Đừng thi hát nữa, em ơi

Chủ Nhật, 21/09/2008, 14:47
Các cuộc thi hát trên truyền hình liên tiếp. Nhưng lứa ca sỹ sau thiếu cá tính hơn lứa trước. Tâm lý "cuộc nào cũng chiến" của các ca sỹ trẻ đã biến họ thành những gương mặt quen thuộc đến nhàm chán. Đó chính là điều khiến các cuộc thi ngày càng tẻ nhạt, thiếu bất ngờ.

Hàng loạt thí sinh dự thi Vietnam Idol và đã lọt vào những vòng sâu tiếp tục đi thi ở những cuộc khác là một biểu hiện bất thường trong tâm lý của các ca sỹ trẻ. Điển hình như Ngọc Minh, Hải Yến và Ngọc Ánh…

Ai cũng biết, Vietnam Idol là cuộc thi đại chúng nhất, hầu như tất cả những người yêu ca hát tại Việt Nam đều có quyền tham gia. Và điều đó được chứng minh là con số thí sinh đăng ký cuộc thi này năm sau tăng gấp đôi năm trước.

Xuất hiện tại Vietnam Idol, không ít các thí sinh đi từ vô danh thành một người nổi tiếng. Ngọc Minh đã lọt vào top 5 của Vietnam Idol 2007, và sau đó người ta hy vọng vào việc anh sẽ phát hành một album mới. Đó có thể coi là một bước khởi đầu thuận lợi cho một ca sỹ trẻ.

Nhưng Ngọc Minh đi theo một con đường ngược lại. Anh tiếp tục dự thi Sao Mai - Điểm hẹn 2008. Anh tâm sự với ban giám khảo Sao Mai - Điểm hẹn rằng, anh là một người trẻ, nên thấy cuộc thi nào hấp dẫn cũng sẽ đăng ký dự thi và… "chiến hết mình".

Những tưởng anh sẽ xuất hiện xuất sắc tại Sao Mai - Điểm hẹn sau khi có được những kinh nghiệm tốt của Vietnam Idol. Nhưng ở Sao Mai - Điểm hẹn anh tỏ ra khá yếu thế so với những thí sinh khác và kết quả là không vào nổi vòng hai.

Sự "trượt dốc" của Ngọc Minh chính là không có khả năng chọn lựa ca khúc phù hợp với chất giọng của mình, phong cách biểu diễn monotone, thiếu tinh tế. Và cuộc thi này càng thể hiện rõ rằng, việc anh không vào sâu được các vòng trong không phải do khán giả cảm tính mà thực sự anh mới chỉ dừng ở mức độ… tiềm năng, cần mài dũa hơn nữa.

Hải Yến cũng là trường hợp tương tự. Khi cô bị loại ở sân chơi Vietnam Idol 2007, đã có làn sóng tiếc nuối cho cô vì cô tỏ ra có phong cách và hát tốt hơn những thí sinh khác.

Nhưng bước vào Sao Mai - Điểm hẹn 2008, cô cũng không thể hiện được mình rõ hơn, mà còn bộc lộ khá rõ những điểm yếu. Hát chênh phô và không chắc nhịp, đó là điểm yếu lớn của cô.

Hải Yến tham gia cả Việt Nam Idol và Sao Mai - Điểm hẹn nhưng đều không được giải thưởng.

Một nhạc sỹ từng nói, yếu về giọng hát có thể luyện được, có thể nhờ phòng thu hỗ trợ. Nhưng yếu về nhịp phách thì ca sỹ ấy rất khó phát triển trên con đường chuyên nghiệp.

Thế nên không mấy lạ khi Hải Yến đã gần như là thí sinh yếu nhất trong số những thí sinh lọt vào vòng 2 Sao Mai - Điểm hẹn và chỉ có một thành viên Hội đồng nghệ thuật (nhạc sỹ Lê Quang) bỏ phiếu cho cô vào giải nhất Sao Mai - Điểm hẹn 2008.

Và cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình TPHCM lại chứng kiến một gương mặt nữa của Vietnam Idol dự thi, đó là Ngọc Ánh. Ngọc Ánh đã bước vào vòng sâu nhất, giành vị trí thứ hai của Vietnam Idol 2007. Nghĩa là anh đã có một cơ hội đủ để toả sáng.

Sau đó, điều người ta cần là việc anh sẽ phát triển sự nghiệp như thế nào, sẽ thu âm album ra sao và sẽ hoạt động âm nhạc như một ca sỹ chuyên nghiệp như thế nào. Tất cả những điều ấy, gần một năm qua, anh hoạt động cầm chừng, gần như không có sự xuất hiện nào đáng kể.

Cho đến khi anh dự thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình TP HCM thì những người làm nghề trở nên ngán ngẩm. Tại sao anh vẫn ham muốn đứng vào vạch xuất phát của một ca sỹ không chuyên để thi đấu với họ? Vị trí của anh đã đương nhiên là cao hơn những ca sỹ ở cuộc thi này rồi? Phải chăng anh chỉ rèn luyện giọng hát để phục vụ các cuộc thi? Và giải thưởng ở các cuộc thi chính là điều anh đang muốn hướng đến?

Nhìn từ thực tế cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình TPHCM, người đoạt giải nhất cũng hoạt động rất trầm lắng và chưa tạo được sức bật nào đáng kể, ví dụ như Hải Yến và Hạ Trâm. Đến nay, nhắc đến tên họ, người ta cũng còn phải suy nghĩ rất nhiều để nhớ lại.

Bởi trong rừng ca sỹ hàng ngàn người tại thị trường đông đúc như TP HCM, rất nhiều người xuất sắc hơn họ, rất nhiều ngôi sao nổi hơn họ. Tại các phòng trà, rất nhiều ca sỹ không đi thi nhưng giọng hát tuyệt vời hơn họ. Vậy đi thi để làm gì? Chẳng lẽ chỉ cần được cái giải rồi thôi?

Cuộc thi Vietnam Idol 2008 cũng chứng kiến sự tham gia của Cẩm Tú, cô ca sỹ đã từng vào chung kết Sao Mai - Điểm hẹn 2006. Tại vòng sơ loại phía Bắc, một thành viên ban giám khảo nói rất ngạc nhiên khi cô đến dự thi chương trình này. Bởi cô, sau khi tham gia Sao Mai - Điểm hẹn đã đủ để khán giả biết tới.

Và sau đó cô đã phát hành một album cá nhân. Nghĩa là cô đã có một bước đi chuyên nghiệp. Chính vì thế, cô xuất hiện ở một sân chơi muốn cổ vũ cho những người vô danh, không chuyên đi thi hát để biến một kẻ vô danh thành "anh hùng" thì cũng hơi khó hiểu.

Nếu theo dõi hậu trường từ vòng ngoài các cuộc thi hát mới thấy các ca sỹ trẻ gần như chỉ luyện giọng để… đi thi.

Thực chất, các cuộc thi hát mở ra để tìm kiếm tài năng. Nhưng những tài năng âm nhạc thực sự sẽ chỉ tìm đến một cuộc thi mà họ cho rằng xứng đáng nhất, chuyên nghiệp nhất để tham dự. Và họ có niềm tin rằng, nếu họ đoạt giải cao ở một cuộc thi như vậy, sẽ là một mốc dấu đáng nhớ để họ đi tiếp vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

Công việc sau đó của họ phải là làm album, làm các dự án âm nhạc cá nhân, làm live show và tỏa sáng thực sự trong lòng công chúng. Họ sẽ thoát ly khỏi cái danh tiếng của cuộc thi khá nhanh và trở thành một nghệ sỹ được biết đến không phải vì giải thưởng mà vì tài năng thực sự.

Nhưng ca sỹ ở Việt Nam dường như cứ thấy cuộc thi nào, dù là tiêu chí hoàn toàn khác nhau, cũng vẫn ứng thí say mê. Và rồi họ sẵn sàng thi lại nhiều lần cùng một cuộc thi để hy vọng năm sau tốt hơn năm trước. Thực chất, ai cũng mong sự tiến bộ của họ. Nhưng dường như rất hiếm người làm được điều này mà hầu hết đều lộ nhiều yếu điểm hơn.

Như Thu Hường chẳng hạn, cô đã từng đoạt giải cao tại cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình, nhưng vẫn tiếp tục dự thi Sao Mai - Điểm hẹn và cuối cùng ra về tay trắng…

Đi thi hát có lẽ là cách mà các ca sỹ trẻ tìm kiếm danh vọng hơn là khẳng định bản thân. Bởi nếu một ai đó muốn khẳng định bản thân (nghĩa là khẳng định tài năng của mình) thì sau cuộc thi, được coi như một bước đệm tốt, họ sẽ phải đi những bước dài chuyên nghiệp, chứ không phải ngồi im một chỗ chờ đến… cuộc thi năm sau.

Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi hát đã và đang diễn ra đều đặn. Hiện tại là "Tiếng hát mùa thu" của Truyền hình Hà Nội, "Ngôi sao tiếng hát truyền hình" của Đài Truyền hình TP HCM và Vietnam Idol đang diễn ra. Nghĩa là các ca sỹ có quá nhiều cơ hội để thể hiện mình.

Nhưng còn gì chán hơn khi một cuộc thi mới mà chỉ toàn những gương mặt cũ? Còn gì mệt mỏi hơn khi khán giả phải xem lại những hình ảnh đã cũ, những giọng ca không có gì đặc biệt và đã quen tai? Ca sỹ, có lẽ không cần phải đi thi quá nhiều như vậy.

Nếu bạn là một tài năng thực sự, hãy hát và thể hiện đẳng cấp của bạn trong lòng khán giả. Hãy sống bằng đúng giá trị tài năng của mình. Không cần phải cố gắng tìm mọi cách để dán một cái mác từ một cuộc thi nào đó. Bởi như vậy vừa mệt cho chính bạn và mệt cho khán giả. Hãy thực sự mới mẻ và hết mình, khán giả sẽ yêu mến bạn, dù bạn không hề thi bất cứ cuộc thi nào…

Duy Văn
.
.
.