Đội tuyển quốc gia: Hết một cuộc chơi

Thứ Hai, 16/10/2006, 08:18

Cup Thủ đô đã khép lại. Tàn một cuộc chơi, thầy trò ông Riedl "lời" ra một cái Cup vô địch để "báo cáo" và khoản tiền thưởng 10 nghìn đô để… chia nhau.

Bên cạnh đó, họ còn "sở hữu" hàng lô những thông số chuyên môn mang ấn tượng "độc cô cầu bại" như đội duy nhất toàn thắng cả 2 trận; đội duy nhất ghi được bàn thắng (thậm chí là tới 6 bàn), đội duy nhất giữ sạch lưới nhà trong cả giải…

Cái "lời" còn chăng của đội chủ nhà là một số gương mặt mới mà cũ như Vĩnh Lợi, Anh Đức, Minh Chuyên… đã phần nào chứng tỏ được khả năng khi được ông thầy người Áo trao cho nhiều cơ hội ra sân hơn.

Tuy nhiên, những cái "lời" đó có vẻ như không đủ bù đắp cho cái "lỗ" của Riedl và các cầu thủ chủ nhà trong "thương vụ" Cup Thủ đô. Với những gì đã thể hiện trước hai đối thủ đều dưới cơ, dường như "đoàn quân" của Riedl đã để mất điểm quá nhiều trong sân chơi này.

Mất điểm từ một lối chơi xơ cứng, nhạt nhẽo, thiếu lửa, thiếu tính sáng tạo và thiếu cả tư cách "đàn anh" trước 2 đối thủ trẻ hơn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.

Mất điểm từ một phong độ "nửa chừng xuân" khi mà mỗi trận đấu, các cầu thủ của Riedl đều chỉ chơi khả dĩ trong một hiệp đấu. Trận đầu gặp Mã, Olympic Việt Nam "thiếu muối" trong toàn bộ hiệp 2. Kế đến trận tiếp người Thái, đội chủ nhà lại "mất lửa" trong suốt hiệp 1.

Và mất điểm từ tư tưởng "cầu toàn" và trọng thành tích thái quá của người cầm quân. Chính cái đầu nặng chuyện ăn thua đó đã "giết chết" cơ hội "thử lửa" của các "tân binh" và khiến nhiều người bị sốc.

Vâng, chẳng sốc sao được khi mà ông thầy người Áo "bội tín" với lời hứa sẽ chỉ sử dụng 3 cầu thủ trên 23 tuổi của chính mình. Sự xuất hiện của 5 "cựu binh" trên 23 tuổi (đúng ra là 6 bởi ông Riedl thay Huy Hoàng bằng Như Thành) trong đội hình chủ nhà ở hiệp 2 trận đấu với Olympic Thái Lan, đã làm vơi vai đi rất, rất nhiều ánh hào quang của chiến thắng. Chứng kiến hình ảnh này, bất kỳ một người làm bóng đá Việt Nam nào có tự trọng đều phải cúi đầu xấu hổ trong câu hỏi: Tại sao phải dùng tới đội tuyển quốc gia để đánh bại lứa trẻ măng tơ của người Thái? "Để an toàn" như cái cách trả lời của A.Riedl là không thoả mãn. Thậm chí trả lời như vậy càng tô đậm thêm sự "yếu mềm" không nên có ở một người cầm quân, đánh trận.

Chiến thắng người Thái quan trọng đến thế sao, Cup vô địch "đáng giá" đến mức độ đó sao để một con người sẵn sàng đánh đổi chữ "tín" và một đội tuyển bôi mặt "ăn gian"?

Cá nhân người viết rất trân trọng nhân cách và tính cách của ông Riedl, nhưng sau trận "chung kết" Cup Thủ đô, trong tôi đã có một hình ảnh bị rạn vỡ bởi cái sự thiếu dũng khí và chiến thắng theo kiểu "hèn nhát".

Mừng cho đội tuyển có thêm một chiếc Cup, mừng cho các cầu thủ thêm một lần được hưởng cảm giác hóa giải "lời nguyền" Thái Lan. Thế nhưng, cái cách thắng nhọc nhằn và không sòng phẳng ấy trước một đối thủ nhẹ ký, cũng khiến người ta thấy lành lạnh nơi sống lưng khi nhìn vào bản danh sách đăng ký của đội Thái Lan "xịn" ở Agribank Cup sắp khởi tranh tới đây. Chỉ 10 ngày nữa thôi, đối thủ của đội chủ nhà sẽ không còn là lứa trẻ Thái Lan như hôm nay, mà là một đội tuyển Olympic đích thực. Có thắng nữa được không, A.Riedl và các học trò? 

Không chỉ thầy trò ông Riedl mất điểm mà bóng đá Việt cũng mất mặt trong trận đấu với người Thái. Mất mặt bởi cái tiếng thắng nhờ… trọng tài. Không có ý định "bào chữa" cho những hành động thiếu fair-play của các cầu thủ trẻ Thái Lan, nhưng rõ ràng việc trọng tài Dương Mạnh Hùng mắc quá nhiều sai sót trong việc điều hành trận đấu đã phần nào gây ức chế cho đội khách. Và xót xa thay khi mà HLV Thái Lan "mắng vốn" "Còi vàng" Việt Nam là… không có mắt.

Nhìn cái cách cầm còi của ông Hùng trong trận đấu hôm rồi, chắc hẳn sẽ có không ít người giật mình khi nhớ lại những dòng nhận xét về trọng tài này của ông Chủ tịch HĐTT trong cuộc bầu chọn "Còi vàng" gần đây. Những dòng nhận xét đã khiến ông "Hội đồng" bị một số dư luận "cả vú lấp miệng em" nhân danh ngọn cờ "bảo vệ kẻ yếu".

Hoá ra tàn một cuộc chơi, phút vui như phù du qua thật nhanh, nhưng nỗi lo thì còn kéo dài bên bàn cân được - mất

Bảo Quyên
.
.
.