Đừng để mất nhau

Thứ Bảy, 16/04/2005, 07:23

Thất tình bao giờ cũng buồn. Phụ nữ bị thất tình càng buồn hơn (chẳng hiểu có phải vì là đàn ông nên tôi nghĩ thế chăng?) Nhưng không thất tình khó viết thơ lắm, vì nếu hạnh phúc đủ đầy, công thành danh toại quá, thỏa mãn quá thì mấy ai đã cần đến những bài thơ đích thực?!

Tất nhiên, tôi cũng hiểu không ít người cầm bút làm thơ là do những động cơ cao cả, những cảm xúc thời đại thôi thúc. Nhưng tôi cũng biết, có không ít người bắt đầu làm thơ khi những cảm xúc cá nhân dâng trào lên đỉnh cực. Cố thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết rất hay trong vở kịch Rừng trúc rằng, "việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người không thể nhỏ hơn"...

Nhìn về khía cạnh một người có "mệnh thơ", nữ sĩ Nga Anna Akhmatova (1889-1966) là một người gặp may, mặc dù nhìn theo khía cạnh thông thường, bà thuộc lớp người "hồng nhan quen thói má hồng đánh ghen". Trong suốt sự nghiệp thơ của bà, một phần rất lớn thời gian và sức lực được dồn cho những cảm xúc, hoặc bị bạc đãi, hoặc bị kiềm tỏa. Tim chẳng thể ép vào tim được thuộc dạng thơ này. Anna Akhmatova viết nó khi bà còn rất trẻ, năm 1911, và cho in trong tập sách đầu tay Bóng chiều, xuất bản lần đầu năm 1912. Bài thơ như sau:

Tim chẳng thể ép vào tim được,
Nếu định rồi, xin chớ tơ vương.
Nhiều hạnh phúc đang chờ đón kẻ,
Không có chi ràng buộc trên đường.

Tôi không khóc, tôi không than trách,
Tôi làm sao hạnh phúc trong đời!
Đừng hôn tôi, người đàn bà mệt mỏi,
Cái chết rồi sẽ đến hôn tôi.

Thời mê đắm tan thành dĩ vãng
Cùng những ngày tuyết trắng lung linh...
Nhưng vì sao, vì sao anh nỡ
Hơn người tôi đã chọn cho mình?

Đó là tâm trạng của một thiếu nữ tuổi chớm đôi mươi, nhắn gửi cho người trai vừa ruồng rẫy mình xong. Khúc tưởng niệm cho một tình yêu đã mất. Tôi cứ hình dung ra hình ảnh một thiếu nữ kiêu hãnh và đài các (còn về phần nhan sắc dĩ nhiên là xinh đẹp rồi) cố kiềm chế cơn giận dữ đang réo sôi trong lòng mình và nói ra những lời cao thượng (thực ra, rất dằn dỗi) với gã trai đang định dứt áo ra đi để mưu cầu công danh sự nghiệp hay cảnh phu thê khả dĩ hơn:

Tim chẳng thể ép vào tim được,
Nếu định rồi, xin chớ tơ vương.
Nhiều hạnh phúc đang chờ đón kẻ,
Không có chi ràng buộc trên đường.

Ai chả biết thế, không bị ràng buộc thì càng có "xác suất" vui thú hơn trong cuộc sống phù hoa này. Thôi, anh cứ đi đi, "ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên". Hẳn Akhmatova phải yêu người trai ấy lắm mới có thể tỏ ra bình thản, điềm tĩnh đến vậy mà nói câu từ giã vừa mát mẻ, vừa "lạt mềm buộc chặt" đến như vậy.

Thế nhưng, sự thực là sao? Trong khổ thơ tiếp theo, dường như nước mắt không chịu yên nữa mà đã dâng lên làm cay mí mắt người thiếu nữ. Dường như chỉ một chút nữa thôi là nàng sẽ khóc. Bởi thế, nàng phải nói cứng:

Tôi không khóc, tôi không than trách

Nói vậy mà không phải vậy, vì nàng đã tuyệt vọng lắm rồi. Vì trước đó có thể nàng đã không chỉ một đêm trằn trọc, vừa yêu thương người, vừa cay phận mình. Mỗi khi một tình yêu thực sự rời bỏ chúng ta, chúng ta như bị chết đi một kiếp: chết về lòng tin ở nhau, chết về mơ ước yên bình hạnh phúc, tóm lại, một cái chết lâm sàng trong tâm tưởng (Bản thân tôi đã từng viết trong tình huống tương tự: "Một ngày như một đời, Ngỡ thể nào cũng chết, Được và mất em rồi, Sao đời còn chưa hết?!") Có lẽ cũng vì thế chăng nên cô thiếu nữ trong thơ Akhmatova mới tuyệt vọng đến vậy ngay sau khi vừa tỏ ra cứng rắn:

Tôi có chi hạnh phúc trong đời!

Kiêu hãnh và dằn dỗi. Vì còn yêu, còn lưu luyến lắm, còn hy vọng lắm. Và chắc rằng người trai cũng hiểu ra điều này, cũng cảm thấy tội cho nàng quá nên không thể dằn lòng mà không tới bên nàng với nụ hôn ly biệt, nụ hôn chẳng hiểu đã kịp trở thành xã giao hay vẫn vương vấn dư tình. Phản ứng của cô gái thật đúng là phản ứng của một... cô gái, nói "đừng" đấy nhưng nỗi chua chát lại như thể cất tiếng gào đòi đón nhận:

Đừng hôn tôi, người đàn bà mệt mỏi,
Cái chết rồi sẽ đến hôn tôi.

Đe nhau đến thế là cùng! Không còn gì để trông cậy nữa, khi người đàn ông mà ta đã gửi trọn lòng yêu lại giã từ ta, dù với bất cứ lý do gì. Cú đánh còn hơn cả sét đánh, vì sét đánh thì còn chết được, chứ mất tình yêu ta thấy mình như chết mà lại không chết nổi. Thế mới đau đớn!

Vì thế chỉ còn nỗi kinh ngạc lớn lao và ngỡ ngàng trước cái chân lý mới được phát kiến, chỉ còn một nỗi nuối tiếc khôn nguôi về một hạnh phúc đã trở thành xa ngái:

Thời mê đắm tan thành dĩ vãng
Cùng những ngày tuyết trắng lung linh...

Và câu hỏi ở cuối bài thơ mới sửng sốt làm sao, sửng sốt đến mức chẳng bao giờ nhân loại giải đáp được rành rẽ và đành coi đấy là lẽ đời gần gụi với lẽ trời nhất: cái người tình đã bỏ ta đi ấy, vì sao đấy, lại có vẻ được ta yêu hơn những người mà ta chọn (hoặc buộc phải chọn) cho mình. Chao ôi, cái trách của người thiếu nữ này mới thành thực làm sao, thành thực tới mức... tinh quái. Không trách chàng vong bội, không trách chàng bạc tình, mà chỉ trách chàng "hơn" người danh chính ngôn thuận của mình nên đã khiến không thể nào nguôi ngoai niềm tâm sự cũ đã dành cho nhau.

Không rõ nghe những lời như thế, chàng trai trong bài thơ có đành lòng dứt áo hay không.  Mà nếu có ra đi thật thì sau này, mỗi khi chạnh nhớ lại, không thể nào không cảm thấy lương tâm mình cắn rứt. Oái oăm thay, đôi khi phải bỏ nhau, phải mất nhau, phải đau khổ vì nhau thì người đàn ông mới hiểu ra rằng, thực ra, cô gái đã từng coi mình hơn tất cả trên đời cũng là cô gái mà lẽ ra mình phải đối xử tốt hơn tất cả trên đời. Mà mình thì lại đã không làm thế được. Để khi gặp lại, thấy người năm cũ hao gầy, héo hon, lòng mình mới âm thầm ân hận, dẫu biết rằng chẳng để làm gì vì bèo đã trôi và nước đã chảy, có ai lội được hai lần qua một dòng sông...

Mong sao để tất cả những ai đọc bài viết này rồi, đừng để mất nhau một cách đáng tiếc như thế

.
.
.