gian lận hành chính, giả mạo giấy tờ với đầy đủ các tình tiết ly kỳ, gay cấn, éo le thì nhân vật Đại úy Phan Trung Thực hẳn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay sau khi hóa giải được sự thật về ba bản xác nhận của ba người có liên quan (Đỗ Thị Tuyết Mai chứng nhận là y tá trực tiếp đón thương binh Tạo Quân từ mặt trận trở về; Phạm Đức Minh chứng nhận từng chiến đấu với Tạo Quân trong chiến dịch Biên giới; Nguyễn Viết Mộc xác nhận quen biết quân nhân Tạo Quân thời kỳ ở chiến trường) và đặc biệt đã đến tận xóm Mai gặp Dương Xuân Dược, Nguyễn Bá Đĩnh là những người biết rõ sự thực, từng trực tiếp cứu chữa khi gã cá sấu Tạo Quân lấy lựu đạn ném cá sông bị nạn cụt một tay và hỏng một bên mắt. Theo lẽ thường, loại truyện vụ án như thế đã có đủ cả quá trình vén bức màn bí ẩn, đưa đến nhận thức về sự thật, lẽ phải và sự công bằng, thỏa mãn được tâm lý hiếu kỳ với đông đảo bạn đọc.

Đi xa hơn kiểu truyện vụ án, tác giả Hoàng Huệ Thụ đã nâng tầm thành thiên tiểu thuyết với dung lượng hiện thực rộng lớn, số lượng nhân vật đông đảo, có tính cách và hoàn cảnh, đời sống tâm lý khá rõ nét.

Trên khung nền cốt truyện vụ án, Hoàng Huệ Thụ tập trung tái hiện các sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian gần (xuất hiện nghi vấn kẻ giả danh thương binh, yêu cầu cần điều tra, khám phá vụ việc...), tiếp đó là thực tại quá khứ thuộc về thời gian xa (các thời điểm nảy sinh sự việc gắn với những mối quan hệ chồng chéo, manh mối sự thật gắn với nhiều hiện tượng giả như thật và những khuất lấp, trắng đen, phải trái, chính tà đan quyện trong nhau...) và cuối cùng, khi nút truyện được tháo gỡ thì người đọc được dẫn dắt trở lại với thời gian thực tại hôm nay (thời gian giải minh, kết thúc sự kiện, phiên tòa xử rõ trắng đen...). Với Gã cá sấu chột mắt, có thể nói khoảng thời gian quá khứ, thời gian xa, thời gian bóng tối mà các nhân vật hoạt động, gây nên tội lỗi với đủ mọi mưu mô, mánh khóe mới là phần chủ đạo, chiếm dung lượng quan trọng trong tác phẩm.

Mở rộng dần về phía thời gian quá khứ, bối cảnh sự kiện và hiện thực xã hội qua hơn nửa chặng đường sau của thế kỷ XX cũng được tái hiện, đan xen, chồng lớp, trầm tích lên nhau gắn với gia cảnh nhà Tạo Quân thời Pháp thuộc, rồi một thời tản cư chống Pháp, một thời cải tạo công thương nghiệp, một thời xây dựng tổ hợp tác, một thời hậu chiến gắn với nạn đầu cơ, tích trữ, lừa đảo, chiếm đoạt nhà cửa và vượt biên trái phép... Theo xu hướng mở về thời gian quá khứ, bối cảnh không gian cũng luôn luân chuyển từ hiện thực thành phố đến các vùng miền xa xôi; từ khung cảnh làng quê của Tạo Quân đến vùng núi nơi y đóng vai bộ đội tiếp phẩm và buôn lậu, buôn thuốc phiện, lừa đảo vợ chồng A Nhình, Sùng A Dzếnh; từ những ngôi nhà bất minh giữa trung tâm thành phố đến cuộc trốn chạy vào Nam và tìm đường vượt biên bất thành của Tạo Quân cùng vợ và hai cậu con nghịch tử... Điều cần chú ý là tất cả bối cảnh sự kiện gắn với không - thời gian này được tái hiện hoàn toàn không đơn giản theo một chiều tuyến tính mà luôn thay đổi, trong đó nhân vật Đại úy Phan Trung Thực đóng vai trò người truy tầm, phá án và kết nối các mảng hiện thực khác nhau theo một phương hướng cấu trúc cốt truyện thống nhất.

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Thụ.

Trong tiểu thuyết Gã cá sấu chột mắt, Tạo Quân là nhân vật phản diện điển hình, xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm. Theo từng trang sách và càng ngược dòng thời gian thì chân tướng Tạo Quân càng bị lật tẩy và hiện lên với tất cả bản chất của một kẻ gian manh, lừa đảo, buôn lậu thuốc phiện. Từ vị thế con nhà khá giả, được lão Phiệt nuông chiều, Tạo Quân trốn không đi bộ đội rồi trở thành kẻ buôn chuyến, buôn lậu thuốc phiện, đi lại từ vùng tự do vào thành phố. Khi ở trên chiến khu miền núi, y khôn khéo lấy được cô Bằng. Chẳng may Bằng bị tai nạn, thế là Tạo Quân ngược lên vùng Sơn La và chính thức nhập hội cùng bọn buôn bán thuốc phiện. Chính ở nơi đây, sau khi lừa bạn hàng, cắt đuôi cảnh sát điều tra, y trở về quê. Trên đường về, y ăn trộm được quả lựu đạn rồi mang đi đánh cá nên bị nạn và khai man thành thương binh. Sau khi lên thành phố, y lừa Ngô Phương để chiếm nhà, lợi dụng hoàn cảnh cô Đào rồi lấy Đào và có được luôn cả ngôi nhà. Với mác thương binh, y cậy thế chèn ép gia đình vợ chồng Đại tá Pháo binh Nguyễn Tường - Thu Hà, móc nối với những quan chức biến chất như Sơn Tùng và viên Chánh án hưu non Hà Thân lắm mưu nhiều kế. Tuy nhiên, y không thể mua chuộc được Thẩm phán Long,... đến đường cùng phải tìm cách vượt biên và rồi bị bắt, bị kết án ngồi tù.

Bên cạnh nhân vật phản diện Tạo Quân, tiểu thuyết Gã cá sấu chột mắt còn xây dựng được nhiều số phận với những cảnh đời, tính cách và đời sống tâm lý khá phong phú. Thói đời ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, phần lớn những nhân vật gắn bó với Tạo Quân thường là những kẻ xảo trá và bị y lợi dụng, lừa gạt. Có thể nói chính những mối quan hệ ngang tắt, những lối làm ăn, buôn lậu gian dối của Tạo Quân với nhiều loại đối tác đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của các tuyến nhân vật. ở đây có thể thấy được việc Tạo Quân lợi dụng đồng bào dân tộc miền núi như Sùng A Dzếnh, A Nhình đi buôn thuốc phiện; đường dây chạy tội mang màu sắc maphia với kiểu nhân vật Hà Thân; rộng hơn là mối quan hệ chủ tớ bền chặt của bọn Phạm Mãi, Phan Thanh Sơn, Tạo què được che giấu dưới lớp vỏ bọc Tổ sản xuất Thương binh. Một nhân vật đầy chất bi hài khác nữa chính là Đào, vợ của Tạo Quân. Qua thời gian, Đào đã nhận ra bản chất của Tạo Quân nhưng rồi thị cũng phải nghe theo chồng đến nhà đại ca Hà Thân và trở thành mối tình già nhân ngãi, non vợ chồng. Mặt khác, gieo gì gặt nấy, hai thằng con Huỵch và Hoặc cũng sớm biết đua đòi, ăn chơi và lừa lại chính người cha của mình. Khi trốn vào Nam tìm đường vượt biên, biết trong cánh tay giả của ông bố có giấu tiền, vàng mà không làm gì được, chúng bỏ đi sống bằng số tiền tích cóp riêng sau những lần biển thủ của bố mẹ. Sau khi gây chuyện mất trật tự an ninh, cả hai đều bị đuổi về nơi cư trú. Cả nhà Tạo Quân đã đi vào ngõ cụt, phải trả giá cho lòng tham và những mưu mô đen tối của mình.

Đối lập với những kẻ gian tham, tiểu thuyết Gã cá sấu chột mắt vẫn ấm áp tình người và niềm tin vào công lý và tương lai bởi còn có những con người chính trực, mẫn cán, tận tụy với công việc và hết lòng vì lẽ phải như Thiếu tướng Công an Hoàng Anh, Đại úy Công an Phan Trung Thực, Nhà báo Hoàng Anh Nguyên, Đại tá Pháo binh Nguyễn Tường, Dương Bân, Thẩm phán Long... Gã cá sấu chột mắt thực sự là tác phẩm văn học giàu suy ngẫm, giàu chất tiểu thuyết, đưa đến bài học nhận thức về lối sống, nhân cách con người và hướng đến khẳng định những giá trị nhân văn cao cả...

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Thụ (Hoàng Huệ Thụ) sinh năm 1954 tại Hồng Minh, Hưng Hà, Thái Bình. Nơi ở hiện nay Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Nhập ngũ tháng 11 năm 1971 tại Trung đoàn huấn luyện 153 Thái Bình. Trực tiếp tham gia chiến dịch 1971-1972 tại Thành cổ Quảng Trị (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308), là thương binh loại A. Tốt nghiệp Khoa Văn học  - Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội (1976-1979), nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn. Tốt nghiệp Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (1980-1983). Tốt nghiệp cao cấp Lý luận chính trị Khóa I - Cục V26 - Bộ Công an - Học viện Chính trị khu vực I. Từ năm 1984 công tác tại Nhà xuất bản Công an nhân dân - Bộ Công an. Hiện là Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân.. Tham gia hoạt động văn học từ năm 1976 với truyện ngắn đầu tay “Đất gọi” in trên báo địa phương.. Đến nay ông đã có 14 tác phẩm gồm các thể loại.  Tiểu thuyết “Gã cá sấu chột mắt” vừa được NXB CAND phát hành năm 2014 là tác phẩm mới nhất của ông.. CAND xin giới thiệu bài viết của PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn về cuốn sách này.

PGS - TS Nguyễn Hữu Sơn
.
.
.