GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh và lý do không nối nghiệp cha

Thứ Tư, 17/05/2006, 08:26
Về lý do rẽ sang ngả âm nhạc, GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh: Cha tôi bảo: "Con không theo hội họa là đúng. Nếu không có năng khiếu thì đừng đứng chật đất của người khác".

Trong phòng tiếp khách nhỏ, hẹp tại nhà riêng của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh ở đường Trường Chinh, Hà Nội có treo một bức chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân khổ lớn bằng sáp màu. Có những chữ ký của các họa sĩ đương đại như Lưu Công Nhân, Lê Lam, Trọng Kiệm, Mai Long, Trần Lưu Hậu...

Vị chủ nhà có gương mặt rất giống cha, kể: Đầu năm 1950, ở chiến khu Việt Bắc mở hai trường nghệ thuật chính quy đầu tiên về hội họa và âm nhạc. Trường họa cha tôi làm Hiệu trưởng, trường nhạc nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm Hiệu trưởng. Đến khoảng cuối năm 1951 thì hết kinh phí.

Đáng lẽ trường họa cũng giải tán như trường nhạc nhưng cha tôi "tiếc", liền về bàn với mẹ tôi, bỏ tiền túi ra mấy cây vàng nuôi học trò, thêm một năm nữa là vừa hết một khóa. Vậy nên mới có lứa họa sĩ này phục vụ cách mạng. Đến ngày giỗ thầy, tưởng nhớ công ơn thầy, các học trò ở Hà Nội có sáng kiến phân công Lê Lam vẽ chân dung theo ảnh cha tôi và mọi người đều ký tên xung quanh.

- Vì sao anh không theo nghiệp của cha? Tôi hỏi GS Tô Ngọc Thanh.
- Ban đầu cha tôi rất muốn tôi nối nghiệp, có lẽ do ông nhận thấy lúc ấu thơ tôi có tư chất nào đấy chăng. Nhưng tôi lại mê âm nhạc. Có lần ông bắt gặp tôi đứng kiễng chân ngoài hàng rào nhà bác nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nhìn vào, trong ấy đang đàn hát ả đào. Rồi tôi còn lần mò lên tận bãi rác Nhà Dầu Shell ở đầu phố Khâm Thiên nơi có nhiều người ăn mày tụ tập để nghe họ hát xẩm. Cha tôi bảo: "Con không theo hội họa là đúng. Nếu không có năng khiếu thì đừng đứng chật đất của người khác".

Nhưng rồi tôi học nhạc đã phải dang dở mấy lần. Lần đầu như đã kể, lớp học trong kháng chiến giải tán, tôi được cử đi học nghề gõ đầu trẻ ở Khu Học xá Trung ương Nam Ninh, Trung Quốc. Về nước, làm hiệu trưởng một trường cấp một ở Bắc Giang. Rồi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cha tôi hy sinh. Hòa bình lập lại một thời gian, Nhà nước mở trường trung cấp âm nhạc, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội bây giờ, tôi đang là Tổng hiệu trưởng các trường cấp một phía Nam Hà Nội liền bỏ nghề, đầu đơn vào trường nhạc. Khóa đầu tiên của tôi là lứa nhạc sĩ phục vụ chống Mỹ cứu nước sau này như: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Hồng Thao, Vĩnh Cát, Hồng Đăng...

Đến khi sau mười mấy năm công tác ở Tây Bắc, về Viện Nghệ thuật, được cử sang Nhạc viện Sofia, Bulgari làm nghiên cứu sinh, gặp ông thầy có ba bằng tiến sĩ là GS.Stunhian Đutrép, tôi nói là chỉ đủ tiêu chuẩn thực tập sinh thôi vì chỉ có bằng trung cấp. Song ông thầy rất giàu kinh nghiệm và tâm huyết này đã xem cách đặt vấn đề trong đề cương nghiên cứu âm nhạc dân gian của tôi, đồng thời thấy tôi đã trải thực tiễn nhiều năm thì bảo: "Tôi cho anh làm kanđiđat (phó tiến sĩ) dù anh chưa có bằng đại học. Nhưng anh phải thi để chứng tỏ trình độ đại học". Tôi thi liền 9 môn và đạt điểm cao, gửi bảng điểm về nước, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lúc đó là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội đồng ý đặc cách cấp bằng đại học cho tôi.

Rồi câu chuyện lại quay trở về cuộc đời người cha - họa sĩ tài danh Tô Ngọc Vân và ông đã hy sinh ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, không còn bao lâu nữa là miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

- Hôm ấy ở Bắc Giang, tôi đang chuẩn bị hành trang để vượt đường 39 vào địch hậu hoạt động - GS Tô Ngọc Thanh kể - thì nhận được tin cha tôi bị trúng bom trên đèo Lũng Lô, Yên Bái. Đó là trưa 17/6/1954. Do một toán dân công sơ ý đun nấu để lộ khói, một đàn gồm 6 chiếc "Bê Vanh-xít" và 12 "Hen-cát" quần thảo, giội bom hủy diệt. 139 dân công hỏa tuyến chết tại chỗ, sau chôn chung một hố. Cha tôi đang ngồi vẽ trong một ngôi nhà người Tày ở lưng đồi thì bị một tảng đá lớn do bom nổ dưới suối văng lên đập trúng người, các ký họa bay tung tóe xung quanh.

Có một chuyện đáng buồn lúc đó, có hai người đồng nghiệp cùng đi, có lẽ do quá hoảng mà lặn mất tăm, chính người chủ nhà ngồi mẫu cho cha tôi vẽ đã lo liệu việc chôn cất riêng một nơi bên bờ suối.

Tôi ngày đêm đạp trên chiếc xe Lincon từ Bắc Giang về đến nơi thì đã qua hơn mười ngày rồi. Không thể để mộ bên bờ suối, đến mùa lũ sẽ bị cuốn trôi, vả lại lúc đó tôi vẫn bán tín bán nghi về cái chết của cha. Cha tôi là con trưởng dòng họ Tô ở làng Xuân Cầu (Văn Giang, Hưng Yên) cần nhận diện thi hài cho chính xác. Khi khâm liệm trong tôi cảm nhận một nỗi đau thương vô hạn, sự căm thù lũ giặc xâm lăng đến xương tủy. Tôi bọc Người trong tấm vải dù chiến lợi phẩm, còn chẻ tre nẹp xung quanh, rồi vác lên đỉnh đồi, táng vào một đống mối. Một năm sau, Hội Văn nghệ cho chiếc xe tải Molotova lên bốc mộ đưa về chôn ở một nghĩa trang nhỏ ven nội, chỗ nhà máy Cao-xà-lá bây giờ.

Đến năm sau nữa ở đấy chuẩn bị khởi công khu công nghiệp, mộ cha tôi lại chuyển về nghĩa trang Mai Dịch. Lúc đó Mai Dịch chỉ là một nghĩa trang liệt sĩ của huyện Từ Liêm (Hà Nội), cha tôi nằm cạnh các liệt sĩ vô danh.

Cha tôi mất ở tuổi 49 giữa lúc tài năng đang độ chín. Cái số cha tôi vất vả thế đấy, trong 3 năm phải bốn lần di dời mộ! Mới rồi, lãnh đạo tỉnh Yên Bái có yêu cầu tôi chỉ cho chỗ đã chôn cụ trên đỉnh đồi Lũng Lô để sẽ xây ở đấy một tấm bia tưởng niệm.--PageBreak--

Trong phòng khách, ngoài chân dung cố họa sĩ, còn treo hai bức tranh nổi tiếng của ông là Bên hoa huệThuyền sông Hương, nhưng đều là phiên bản, in bán rộng rãi. Tôi hỏi chủ nhà về "số phận" bức tranh do chính tay họa sĩ tài năng vẽ cách đây đã 70 năm. Nét buồn lại thoáng hiện trên mặt, GS Tô Ngọc Thanh kể tiếp:

- Ngày ấy gia đình tôi ở trong ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên (Hà Nội). Đến khi tản cư theo kháng chiến, chỉ mang một số đồ dùng sinh hoạt. Thế rồi ngày về tiếp quản chỉ còn cái xác nhà, mọi tác phẩm của cha tôi đều thất tán cả. Ông Đức Minh là nhà sưu tập tranh có tiếng ở Hà Nội lúc đó, hỏi vì sao ông có bức tranh gốc Bên hoa huệ, thì nói là mua lại được của một người sưu tầm khác. Gia đình tôi rất muốn chuộc lại bức tranh nhưng lấy đâu ra tiền. Có thời kỳ tôi đã làm khá nhiều đơn, thư gửi lên trên, tha thiết đề nghị Nhà nước bỏ tiền mua lại để trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, song tiếc là không có hồi âm.

Sau khi ông Đức Minh mất, nhiều tranh của các họa sĩ trong nước có giá trị nghệ thuật cao bị tuồn ra nước ngoài, trong đó có bức Bên hoa huệ của cha tôi. Nghe nói họ đã bán cho một thương gia Hồng Kông tên là Hà Thúc Cần với giá mười lăm nghìn đô la. Còn bức Thuyền sông Hương hiện đang bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể đấy chỉ là một bản chép lại đã được "cổ hóa". Thời kỳ trước cách mạng, cha tôi còn có những tác phẩm sơn dầu khác, cũng rất đẹp như: Hai cô gái và em bé, Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ lên chùa... giờ đều không biết lưu lạc ở đâu. Hiện gia đình tôi chỉ còn giữ được một số ký họa, trong đó có ký họa cha tôi vẽ ở Lũng Lô trước lúc hy sinh.

Đang câu chuyện, có người từ văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin mang đến cho GS.TSKH Tô Ngọc Thanh vé máy bay và giấy mời dự lễ đón bằng của UNESCO, công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tổ chức vào cuối 3/2006 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Vị Giáo sư khả kính không chỉ thông thuộc văn hóa các dân tộc phía Bắc, mà còn có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Ngày ấy ông từ Bulgari trở về, lại có 5 năm liên tục (1978 - 1983) lăn lộn với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Hội lễ Folklore là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống theo định kỳ, và dân tộc nào cũng có lễ hội của riêng mình liên quan đến mùa màng và chu kỳ cuộc đời của con người. Một trong những lễ hội tiêu biểu là lễ đâm trâu cộng đồng (Grong kơpô) của người Ba Na. Trong một lần đi tìm hiểu lễ hội, nhà nghiên cứu của chúng ta đã có một cuộc "binh vận" khá mạo hiểm, nhưng rất thành công.

Ông kể: Tháng 11/1978, tôi là Trưởng phòng Sưu tầm văn hóa dân gian của Viện Nghệ thuật, cùng 4 đồng nghiệp nữa vào Pleiku để dựng lại lễ hội đâm trâu Ba Na. Ông Trịnh Kim Sum lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh rất nhiệt tình giúp đỡ, song ông tỏ ý lo ngại, thời kỳ này bọn phỉ Fulrô hoạt động mạnh, có thể chúng sẽ phá lễ hội. Ở làng De Nghe Tih, xã Yơma, huyện An Khê có một toán phỉ do một thiếu tá Fulrô chỉ huy. Đội công tác của tôi đề phòng địch tập kích bất ngờ, cứ mỗi tối đều phải thay đổi chỗ ngủ.

Anh em bàn nhau không vào hang sao bắt được hổ, vả lại một lần tôi mơ thấy cha tôi về, Người khuyên: "Nên đến gặp trực tiếp người ta!". Không hiểu sao lúc đó chính thiếu tá Fulrô cũng biết tôi là con trai của một danh họa mới từ Bắc vào và ông ta đã đánh tiếng muốn tiếp xúc, chỉ với điều kiện là phải đến một mình. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đến và đặt ché rượu vào bàn thờ, rồi xé đôi con gà, đưa cho thiếu tá một nửa, đó là dấu hiệu chung sống hòa bình của người Ba Na. Không ngờ viên thiếu tá lại là người rất mê Grong kơpô, không phải thuyết phục nhiều, ông ta hứa sẽ bảo đảm an ninh tuyệt đối trong ngày lễ hội. Sau lễ đâm trâu năm ấy, lại chính viên thiếu tá ấy đã mang theo 30 phỉ Fulrô ra đầu thú cách mạng.

Câu chuyện với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh lôi cuốn suốt một buổi chiều. Có những chuyện lần đầu mới kể và tôi muốn ông cho phép được công bố. Vốn là người xuề xòa, dễ tính, vị Giáo sư cao niên cười và chỉ nhắc là cần viết sao cho tránh những hiểu nhầm không đáng có của người đời

.
.
.