Đờn ca bên sông Hậu

Chủ Nhật, 01/11/2009, 11:34
Không biết tự bao giờ tôi đã yêu thích ca cổ, ca cải lương và nhất là những điệu lý mượt mà của Nam Bộ, vùng đất "Chín Rồng". Có lẽ từ thuở nhỏ. Khi ấy, đất nước chưa thống nhất, tôi nghe các thể loại ca từ ấy đã thấy yêu thích và biết bao rung cảm.

Bây giờ, đi khắp các miền quê Nam Bộ, ở đâu cũng có Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Ở thành phố Cần Thơ, tôi đã nghe tiếng về "ngón đờn" của Hai Lợi (Phan Thắng Lợi) từ lâu, nhưng trong chuyến đi Ô Môn lần này, tôi mới có dịp gặp anh.

Anh vui vẻ báo tin vui: "Hội thi đờn ca tài tử lần thứ Tư năm 2009 của thành phố Cần Thơ vừa kết thúc, Đội Ô Môn đoạt giải Nhì. Thiệt là mừng". Tôi rất muốn anh đờn cho chúng tôi nghe. Anh Hai lưỡng lự:

- Đờn ư? Chút xíu nữa nghen. Bây giờ tôi kể về Hội thi Đờn ca tài tử nóng hổi mà Đội Ô Môn mới đi dự thi về.

Trong hội thi, Hai Lợi chuyên trách ngón đờn tranh. Anh giải thích với tôi:

- Đờn tài tử có khi đờn một mình như độc tấu đờn kìm hay đờn tranh. Khi hòa đờn, nếu chỉ có hai nhạc cụ thì thông thường là đờn tranh hòa với đờn kìm hoặc đờn cò. Nếu ba cây hòa chung (tam tấu) gồm đờn tranh, đờn kìm và đờn cò. Năm cây - gọi là ngũ tuyệt - gồm đờn tranh, kìm, cò, độc huyền và tỳ bà. Thỉnh thoảng lại có ống sáo hay ống tiêu cùng hòa và về sau có thêm ghi-ta phím lõm. Trong môn nghệ thuật đờn ca tài tử hiếm khi hòa đờn mà không có ca, vì vậy người ca đóng vai trò rất quan trọng.

Hai Lợi quay sang nói với Minh Thơ:

- Bây giờ tui đờn, anh ca! Cứ ca đi, bài gì cũng được.

Minh Thơ nói:

- Vậy tôi ca bài "Quê hương văn vật", bài này ca ngợi tài hoa của hai người con của Ô Môn là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Trần Kiết Tường, theo điệu Nam Xuân.

Hai Lợi gật đầu. Anh ngồi trước cây đàn tranh tại tiền sảnh Trung tâm văn hóa quận Ô Môn. Đưa mười ngón tay vuốt nhẹ lên phím đàn, rồi Hai Lợi "rao".

Minh Thơ kéo ghế ngồi cạnh Hai Lợi, rồi ca:

Ô Môn bốn mùa cây trái oằn sai
Nước ngọt quanh năm lúa mượt mà trĩu bông
Ôi quê hương mảnh đất rạng ngời
Những người con tài hoa một đời
Cầm kỳ thi họa tuyệt vời
Nhả cho đời những sợi tơ...

Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Loại hình âm nhạc này thường trình diễn trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh hoạt văn nghệ, trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ … thường được trình diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng.

Về trang phục, những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau nên thường chỉ mặc các loại thường phục khi tham gia trình diễn. Khi nào diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới mặc các trang phục biểu diễn quy cách và màu sắc hơn.

Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu.

Nghe các anh lý giải, tôi nhớ có lần đã nghe Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét rất chính xác về đờn ca tài tử Nam Bộ: "... chân phương hoa lá trong bài vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi mát, cái đẹp đẽ, có cái phong phú, cái dồi dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác Sáu Lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ...".

Đúng vậy, đó chính là  ma lực, sức hấp dẫn, làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được. Vì nó là bản sắc văn hóa Nam Bộ, văn hóa Việt Nam.

Chơi đờn ca tài tử Nam Bộ phải là nơi có phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên, các tài tử thích chơi giữa cảnh cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi, cảnh trời trăng mây nước, rừng xanh nước biếc, đồng ruộng mênh mông hay dưới bóng mát tàng cây cổ thụ, lũy tre làng…

Hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, nên thơ và tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ rì rào dịu êm như tiếng nhạc, làm tăng vẻ hữu tình cho buổi đờn ca tài tử trên sông.

Có người cho rằng chữ "tài tử" có nghĩa là không chuyên nghiệp, không phải nhà nghề. Nhưng thật ra ý nghĩa chữ "tài tử" ở đây là "người có tài" như trong câu dập dìu tài tử giai nhân (Kiều). Ngoài ra, "tài tử" còn ám chỉ việc không lấy đó làm nghề, không dùng tiếng đờn giọng hát làm kế sinh nhai mà chỉ để giải trí, để gửi gắm tâm sự riêng, hay cùng với bạn đồng điệu hòa đờn cho người mộ điệu thưởng thức.

Nhưng không phải vì vậy mà những người đờn ca tài tử có trình độ nghệ thuật thấp. Ngược lại họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, phải rao sao cho "mùi", sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Vì vậy muốn trở thành một người đờn ca tài tử đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu.

Hỏi chuyện, tôi mới biết Hai Lợi là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử đã nhiều năm rồi. Những "ngón nghề" mà Hai Lợi có được hôm nay gốc gác sinh ra từ một gia đình có truyền thống ca vọng cổ, cải lương từ mấy đời truyền lại. Hai anh em Phan Thắng Lợi và Phan Việt Ấn (Sáu Ấn) nối nghiệp gia truyền nay đều làm việc ở Trung tâm văn hóa quận Ô Môn.

Ngày xưa, ông Phan Hồng Phước (Sáu Phước), thân sinh của hai anh, Bí thư đầu tiên của xã Trường Lạc từ năm 1948, nổi tiếng là một cây đờn cự phách, một giọng ca rất mùi. Ông cùng thời với những "nhà tài tử" nổi tiếng lúc bấy giờ như: Cò Quốc, Cò Bằng, Trống Phước, Trống Hiệu... Trống và Cò ở đây xuất phát từ loại nhạc cụ mà nghệ nhân ưa dùng, giỏi giang: Đờn cò, trống,v.v.

Do tay nghề thuộc loại "thiện nghệ", lại rất ham mê đờn ca tài tử, ông Sáu Phước là chim đầu đàn, là đầu tàu xây dựng và dẫn dắt phong trào văn hóa-văn nghệ ở Ô Môn từ thời đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông Sáu Phước còn sáng tác nhiều bài vọng cổ, nhạc lễ, các bản ca tài tử ca ngợi quê hương Ô Môn tươi đẹp, ca ngợi con người Ô Môn trung dũng, kiên cường, hăng say lao động, giàu lòng mến khách. Ông Sáu Phước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi chống Mỹ, cứu nước, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Được ông truyền nghề và khơi sâu cảm hứng, Hai Lợi bây giờ cũng là tay đờn cự phách lâu năm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không những là ngón đờn được coi là độc chiêu, Hai Lợi còn am tường, hiểu sâu về nhạc tài tử. Anh rất say mê, nhiệt tình khi làm Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Ô Môn.

Qua tâm sự, tôi mới biết Sáu Phước và Minh Thơ là anh em con cô con cậu. Vì thế, nay Hai Lợi và Sáu Ấn đều gọi Minh Thơ là chú, xưng cháu. Mỗi khi Minh Thơ nói, Hai Lợi cứ ngồi im lắng nghe như trò nghe thầy. Minh Thơ nói một hồi về đờn ca tài tử ở quận Ô Môn, rồi ông nói đến sự ra đời và phát triển của CLB Đờn ca tài tử tại Trung tâm văn hóa này.

Theo "nhà tài tử" Minh Thơ: Trước đây trên đất Ô Môn đã có nhiều CLB đờn ca tài tử, nhưng hoạt động không thường xuyên, chủ yếu theo tùy hứng, không chuyên sâu về đờn và ca. Dân dã như thế, mộc mạc như củ khoai hạt thóc, ai thích chơi cứ đến câu lạc bộ.

Nhìn lại 7 năm về trước, năm 2002, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa-Thông tin tổ chức cuộc thi Đờn ca tài tử toàn quốc, khu vực phía Nam. Huyện Ô Môn lúc đó cử một đội đi dự thi. Nhưng vì không đi sâu chiêu tập nghệ nhân để phát huy tinh hoa của đờn ca tài tử, thiếu bài bản, tổ chức phân vai chưa tương hợp, dẫn tới cả đội phải "về tay không", chẳng được xếp giải.

Từ đó, Ô Môn mới thành lập và nhanh chóng đưa vào hoạt động CLB Đờn ca tài tử. Quan tâm và ráng làm rồi cũng có hiệu quả. Cuối năm 2002, tỉnh Cần Thơ tổ chức Hội thi về thể loại này ở cấp tỉnh. Đội Ô Môn đoạt giải xuất sắc. Tiếp đến hai lần sau Ô Môn đều đoạt giải xuất sắc. Các cuộc thi Giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, các thí sinh Ô Môn cũng đoạt được những giải có giá trị.

Trao đổi với các "già làng" tại CLB Đờn ca tài tử Ô Môn, tôi thêm hiểu rõ: Giá trị của đờn ca tài tử không chỉ dừng lại ở chất giọng, ngón đờn, ở phong trào sâu rộng, mà còn phải được thể hiện ở tính kế thừa. Đó cũng là sự kế thừa và phát huy vốn cổ độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc.

"Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng"... Ai yêu ca cổ, yêu sân khấu cải lương mà không thuộc nằm lòng câu hát cội nguồn ấy của cố soạn giả Cao Văn Lầu. Kế thừa và phát huy đều bắt nguồn từ đam mê, tình yêu nghệ thuật và tinh thần khổ luyện kết hợp với các phong trào sâu rộng liên tục trong cộng đồng.

Như chúng tôi thấy ở CLB Đờn ca tài tử Ô Môn, các anh Minh Thơ, Hai Lợi, và Sáu Ấn đều kế thừa từ đời ông đời cha. Nay lớp con cháu của họ lại đi tiếp những chặng mới trong tiến trình tồn tại, phát triển và mở hướng của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Quận ủy và UBND quận đã nhận thức đúng giá trị và càng thấu hiểu sâu sắc điều đó, đang tạo mọi điều kiện để phong trào văn hóa-văn nghệ, trong đó có đờn ca tài tử không ngừng phát triển đúng hướng.

Quận Ô Môn hiện nay không những chỉ có CLB đờn ca tài tử tại Trung tâm văn hóa quận, mà cả 7 phường và hàng chục khu phố trong quận đều có CLB đờn ca tài tử. Trong CLB đờn ca tài tử Ô Môn, như anh Minh Thơ, anh Hai Lợi đã thuộc diện "già làng". Khi tôi hỏi về lớp kế thừa hiện tại và trong tuơng lai, anh Hai Lợi giới thiệu với chúng tôi hai ca sĩ trẻ mới "nhập khẩu" vào câu lạc bộ.

Đó là Thùy Trang, Thanh Dung và nhiều người khác. Thùy Dung còn rất trẻ nhưng đã đoạt nhiều giải ở địa phương, lại đoạt thêm giải Tư cuộc thi Giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền năm 2008. Hôm gặp tại CLB Đờn ca tài tử, sau khi hát bài "Hoa mua trắng" để tặng chúng tôi, Thùy Dung nói: "Em và các đồng nghiệp trẻ sẽ cần phải học thêm nữa và gắn bó suốt đời với đờn ca tài tử, sân khấu cải lương".

Vâng! Đó chính là sự lan tỏa kỳ diệu. Sự lan tỏa bởi tiềm ẩn sức sống từ cội nguồn của đờn ca tài tử bên dòng sông Hậu - dòng sông tần tảo nhưng rất hiền hòa và biết bao thơ mộng từ xưa đến nay

Bùi Văn Bổng
.
.
.