Đội tuyển QG: No dồn, đói góp...

Thứ Hai, 07/07/2008, 12:15
Sau trận giao hữu với Olympic Trung Quốc vào chiều qua, thầy trò Calisto trở về quê nhà và… chia tay. Các tuyển thủ được trả về đội bóng để tiếp tục cuộc "trường chinh" tại V.League và giải hạng Nhất. Còn ông thầy người Bồ trở lại công việc của một HLV trưởng lúc "nông nhàn" là đi các sân tuyển quân và theo dõi học trò của mình thi đấu dưới màu áo CLB. Thầy trò họ sẽ chỉ gặp lại nhau vào trung tuần tháng 9…

Thực trạng giai đoạn đầu của quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2008 này, chỉ ra rằng, tuyển Việt Nam chỉ được "lót dạ" bằng những chuyến tập huấn ngắn ngày và các trận giao hữu đơn lẻ. Thậm chí, trận giao hữu với Olympic Trung Quốc hôm qua, cũng là sự "bổ sung" đột xuất, chứ không nằm trong kế hoạch ban đầu của đội tuyển. Bản thân sự gấp gáp và một hành trình "kinh hoàng" kéo dài gần 40 tiếng, cũng làm cho ý nghĩa chuyên môn của chuyến đi Trung Quốc này bị vơi vai đi khá nhiều bởi đội tuyển không có được những điều kiện tốt nhất cho trận đấu với chủ nhà.

Với hai chuyến du đấu tại Indonesia và Trung Quốc, tuyển Việt Nam chỉ thỏa mãn được mục tiêu cực kỳ khiêm tốn: Giúp HLV trưởng có được cái nhìn sơ khai về chất lượng nhân sự mà mình có trong tay và bước đầu định hình sơ đồ chiến thuật, cũng như lối chơi.

"Thực đơn" đạm bạc của đội tuyển cũng khiến người hâm mộ bị "bỏ đói" theo. Từ thời điểm Calisto ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng cho đến nay, họ chưa một lần được chứng kiến tận mắt "đội bóng con cưng" và ông thầy mới thi đấu, cho dù tuyển Việt Nam đã đá được 2 trận dưới "triều đại" Calisto.

Phải tới thời điểm tháng 10 và 11, "đoàn quân" của HLV Calisto mới được "ăn no", thậm chí là "no dồn" bởi 3 giải đấu quốc tế và 1 giải mời: Cup bóng đá quốc tế TP Hồ Chí Minh, Cup Quốc tế Liên đoàn, Cup Bình Dương và Merderka Cup 2008 do LĐBĐ Malaysia mời.

Ngặt một nỗi, thời gian diễn ra các giải đấu này cũng khá cận kề. Đầu tiên là Cup bóng đá quốc tế TP Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến 5/10. Tiếp đến từ 15 đến 25/10 là Merderka Cup 2008. Sau đó từ 28/10 đến 1/11 diễn ra Cup Quốc tế Liên đoàn (giải đấu thay thế cho Agribank Cup trước đây). Cuối cùng từ 2/11 đến 7/12 là Cup bóng đá quốc tế Bình Dương. Trong khi ngày 5/12, AFF Cup 2008 đã khởi tranh vòng bảng.

Với mật độ các giải đấu tương đối dày như vậy, cộng thêm sự chờ đợi quá lâu của người hâm mộ về màn ra mắt của tuyển, chắc chắn sẽ tạo nên áp lực thành tích không nhỏ ở các giải đấu này, rõ ràng thầy trò Calisto đứng trước nguy cơ "bội thực". Thậm chí nếu chia sẻ quân số và căng sức ra "chiến" ở toàn bộ các giải đấu này, "đoàn quân" của Calisto rất có khả năng đi theo vết xe đổ của đội Olympic Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 24 vừa qua: Thể lực các cầu thủ bị bào mòn qua các giải giao hữu để rồi bị rơi vào tình trạng quá tải, mệt mỏi khi bước vào chiến dịch AFF Cup 2008. Thế nhưng nếu thẳng thừng gạt bớt giải đấu ra khỏi lịch trình chuẩn bị của đội tuyển thì VFF cũng khó ăn, khó nói với nhiệt tình của các đối tác, đồng thời lãng phí cơ hội cọ xát.

Ở vào cái thế "vứt đi thì tiếc của, đa mang thì nhọc mình" này, họ đành phải sử dụng đội U.22 chuẩn bị cho SEA Games 25 do HLV Mai Đức Chung dẫn dắt, đóng thế đội tuyển QG ở Merderka Cup 2008 và Cup bóng đá quốc tế Bình Dương. Trong khi, đội tuyển QG "xịn" sẽ chỉ phó hội hai giải đấu chính là Cup bóng đá quốc tế TP Hồ Chí Minh và Cup quốc tế Liên đoàn.

Đây có lẽ là một giải pháp dung hòa của VFF, nhưng vấn đề là tại sao người ta cứ phải tự đẩy mình vào hoàn cảnh "no dồn, đói góp" để rồi bị động và buộc phải vắt óc nghĩ ra một giải pháp chu toàn?

Tuyển Việt Nam - Olympic Trung Quốc: 2-3

Trận đấu thứ 2 dưới "triều đại" Calisto diễn ra vào chiều ngày 6/7, tuyển Việt Nam vẫn phải hứng chịu thất bại, cho dù họ đã chiến đấu kiên cường đến tận những phút cuối cùng trước một Olympic Trung Quốc mạnh hơn và nắm trong tay khá nhiều lợi thế từ sân nhà, tới thể hình, thể lực… Kết quả tuyển Việt Nam thất thủ với tỷ số sát nút 2-3.

Tuyển Việt Nam tìm được bàn cân bằng tỷ số ở phút thứ 39, khi Việt Thắng thực hiện thành công quả phạt đền. Olympic Trung Quốc ghi tiếp 2 bàn thắng ở các phút 85 và 88. Tuyển Việt Nam sau đó rút ngắn tỷ số xuống ở phút bù giờ do nỗ lực của Vũ Phong.

Bảo Quyên

Bảo Hân
.
.
.