Đừng để du khách phải tự... "bơi"

Thứ Ba, 17/03/2009, 20:34
Chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là mùa vàng du lịch tại các địa phương miền biển phía Bắc nở rộ, đặc biệt là TP cảng Hải Phòng. Có rất nhiều chương trình, lễ hội, sản phẩm du lịch mới đã và đang được chuẩn bị tung ra vào giờ G. Nhưng cái thiếu, cái yếu có ảnh hưởng lớn lại ít được chú ý: Bến bãi, phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy. Nếu không khắc phục ngay, rất có thể du khách phải tự... bơi.

Thừa tàu chợ, thiếu tàu du lịch

Khách thăm vịnh Hạ Long tại Bãi Cháy sẽ choáng ngợp trước đội tàu túc trực hàng trăm chiếc neo đậu san sát nhau. Ấy vậy mà không ít lần ngành Du lịch Quảng Ninh phát hoảng vì đội tàu hùng hậu tưởng như quá thừa lại quá tải, cung vẫn không đủ cầu.

Tại Hải Phòng, thế mạnh du lịch trên cạn đã chuyển dần xuống nước bởi những địa danh mới như đảo Dáu, Cát Bà và nối "tua" thăm vịnh Hạ Long ngay tại Hải Phòng. Nhu cầu khách du lịch bằng đường biển tại đây có sắc thái riêng, đôi khi là do hiếu kỳ, thích sự mới lạ, thích kéo dài hành trình trên sông biển mênh mang nên lượng khách du lịch tăng nhanh chưa từng thấy. Song, nhu cầu của khách đã không thể đáp ứng vì lượng tàu quá ít ỏi, sơ sài, nhếch nhác, không bảo đảm các tiêu chí an toàn đường thủy.

Cụ thể, đảo Dáu mới được đầu tư với quy mô rất lớn, rất thơ mộng, trữ tình, là "tên tuổi" mới soán ngôi vị đảo "ngọc" Tuần Châu, Quảng Ninh. Nhưng để đến được đảo Dáu chỉ duy nhất một điểm đón khách từ bến Nghiêng Đồ Sơn với 8 chiếc tàu nhỏ sức chở vài chục khách/chuyến. Dự đoán mùa hè 2009 này, đảo Dáu sẽ quá tải, sẽ có hiện tượng thuyền chài bỏ ngư trường để làm... du lịch.

Tuyến biển nổi tiếng đã lâu là Hải Phòng - Cát Bà cũng trong tình trạng thừa tàu chợ nhưng thiếu trầm trọng phương tiện vận tải thủy đạt tiêu chuẩn du lịch. Tại Bến Bính, điểm xuất phát chính của tuyến du lịch, dù đã liên tục sắp xếp nhưng lúc nào cũng ngổn ngang, lôn xộn tàu thuyền neo đậu. Đáng nói là trong sự bừa bộn đó, chủ yếu do tàu cá, tàu chợ, tàu hàng làm nên...

Cuối năm 2008, Đoàn thanh tra liên ngành thành phố đã kiểm tra, phân loại, xếp hạng 56 trong số 71 phương tiện vận tải phục vụ khách du lịch. Kết quả chỉ có 32 phương tiện đạt chuẩn tàu thuyền vận chuyển khách du lịch (chuẩn do thành phố ban hành năm 2007), được gắn biển, số còn lại coi như không đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách.

Khách đường biển phải đi đường bộ

Với cơ số tàu thuyền chừng 1.200 ghế/ngày như vậy, so với nhu cầu bình quân mỗi ngày từ 3.000 đến 3.500 khách thăm vịnh đã thấy ngay sự quá tải tới 2/3 giữa cung và cầu. Phương án khắc phục chỉ còn có cách huy động cả tàu không đạt chuẩn để đáp ứng về số lượng. Tuy nhiên, khi khảo sát, thăm dò tâm lý du khách chúng tôi đều ghi nhận được ý kiến chung nhất: Cát Bà, đảo Dáu và đi thăm vịnh Hạ Long từ Hải Phòng rất thú vị nhưng rất... cơ cực.

Quả vậy, ngay từ cách đây nửa tháng, thời kỳ thấp điểm nhất nhưng không dễ gì mua được vé tàu cao tốc (hành trình 45 phút) để thăm Cát Bà. Còn đi tàu nhanh hoặc tàu thường phải mất từ 2-4 tiếng nên chỉ là sự lựa chọn "cực chẳng đã".

Do đó nhiều người đã chọn giải pháp đi bằng đường bộ từ cảng Đình Vũ chấp nhận câu lưu rất nhiều giờ trên 2 chuyến phà Đình Vũ - Bến Gót và Gia Luận - Cái Viềng. Nhược điểm tiếp theo của tuyến đường bộ này là thời gian hoạt động của 2 bến phà lại rất hạn chế, do phải nhường đường cho tàu biển quốc tế vào luồng cảng Hải Phòng.

Ngày thường còn như vậy, ngày mùa, ngày trọng điểm thì sao? Đặc biệt, thời điểm tổ chức Lễ hội nghề cá Cát Bà và kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Cát Bà không còn xa nữa. Dự báo sẽ có rất nhiều du khách trong nước, quốc tế ra thăm đảo. Vậy lấy gì để chuyển tải lượng khách tăng đột biến gấp cả chục lần so với chu kỳ thông thường?

Theo chúng tôi, ngay từ bây giờ, thành phố cần tiến hành sắp xếp ngay các vị trí bến bãi hiện có tại khu vực Bến Bính, Đình Vũ, cho phép mở thêm  các bến mới, thậm chí có cả những phương án đón khách từ các bến và phương tiện ở tỉnh ngoài. Thành phố, ngành Du lịch cần khẩn trương huy động các đối tượng đủ điều kiện mua sắm, cải tạo phương tiện thủy đủ điều kiện vận tải khách du lịch.

Đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, coi đó là lĩnh vực khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Nhưng về lâu dài, quy hoạch và tầm nhìn du lịch cần được nghiêm túc đem ra thảo luận tại các chương trình nghị sự của thành phố...

Lê Minh Triết
.
.
.