Đường tới di sản thế giới bao xa?

Thứ Bảy, 18/06/2011, 11:21
Hiện nay cả nước còn khoảng 17 phường rối dân gian, tuy nhiên không phải phường rối nào cũng phát triển và hoạt động mạnh. Nhiều phường rối tham gia liên hoan mà không hề được địa phương quan tâm về tinh thần và cả vật chất. Lặng lẽ đi thi và lặng lẽ ra về... Đã tới lúc Nhà nước cần một chiến lược và định hướng nghệ thuật dài hơi cho rối dân gian.

Cái đích lớn nhất mà Bộ VH, TT&DL nhắm tới, khi tổ chức Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ I - 2011 (diễn ra tại Hải Dương từ 13 đến 18/6 với sự tham gia của 14 phường rối nước và 4 phường rối cạn đến từ Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng) là tạo nên cú hích giúp các nhà quản lý có kế hoạch định hướng bảo tồn và phát triển múa rối dân gian, tìm cách hỗ trợ từ cấp Trung ương cho tới địa phương. Nhưng, phải “mục sở thị” các chương trình biểu diễn và lắng nghe tâm tư của nghệ nhân tại Liên hoan mới thấy, múa rối nếu không được quan tâm một cách thiết thực nhất, thì nguy cơ mai một, thất truyền đang cận kề trước mắt.

Rối đồng quê bao giờ hết phận long đong?

Rối dân gian, chủ yếu tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, ra đời vào thời Lý. Hiện nay cả nước còn khoảng 17 phường rối dân gian, tuy nhiên không phải phường rối nào cũng phát triển và hoạt động mạnh. Có những phường rối để các “đại sứ” văn hóa hằng ngày hằng giờ nằm, ngồi, lăn lóc trong kho…, cho bụi thời gian phủ kín. Lâu nay, các phường rối dân gian đều hoạt động tự phát, bản thân nghệ nhân vì yêu nghề, yêu di sản cha ông để lại mà âm thầm bỏ kinh phí khôi phục chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Vì thế, nguy cơ mai một, đánh mất nghề tổ đang ở tình trạng báo động.

Tiết mục rối nước của các phường Thanh Hải (xã Thanh Hải, Thanh Hà, Hải Dương) và phường Nam Chấn (xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định).

Độ tuổi của gần 300 nghệ nhân từ 14 phường rối hội tụ tại liên hoan trung bình là 50. Thiếu người trẻ tham gia biểu diễn là nỗi lo thường trực đối với các phường rối hiện nay. Tiền bồi dưỡng trung bình 30.000 đồng - 50.000 đồng cho một suất diễn không lưu giữ được người trẻ đến với nghề rối. Thiếu nghệ nhân trẻ biểu diễn đã đành, nhiều phường rối còn thiếu luôn cả nhạc công. Thay vì dàn nhạc sống cần có, các phường đành phát nhạc bằng băng ghi âm, làm giảm đi rất nhiều chất lượng biểu diễn.

Nhiều trưởng phường rối ngậm ngùi than, họ tham gia liên hoan mà không hề được địa phương quan tâm về tinh thần và cả vật chất. Lặng lẽ đi thi và lặng lẽ ra về. Rất nhiều phường rối đã phải vay mượn để có tiền đến Hải Dương, hy vọng được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí để trang trại nợ nần. Nhưng, vẫn có tới 3 phường rối rất nổi tiếng của Hà Nội là Chàng Sơn, Làng Ra, Thạch Xá đã lỡ hẹn vì không tìm đâu ra kinh phí ăn ở, đi lại.

Rối dân gian, liệu có bị thất truyền?

Không ít nghệ nhân của nhiều phường rối đã chạnh lòng khi nghe bà Đặng Thị Bích Liên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tiết lộ: Tỉnh đầu tư trang thiết bị cho các phường rối, tổ chức liên hoan cấp tỉnh 2 năm/lần, gắn hoạt động rối nước với các tour, tuyến du lịch nhằm quảng bá di sản văn hóa đặc biệt này tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Tỉnh còn chủ động sưu tầm, phục hồi các trò, tích diễn múa rối lưu truyền trong dân gian phục vụ cho công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa rối nước vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Không phải tỉnh nào cũng có được sự chăm chút quan tâm phát triển nghệ thuật múa rối dân gian giống như tỉnh Hải Dương. Đó là lý do rất nhiều phường rối đang phải khổ sở vật lộn để khỏi vĩnh viễn biến mất nghề tổ.

Muốn có trò hay, tích hay cần phải có sự đầu tư thích đáng ngay từ công tác tìm tòi, nghiên cứu bổ sung cho mới, cho tới việc đầu tư dàn dựng và tạo hình con rối. Điều mong mỏi lớn nhất của các nghệ nhân là, Liên hoan sẽ góp một tiếng nói đối với địa phương và các phường rối cùng góp sức để xây dựng, củng cố lại đội ngũ nghệ nhân dân gian.

Bộ VH-TT&DL đang đề nghị UNESCO công nhận múa rối nước là di sản phi vật thể thế giới. Nếu cứ để các phường rối dân gian phát triển một cách tự phát thì khó có thể giữ được loại hình nghệ thuật độc đáo này một cách nguyên gốc. Đã tới lúc Nhà nước cần một chiến lược và định hướng nghệ thuật dài hơi cho rối dân gian. Đồng thời ngoài việc chờ đợi sự quan tâm của cơ quan quản lý cũng như của các tổ chức xã hội thì điều quan trọng nhất vẫn nằm chính ở sự nỗ lực và năng động của từng phường rối và các nghệ nhân

Thúy Hiền
.
.
.