GS. TSKH. NGND Hoàng Xuân Sính: Khó để ta phải vượt

Chủ Nhật, 04/12/2011, 09:35
Khi được hỏi tại sao cả đời lại theo đuổi một nghành khoa học vừa khó, vừa khổ, lại vừa khô, nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam, nhà trí thức có uy tín và hiện đương nhiệm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN trả lời rằng: Đời phải có khó khăn để ta vượt qua thì nó mới là đời. Cho nên không phải gọi là khó bởi vì đó là điều tất nhiên ở trong cuộc sống. Khó không phải là khổ. Khó để ta phải vượt thôi.

GS.TSKH NGND Hoàng Xuân Sính kể: “Dường như Toán học đã chọn tôi, cho nên tôi không có duyên với khoa học xã hội. Thi Tú tài xong, tôi xin phép học tiếng Anh để đi làm báo. Lúc đó, tôi định sang Thụy Sĩ có trường dạy làm phóng viên. Trường đó rất nghiêm khắc. Một tuần học 70 tiếng, trình độ tiếng Anh phải rất giỏi. Ở Pháp có lệ, học sinh chưa đến tuổi thành niên muốn vào đại học khoa gì thì phải có giấy chứng nhận đã được sự đồng ý của bố mẹ. Tôi không được bố mẹ đồng ý mà bị “lôi cổ” về học toán. Thân phụ tôi chủ trương yêu nước là phải làm việc gì thật cụ thể, là toán lý hóa thuộc khoa học tự nhiên chứ không phải khoa học xã hội, không phải báo chí”.

1. Thân phụ của GS Hoàng Xuân Sính là cụ Hoàng Thúc Tấn, một trong những thành viên sáng lập Báo Thanh Nghị nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám 1945. Từ thuở các con cắp sách đến trường, cụ đã "dạy thêm" ở nhà theo kiểu các cụ đồ Nho giảng bài. Đó là gương các anh hùng cứu nước rồi đến những người học giỏi xưa và nay…

Trong một bài viết của mình, GS Hoàng Xuân Sính nhớ lại: "Còn nhỏ, nhưng với kiểu dạy của cha tôi, tôi đã làm quen với hệ thống "trường lớn" (Grandes Ecoles) của Pháp. Cha tôi muốn tôi hiểu hệ thống học đó để có lòng tự hào của một người Việt Nam đối với một người Việt Nam học giỏi đã đỗ vào những trường lớn mà, theo lời cha tôi kể, một thực dân cỡ bự đã nói: cứ để cho bọn An Nam chúng thi vào các Grandes Ecoles để chúng hiểu thế nào là học".

Một trong số những nhà trí thức lớn thời đó nổi danh học giỏi từ thời sinh viên là nhà giáo, nhà toán học Hoàng Xuân Hãn đã được cụ Hoàng Thúc Tấn coi như một tấm gương để giáo dục các con. 

***

Năm 18 tuổi, học rất giỏi nên Hoàng Xuân Sính được người cậu ruột là Nguyễn Văn Phúc đón sang học ở Trường Toulousse ở miền Nam nước Pháp. Lúc đó, ông Phúc đang làm việc tại cơ sở sản xuất máy bay của tỉnh Toulousse, cơ sở sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất của Pháp. Ông cũng chính là kỹ sư Việt Nam phụ trách việc tính toán kết cấu máy bay Caravelle (Pháp) là máy bay dân dụng đầu tiên trên thế giới mới được sản xuất. Sau đó, ông tiếp tục tham gia thiết kế chế tạo máy bay Concord - máy bay phản lực siêu âm đầu tiên trên thế giới, sản phẩm hợp tác giữa hai nước Pháp và Anh. Sau khi Việt Nam thống nhất hai miền đất nước, ông Nguyễn Văn Phúc cũng là Việt kiều đầu tiên giúp nước nhà sản xuất máy bay HL-1 và HL-2.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Toulousse, Hoàng Xuân Sính quyết định thi Thạc sĩ Toán học, một cấp học rất khó vì ở đại học Toulousse nhiều người đã học đến bạc đầu nhưng hồi ấy không ai đậu Thạc sĩ. Còn như lời bà kể, ở Pháp trước đây các kỳ thi Thạc sĩ phần lớn dành cho dòng họ Mari Quyri và Lănggiơvanh tham dự. Biết bao năm ở tỉnh Toulousse không có người nào đỗ được thạc sĩ toán, nhất là đối với phụ nữ lại càng là điều không ai nghĩ tới. Song với quyết tâm và bền bỉ ôn luyện Hoàng Xuân Sính đã đậu Thạc sĩ (aggregation) năm 26 tuổi. Đó là vinh dự cùng với niềm tự hào không chỉ cho bà, cho những người Việt Nam xa xứ, mà còn cho cả Đại học Toulousse.

Khi con đường và tương lai khoa học ở Pháp rộng mở cho bà với những hứa hẹn tốt đẹp, thì bà lại chọn con đường của rất nhiều trí thức yêu nước đã ra đi: trở về với nguồn cội.

"Tháng 8/1959, tôi đang băn khoăn nên ở lại Pháp hay về nước, giữa lúc đó, một sự việc khá bất ngờ đến với tôi. Tờ báo "Khoa học thường thức" xuất bản ở Thủ đô Hà Nội đã đưa tin tôi đậu Thạc sĩ Toán học ở Paris.

Đọc dòng tin nóng hổi trên tờ báo từ Tổ quốc gửi sang, lòng tôi bồi hồi xúc động. Tổ quốc đang từng ngày từng giờ theo dõi những hoạt động và vui mừng với những thành công nhỏ của những đứa con đi xa như bà mẹ hiền chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con nhỏ thân yêu. Tự nhiên, trước mắt tôi, hình ảnh Tổ quốc hiện lên mỗi lúc một rõ nét. Bao nhiêu ý niệm xa xưa lần lượt hiện về trong trí nhớ… Tôi xúc động nhớ lại hôm nào Bác đến thăm trường, lúc đó tôi mới chỉ là cô bé 12 tuổi bé bỏng, ngây thơ. Tôi cùng các bạn ùa ra đón Bác, vây quanh lấy Bác như đàn chim non gặp mẹ. Và rồi từ đó hình ảnh Bác Hồ mãi mãi bên tôi, động viên khuyến khích tôi đi lên, vượt qua hết khó khăn này đến gian khổ khác và trên đất Pháp, tôi lại được ghi thêm lời dạy của Bác đối với anh chị em Việt kiều: "Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ nhân dân"…

Giờ đây, tôi đã có nghề, đất nước đang cần có thêm bàn tay khối óc của những đứa con thân yêu. Và cũng mấy năm nay, từ trên đất Pháp nhiều anh chị em trí thức đã trở về Tổ quốc sát cánh cùng nhân dân xây dựng đất nước…

Không đắn đo, suy nghĩ gì khác nữa. "Trở về", tôi dứt khoát quyết định. Thế là ba tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ Toán học, tôi lên đường trở về đất nước, hành lý mang theo chỉ là hai chiếc va li đựng đầy sách vở cần thiết và một số quần áo thường dùng của hai mẹ con. Lòng thanh thản, tôi bước chân lên máy bay từ giã nước Pháp cổ kính trở về theo tiếng gọi Tổ quốc, tiếng gọi của Bác Hồ".

GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính và GS Hoàng Xuân Hãn.

2. Về Việt Nam, bà đã chọn công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ phương Tây - chân trời tri thức trở về, nhưng bà không hề tự kiêu cho rằng đã đủ kiến thức giảng dạy mà luôn chịu khó "tầm sư học đạo". Bà dự các bài giảng về "Lí thuyết tập hợp" của GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cho tất cả các cán bộ giảng dạy về toán của các trường đại học đóng ở Hà Nội vào mỗi sáng chủ nhật trong những ngày cuối xuân sang hè năm 1960.

Chiến tranh chống Mỹ, phải sơ tán, cô giáo Hoàng Xuân Sính cũng như bao anh em khác, gần như sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Các tạp chí toán học chuyên ngành thật ít ỏi và thường đến muộn, cô thật khó mà nắm bắt được những hướng nghiên cứu mới có nhiều triển vọng và hợp với sở trường của mình. Nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình của một tập thể giáo viên giàu kinh nghiệm ở Khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt là GS Ngô Thúc Lanh - Chủ nhiệm Khoa và cái tình của sinh viên đã nuôi trong bà ngọn lửa công việc giúp bà vượt qua rất nhiều khó khăn.

Trong một bài báo mang tên Vài lời về ông Laurent SCHWARTZ, GS Bùi Trọng Liễu đã viết: "Vào lúc bắt đầu Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, một bữa tôi nhận được thư của bà Hoàng Xuân Sính từ Hà Nội, yêu cầu tìm cho bà mấy tập kỉ yếu xê-mi-na về "Thuyết phạm trù" của ông C. Chevalley, cũng là nhà toán học nổi danh. Tôi không quen ông này nên nhờ bà Schwartz hỏi hộ. Từ bà sang đến ông, từ ông sang đến ông Chevalley, rồi lan sang đến người khác, các ông bà ngạc nhiên hỏi tôi sao dưới bom đạn như vậy mà vẫn còn một đời sống khoa học, vẫn có người nghiên cứu, vẫn có người soạn luận án... Các ông bà đề nghị hỗ trợ sách báo, tài liệu, dụng cụ,… để đời sống khoa học tiếp tục tồn tại và phát triển dưới bom đạn, (mà theo tôi, nó chứng tỏ một sự quyết tâm tồn tại trước sự áp đảo của kẻ cậy mạnh). Đây quả là một hình thức đấu tranh tinh tế (subtil), nhẹ nhàng nên dễ huy động đông đảo, góp phần tuyên truyền đấu tranh cho hòa bình, mà lại thực tế".

Chính trong những lúc khó khăn gian khổ khi đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, đề tài "GR - Phạm trù" của Hoàng Xuân Sính đã được hình thành và hoàn thiện… Một làng trung du bên bờ con sông Đáy nước chảy lặng lờ. Giá rét thấu qua vách liếp đan thưa, lắm kẽ hở. Ngọn đèn dầu lung lay trước từng đợt gió mùa đông bắc bổ sung thổi về. Những cơn mưa phùn dầm dề dai dẳng buốt xương. Cô giáo Hoàng Xuân Sính khoác tấm chăn chiên mỏng mầu xám xỉn, ghi lại những ý nghĩ mới nảy sinh trong đầu thành từng dòng, từng trang luận án... Bản luận án Tiến sĩ Toán học Quốc gia hình thành dần dưới ánh đèn dầu!

Bản luận án hình thành dần dưới ánh đèn dầu của làng quê Việt Nam ấy đã được bà mang sang thủ đô nước Pháp để bảo vệ  học vị Tiến sĩ Toán học Quốc gia vào một buổi chiều tháng 5/1975.

Cuộc bảo vệ luận án của Hoàng Xuân Sính, được tiến hành trước đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều tại Trường Đại học Paris VII (Université Paris 7) thuộc hệ thống các Trường Đại học Sorbonne nổi tiếng thế giới. Hội đồng chấm luận án, theo lời GS Bùi Trọng Liễu, một Ban giám khảo toàn các nhà toán học trứ danh của Pháp thời đó: Chủ tịch hội đồng gồm có GS Vécđiê (Verdier), VS Hăngri Cáctăng (Henri Cartan) Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và GS Alếchxăngđrơ Grôtenđic (Alexander Grothendieck) hai người sau cùng được tặng Huy chương Fields (Fields Medal) -

Trong hai tiếng rưỡi đồng hồ, Hoàng Xuân Sính bảo vệ bản luận án thứ nhất: Gr phạm trù! Ngay sau đó cô bảo vệ tiếp bản luận án thứ hai: Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên. Bản luận án thứ hai này, bà phải thực hiện tại Paris, chỉ trong vòng hai tháng, theo đề tài do Hội đồng Toán học ra cho để... "thử tài"! Cả hai bản luận án ấy đều nhằm giải quyết những vấn đề toán học hiện đại với nội dung phong phú.

Hoàng Xuân Sính đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án "Gr - Phạm trù" của mình. Năm ấy bà 41 tuổi. Những giọt nước mắt hạnh phúc nóng hổi của bà và bà con Việt kiều chan hòa. Trí tuệ Việt Nam lại tiếp tục được khẳng định trên đất Pháp. Hoàng Xuân Sính trở thành người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Toán học. Đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời bà.

Khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Phụ nữ Liên Xô (8-1975), Tiến sĩ Toán học Hoàng Xuân Sính đã nói lên niềm mơ ước của mình: "Tôi muốn góp phần đào tạo một lớp các nhà toán học trẻ ở đất nước tôi. Hiện nay, nhiều sinh viên đại học và cả các nhà nghiên cứu toán người Việt Nam còn phải ra nước ngoài bảo vệ luận án của mình. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống toán học ở trình độ cao, hoàn chỉnh, ở ngay trong nước".

***

- Người ta vẫn cho rằng toán học là một ngành khoa học "vừa khó, vừa khổ, lại vừa khô" cho nên không phù hợp với nữ. Vậy tại sao bà lại gắn bó với Toán học suốt cả cuộc đời như vậy?

Vừa nghe xong câu hỏi của tôi, GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính đã xua tay:

- Nhận xét đó có phần đúng, nhưng không đúng hoàn toàn. "Khó" và "khổ" thì đương nhiên rồi? Khó thì đó là chuyện đời. Chuyện ở đời thì ai mà chả gặp khó khăn hả em? Tôi còn nhớ có một ông nói với tôi điều này mà tôi thấy rất là hay. Ông ấy bảo: Nếu chúng ta gọi khó là một cái khó thì không đúng. Đời phải có khó khăn để ta vượt qua thì nó mới là đời. Cho nên không phải gọi là khó bởi vì đó là điều tất nhiên ở trong cuộc sống. Khó không phải là khổ. Khó để ta phải vượt thôi

Kiều Mai Sơn
.
.
.