Đón bằng công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Vinh dự song hành cùng trách nhiệm bảo tồn, phát triển

Thứ Tư, 12/02/2014, 09:26
Ngày 11/2, lễ đón bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức long trọng và hoành tráng tại Dinh Thống Nhất TP HCM. Do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Lễ đón bằng công nhận của UNESCO cũng là hoạt động tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc, đồng thời góp phần khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền, các cộng đồng tại các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Tại lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật đờn tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 11/2, tại Dinh Thống Nhất, đại diện UNESCO đã công bố quyết định và chính thức trao bằng công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể cho đại diện cộng đồng 21 tỉnh, thành trên cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố chương trình hành động quốc gia phát huy đờn ca tài tử Nam Bộ.

Người đam mê và sành đờn ca tài tử hài lòng khi không gian đờn ca tài tử Nam Bộ được dàn dựng cùng nhiều tiết mục biểu diễn, giới thiệu những nét nổi bật của đờn ca tài tử từ ca nhạc tài tử Huế đến đờn ca tài tử Nam Bộ, các nhóm tài tử miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, đặc biệt là các nghệ sĩ ca, tài tử đàn nổi tiếng nhiều thế hệ, như: NSND Thanh Tòng, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương, NSND Ngọc Giàu, NSND Kim Cương, NSƯT – NNDG Ba Tu (Đờn - Đàn Kìm), Nghệ nhân dân gian Út Tỵ (Đàn Cò), Thạc sĩ, nghệ sĩ Huỳnh Khải (Đàn Tỳ bà), NSƯT Văn Môn (Ghi ta phím lõm), Hải Phượng, Huỳnh Tuấn (Đàn Tam), Trường Giang (Đàn Sến), Văn Sơn (Tiêu, sáo trúc), Quang Dũng (Đàn gáo)...

Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn phổ biến trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội hiện nay.

Nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được trao cho các tập thể, cá nhân có những đóng góp đặc biệt trong bảo tồn, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử. Với số đông người dân Việt, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là vinh dự, là niềm tự hào khi giới thiệu hình ảnh đất nước với những giá trị văn hóa đặc sắc đến bạn bè thế giới. Nhưng ai cũng hiểu,  niềm tự hào, vinh dự này cũng gắn chặt với bài toán trách nhiệm bảo tồn, phát huy trong đời sống thực tế về lâu dài. Bảo tồn, phát triển không chỉ về mức độ phổ biến hơn trong cộng đồng, phủ rộng hơn về mặt địa lý, mà còn là bảo tồn, phát triển về chiều sâu, thể hiện bằng chính đội ngũ các nghệ nhân ca, nghệ nhân đờn với những am hiểu sâu sắc, đủ đầy cả về các bản tổ cho đến các cách thức tổ chức, sinh hoạt phù hợp mà vẫn giữ bản sắc truyền thống dân tộc

N.H.
.
.
.