Đốt người để... làm đẹp cho phim

Thứ Sáu, 20/04/2007, 13:45
Để có cảnh một gã cháy oằn người trong biển lửa cho ông đạo diễn ngồi vuốt cằm... ngắm xem cháy có đẹp không, nhóm cascadeur phải làm rất nhiều việc.

Những câu chuyện về cascadeur Việt Nam, bấy lâu được kể, hoặc là anh hùng, hoặc là kẻ làm nghề nguy hiểm nhất song được trả thù lao bèo nhất! Mà cũng chỉ chủ yếu là nghe người trong nghề thuật lại.

Nghe "diễn!" là châm lửa

Chúng tôi thử một lần ra trường quay để được chứng kiến cascadeur Việt Nam hành nghề, nhân bộ phim Duyên trần thoát tục quay những cảnh đầu tiên ở trong nước sau chuyến đi Ấn Độ.

Ngay từ khuya hôm trước, trưởng nhóm cascadeur đã bắn tin rằng phải dậy sớm để "điểm tâm" 40 km đường đi từ TP.HCM đến hiện trường quay ở tỉnh Bình Dương. Thức dậy từ 5 giờ sáng không khó, cái khó là phải ngồi ngáp vặt chờ đoàn phim quay hết cảnh này đến cảnh nọ từ sáng sớm tới tối mịt mới "sờ" tới nhóm cascadeur.

Trưởng nhóm cascadeur cho biết theo thỏa thuận ban đầu với nhà sản xuất, cảnh mà nhóm đóng thế thực hiện sẽ là năm người bị đốt cháy. Tuy nhiên, khi ra hiện trường, đạo diễn khẳng định chỉ có một người cháy. Thôi thế thì công toi bầu đoàn cascadeur tới hơn 10 người với một đống dụng cụ lỉnh kỉnh, vướng víu. Hơn thế, thù lao vốn đã "hẻo" lại càng thêm teo tóp.

Nhưng mọi chuyện cũng ổn thỏa. Sẽ có ba người bị đốt. Cũng cần mở ngoặc là tuy nhóm đóng thế không sợ khó, sợ khổ, sợ nguy hiểm nhưng nhà sản xuất lại sợ tốn kém. Đạo diễn không chịu chơi nhưng dám đốt cháy một lúc ba người là... may lắm rồi!

Người đóng thế thứ nhất bước ra, đạo diễn hô "diễn!", lửa trên người cascadeur bùng lên, 30 giây sau, đạo diễn hô "cắt!", dập lửa, và cứ thế đến người cuối cùng. Trình tự chỉ có thế. Nhưng để có một gã cháy oằn người trong biển lửa cho ông đạo diễn ngồi vuốt cằm... ngắm xem cháy có đẹp không, nhóm cascadeur phải làm rất nhiều việc.

Bộ quần áo đầu tiên tròng vào người gã đóng thế, thêm một cái áo thun nữa... cho chắc, tưới nước lên toàn thân. Bôi một loại hóa chất vừa làm mát vừa chống cháy lên toàn bộ phần đầu, mặt, gáy. Tròng tiếp bộ đồ chống cháy may bằng da bò nặng trình trịch vào. Lại lấy bình nước rót thẳng bên trong áo chống cháy cho chảy từ gáy xuống. Giày, găng tay, mũ trùm gáy chống cháy che kín những phần còn lại. Chưa hết, khi toàn thân đã trở nên dềnh dàng, phía ngoài cùng còn phải mặc tiếp bộ phục trang của nhân vật. Sau đó, người đóng thế mới được đưa vào vị trí máy quay đang chĩa tới.

Khi tất cả mọi thành phần đã vào tư thế sẵn sàng, lúc này xăng mới được tưới lên lưng áo cascadeur và... a lê hấp, một cascadeur khác châm đuốc lên người đồng nghiệp!

Có mấy nguyên tắc trong cái trò... đốt người làm đẹp phim này. Thứ nhất, xăng tưới lên lưng áo sao cho khi cháy, lửa phải tạo thành vòng mới đẹp. Thứ hai, khi bị đốt, diễn viên đóng thế phải cúi đầu xuống, vừa để đồ bảo hộ không lộ ra trong ống kính máy quay, vừa để tránh bị lửa táp vào mặt. Thứ ba, khi cascadeur nằm sấp xuống đất (báo hiệu đã dứt cảnh cháy), người dập lửa chỉ xịt bình khí vừa đủ, nếu không, cascadeur chẳng chết vì lửa mà ngộp thở vì bình chữa cháy thì rất vô duyên!

Làm gọn ba nguyên tắc, cùng với cái bắt tay của đạo diễn và tiếng vỗ tay của anh em đoàn phim, vậy là xong cảnh quay nguy hiểm.

Thực tế, trong quá trình quay, người thực hiện cảnh cháy lần thứ hai đã phải nằm xuống đất dùng tay đập nhiều lần để báo hiệu mình hết chịu đựng nổi sức nóng của ngọn lửa. Tuy nhiên, đạo diễn mê mải ngắm cảnh cháy quá hấp dẫn qua màn hình monitor nên đã quên luôn hiệu lệnh cắt! Báo hại bộ phận phục trang phải kiếm bộ khác cho cảnh quay kế tiếp thay thế cho bộ bị cháy xém đen thui. Còn diễn viên đóng thế thì cho tới khi được dội nước lên người vẫn còn rướn cổ lên ngáp ngáp như cá bị ném lên cạn...

Đời thế thân

Cảnh cháy chỉ là một trong những loại cảnh thế thân nguy hiểm nhất mà cascadeur Việt Nam thường thực hiện. Cảnh cháy kỷ lục với nhiều người cùng cháy nhất (4 cascadeur) từ trước tới nay được thực hiện trong phim Chuyện tình biển xa. Nhóm cascadeur tỏ ra tiếc nuối khi kỷ lục của chính mình từ năm 2002 đến nay có cơ hội phá được lại tuột qua tầm tay.

Có một thực tế, cascadeur nào cũng muốn mình là người thực hiện cảnh nguy hiểm. Cascadeur đã giải nghệ Lữ Đắc Long kể rằng trước đây có nhiều cascadeur trẻ "đi cửa sau" để được chọn làm người thực hiện cảnh nguy hiểm vì nó vừa giải quyết "khâu oai", tạo thêm "số má" trong nghề, vừa có thù lao cao (từ 3 đến 5 triệu đồng). Quả đúng như lời anh Long nói, vừa xong cảnh quay đã thấy một cascadeur trẻ alô: "Anh vừa quay xong cảnh cháy, cháy hết lông tay rồi nè. Tối nay đi uống nước với anh nghe?".

Số đầu phim hàng năm đã không nhiều, thêm nữa không phải phim nào cũng có cảnh hành động, nguy hiểm, cháy nổ để cascadeur có đất diễn và có tiền để sống. Cascadeur nào cũng có thêm một vài nghề sinh nhai. Oai như cascadeur Bùi Văn Hải mở công ty vệ sĩ là quá hiếm. Còn như cascadeur Huỳnh Văn Khương ngày thường chạy xe ôm, tham gia phim Duyên trần thoát tục được anh em nhường cho một cảnh cháy để có tiền (trích lại một ít cho quỹ chung) nuôi vợ con.

Thật cảm động khi thấy một cascadeur có chiếc điện thoại di động đời cũ nhưng không có tiền nạp vào tài khoản, trưởng nhóm chẳng biết đâu mà liên lạc để kiếm giúp cho một vai thế thân. Càng cảm động hơn, khi xong cảnh quay, chàng cascadeur dũng cảm làm đẹp cho khung hình những bộ phim kia, chỉ húp miếng cháo lót dạ rồi chạy về với góc đường quen thuộc của mình, chống xe lên ngồi lại làm anh xe ôm

Theo Võ Tiến (Vietnamnet)
.
.
.