Đội tuyển bóng đá quốc gia: Còn non để tham dự Sea games

Thứ Tư, 04/05/2005, 07:17
Qua trận giao hữu với Sk Slavia Praha, đội tuyển quốc gia dưới sự dìu dắt của tân HLV A.Riedl đã bộc lộ nhiều điểm yếu về lực lượng. Tất nhiên với đội hình chỉ tập trung 1 tuần rồi… chia tay thì sự rời rạc, thiếu kết dính là tất yếu nhưng qua những gì các cầu thủ thể hiện, HLV A.Riedl sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Đầu tiên là hàng tiền đạo, cuộc "tái hợp" bộ đôi ở SEA Games 22 Văn Quyến và Thanh Bình không đem lại những hình ảnh bùng nổ trên mặt trận tấn công như họ đã thể hiện 1 năm về trước. Trái lại, nó phản ảnh đúng sự sa sút phong độ và hiệu suất ghi bàn kém khả quan của họ ở V.League 2005, dẫu rằng không thể phủ nhận là cả hai đều rất cố gắng thể hiện trước ông thầy mới mà cũ A.Riedl.

Trường hợp của Quyến còn dễ hiểu khi mà tiền đạo này không có nhiều cơ hội thực sự để thử sức trước cầu môn của Slavia Praha. Nhưng của Bình thì quả là đáng lo bởi chỉ tính riêng số cơ hội của tiền đạo này đã chiếm già nửa những tình huống có thể ăn bàn của cả đội. Thế mà kết quả chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Việc còn giữ được sự ăn ý (dẫu chỉ là tương đối) giữa Bình và Quyến phần nào đỡ lại khả năng ghi bàn đã bị bào mòn của họ. Nhưng liệu điều đó có đủ làm nên tính hiệu quả của một mặt trận tấn công? 

Ở hàng tiền vệ, có 3 cầu thủ trong độ tuổi Olympic là Phước Vĩnh, Như Thuật và Đức Dương lần lượt được A.Riedl tung vào sân. Trong số này, Như Thuật và Đức Dương chơi khá nổi bật, nhưng rõ ràng để gọi là ấn tượng thì chưa.

Đức Dương quá nặng về dùng sức mà thiếu đi sự tinh tế của một tiền vệ cánh. Trong khi đó, với một số đường chuyền chuẩn xác, Như Thuật có vẻ hợp vai của một "nhà tổ chức" ở tuyến giữa. Tuy nhiên, ngay trong một trận đấu, cầu thủ này cũng chơi khá thất thường ở các thời điểm khác nhau. Hơn nữa, Thuật quá thiên về tấn công, còn khả năng phòng ngự thì hạn chế. Đơn cử như tình huống tiền vệ này chuyền bóng trúng chân… tiền đạo của Slavia Praha ở phút thứ 55, suýt chút nữa khiến thủ môn Quang Huy phải vào lưới nhặt bóng.

Trường hợp của Phước Vĩnh là mờ nhạt nhất. Dường như có vẻ bị khớp khi lần đầu khoác áo đội tuyển hoặc giả do bị đặt không đúng vị trí (ở Đà Nẵng, Vĩnh đá vị trí trung vệ, chứ không phải tiền vệ trung tâm như ở tuyển), cầu thủ này chơi khá lúng túng và góp phần làm… yếu đi tuyến giữa của đội tuyển ở hiệp 1.

Ở hàng phòng ngự, nếu tính luôn cả thủ môn Quang Huy thì cũng có tất cả 3 cầu thủ thuộc diện U-23 được ra sân. Đây cũng là nhóm cầu thủ Olympic có thời gian "tồn tại" trên sân nhiều nhất trong trận gặp SK Slavia Praha: Thủ môn Quang Huy và hậu vệ Hải Lâm chơi trọn 90 phút, còn Văn Trương thi đấu tới phút thứ 70 thì được thay ra.

Do không chịu quá nhiều sức ép từ những đợt tấn công của SK Slavia Praha nên khả năng của Quang Huy không được kiểm chứng đầy đủ. Tuy vậy, với sự nhỉnh hơn về kinh nghiệm và phong độ so với những người còn lại, thủ môn người Nam Định này là sự lựa chọn khả dĩ nhất thay thế Hồng Sơn trong khung gỗ của đội tuyển QG, cũng như đội U-23. 

Bên cánh trái, Văn Trương chơi tương đối đạt yêu cầu, nhưng vẫn chưa trở lại phong độ vốn có của anh. Còn ở bên cánh phải, Hải Lâm chỉ hoàn thành việc phòng ngự mà khuyết đi nhiệm vụ hỗ trợ tấn công.

Vẫn biết với thời gian tập trung quá ngắn, cộng thêm một trận đấu đầy tính "hữu hảo" hơn là chất lượng chuyên môn như vậy sẽ rất khó có được một cái nhìn về diện mạo của đội tuyển quốc gia, chứ chưa nói tới đội tuyển Olympic.

Thế nhưng, với những gì mà các "nhân tố" Olympic đã thể hiện qua trận "mở hàng" vào ngày 1/5, rõ ràng là vị HLV người Áo có quá nhiều việc phải làm để xây dựng một "đội quân thiện chiến" cho cuộc "phó hội" SEA Games vào cuối năm được xuôi chèo, mát mái. Tất cả mới chỉ là bản nháp chờ bàn tay gọt giũa của A.Riedl để trở thành một áng văn hay!

Bảo Hân
.
.
.