Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam: Âu lo

Thứ Hai, 29/10/2007, 09:22
Bước vào giải bóng đá nữ Quốc tế TKS-Cup Báo Thể thao Việt Nam với tư cách của một ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch, nhưng những gì mà thầy trò đội tuyển nữ Việt Nam nhận được ở hai lượt trận vừa qua của giải chỉ là một sự thất vọng và nhiều nỗi âu lo...

Ở lượt trận đầu tiên, đoàn quân tóc dài của HLV Trần Vân Phát đã bị các tiểu muội Than khoáng sản Việt Nam cầm chân trong một trận cầu không có bàn thắng.

Và ở cuộc đọ sức với các vị khách đến từ Sangdong-Trung Quốc diễn ra vào chiều qua (28-10), tuyển nữ Việt Nam càng tô đậm thêm những âu lo trong những cái nhìn hướng về SEA Games 24, nơi họ sẽ phải gánh nặng nhiệm vụ bảo vệ ngôi hậu.

Vẫn biết đối thủ Sangdong được đánh giá cao hơn nhờ thể lực và thể hình, lại có được sự hưng phấn nhờ trận thắng đậm đà đội tuyển Lào tới 11 bàn trắng ở lượt trận trước, nhưng rõ ràng các học trò của HLV Trần Vân Phát đã trình diễn một thứ bóng đá khá nghèo nàn trong tấn công và đầy rẫy những lỗ hổng, cũng như sai lầm nơi hàng phòng ngự.

Xem tuyển nữ Việt Nam tấn công, không khó để nhận ra rằng, họ dường như chỉ có duy nhất một miếng đánh là dốc bóng ở biên, chủ yếu là bên cánh phải của Kim Hồng (23-tuyển Việt Nam), rồi tạt bổng vào khu vực cấm địa của đối phương cho các tiền đạo.

Lối chơi dãn biên này gần như phá sản hoàn toàn trước hàng phòng ngự cao to của Sangdong. Chỉ tới khi bị dẫn trước 2 bàn, các đợt lên bóng của đội mới có đôi chút chuyển biến sang những bài phối hợp ở cự ly ngắn và trung bình đánh vào trung lộ, nhưng cũng không đủ sắc để xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương.

Một phần vì hàng tiền vệ không thể hoàn thành vai trò tiếp đạn trong sự phong tỏa chặt chẽ của các cầu thủ Trung Quốc. Thứ đến là do sự phối hợp của các cầu thủ không có được sự ăn ý, tốc độ xuyên phá.

Bên cạnh đó, các chân sút của chúng ta lại thiếu sự tinh tế và cả may mắn, cũng như khá đuối về lực trong những tình huống dứt điểm hiếm hoi trước cầu môn Sangdong. Hệ quả là cơn khô hạn bàn thắng vẫn tiếp tục ám ảnh hàng công của đội tuyển Việt Nam.

Trong khi đó, thủ môn Kiều Trinh đã không còn giữ được trắng lưới. Cả hai bàn thua trong hiệp 1 của đội tuyển Việt Nam đều bắt nguồn từ những sai lầm khá cơ bản của hệ thống phòng ngự.

Chỉ có 1 điểm sau hai lượt trận và chưa ghi được một bàn thắng nào, con đuờng vào trận chung kết của giải trở nên khá mờ mịt trước mắt đoàn quân tóc dài của HLV Trần Vân Phát.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là thành tích tại một giải đấu mang ý nghĩa thao trường để bóng đá nữ Việt Nam chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ ngôi hậu tại SEA Games 24 như giải bóng đá nữ Quốc tế TKS-Cup Báo Thể thao Việt Nam.

Đáng lo hơn, hình ảnh và phong độ mờ nhạt của đội tuyển qua 2 lượt trận đấu vừa rồi, làm tăng thêm sự bất an của bóng đá nữ Việt trong hơi nóng SEA Games đang thổi hừng hực phía sau gáy

 Vì sao lịch thi đấu bóng đá nam SEA Games 24 chậm công bố?

 Thông thường sau khi việc bốc thăm và xếp lịch thi đấu môn bóng đá nam tại các kỳ SEA Games được tiến hành đồng thời.

Nhưng ở SEA Games 24 này, mặc dù đã có kết quả bốc thăm 2 bảng đấu từ khá lâu, nhưng người ta vẫn chưa thấy BTC công bố lịch thi đấu cụ thể của cả hai bảng. Có chăng trên website của LĐBĐ Thái Lan, có một lịch thi đấu dự kiến của bảng A-bảng có đội chủ nhà Thái Lan tham dự.

Theo đó, chủ nhà sẽ lần lượt đá trận khai mạc với Myanmar, tiếp đến là Campuchia và cuối cùng là Indonesia (còn bảng B-bảng đấu có đội Olympic Việt Nam tham dự- thì hoàn toàn chưa có bất kỳ một lịch trình cụ thể nào cả). Không có một lý giải chính thức của BTC về sự chậm trễ này.

Tuy nhiên, ở hậu trường, người ta đồ rằng, người Thái lo ngại thời điểm kết thúc giải VĐQG của họ quá cận kề với ngày thi đấu trận khai mạc SEA Games 24.

Do đó, không loại trừ khả năng chủ nhà tính toán đưa đội hình hai ra xuất trận ở ngày khai mạc để một số cầu thủ trụ cột trong đội có thời gian nghỉ ngơi sau khi giải vô địch quốc gia Thái Lan (Thai League) vừa kết thúc.

Và bởi thế, đối thủ của họ trong ngày khai mạc cũng nên được "lựa chọn" để vừa dễ vừa chắc ăn hơn, ví thử như Campuchia chẳng hạn, thay vì một Myanmar(?!)

 

Bảo Hân
.
.
.