Đội tuyển Pháp: Chiếc lá cuối cùng

Thứ Bảy, 27/05/2006, 09:44

"Khi lá chưa xa cành, lá vẫn còn màu xanh". Điều đó đúng với những "cựu binh" của đội tuyển Pháp tham dự World Cup 2006 như Thuram, Barthez, Makelele và đặc biệt là danh thủ Zidane.

Cuộc Chơi Lớn ở nước Đức mùa hè này gần như là giải đấu cuối cùng mà những người hùng còn sót lại của "thế hệ cầu thủ vàng" 1998 sẽ khoác lên mình màu áo lam. Một lần sau cuối rồi chia tay! Thế nhưng không phải vì thế mà vai trò của họ trong đội tuyển Pháp tại kỳ World Cup tới đây trở nên mờ nhạt.

Một hy vọng có cơ sở khi nhìn lại chặng đường tìm kiếm chiếc vé đến Đức của tuyển Pháp. Nếu trong đoạn nước rút cuối cùng ở vòng đấu loại, HLV Domenech không "cầu viện" nhạc trưởng Zizou, cũng như các "cựu binh" Thuram, Makelele quay lại đội tuyển, thì có lẽ những "chú gà trống Gaulois" cũng không có cơ hội để cất tiếng gáy tại VCK World Cup 2006.

Thế nhưng khi đặt hy vọng vào những tuyển thủ đã ở nấc thang cuối của sự nghiệp, thì niềm tin đó cũng mong manh giống như niềm tin của cô bé Johnsy vào chiếc lá thường xuân cuối cùng ngoài khung cửa sổ giường bệnh trong truyện ngắn của nhà văn Mỹ O.Henry. Thậm chí, ở một chừng mực nào đó, việc ông Domenech "trọng dụng" các "cựu binh" dường như đã đặt sẵn một "quả bom hẹn giờ" trong nội bộ đội tuyển Pháp, vốn luôn tồn tại sự bất đồng giữa các nhóm cầu thủ.

Không phải tự nhiên mà trước ngày công bố danh sách chính thức tham dự World Cup 2006, rất nhiều nguồn tin đã ám chỉ và giễu cợt ông thầy Domenech với câu hỏi: "Không hiểu Domenech có bê nguyên đội hình mà 8 năm trước Aime Jacquet đã dùng để đưa người Pháp lên ngôi vô địch World Cup 1998 hay không?".

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà trước thềm World Cup 2006, vị HLV này phải lặn lội mang quân đến dãy Alps để trượt tuyết và leo núi - những trò chơi nhằm nâng cao tinh thần đồng đội.

Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện còn thực tế lại khác. Ngay ở chuyến "hành quân" đến Tignes, nội bộ đội tuyển Pháp đã bắt đầu "có chuyện".

Số là sau chuyến dã ngoại lên đỉnh Grande-Motte, thủ môn số 2 của tuyển Pháp là Coupet đã có phản ứng khá gay gắt với HLV trưởng Domenech xung quanh thái độ và phong độ của thủ thành Barthez - "lựa chọn số 1" của Domenech trong khung thành. Theo giới quan sát, sự kiện này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến trong lòng tuyển Pháp giữa nhóm cầu thủ trẻ với lớp "cựu binh".

Thực ra nếu hóa giải được những mâu thuẫn nội bộ, các tuyển thủ cùng nắm tay nhìn chung về một hướng, thì "đoàn quân áo lam" tại World Cup 2006 là một đội bóng tiềm ẩn khả năng gây bất ngờ trên đường đua vô địch. Bởi lẽ, nhân sự của họ quy tụ khá nhiều những tài năng của bóng đá đương đại: Henry, Trezeguet, Cisse trên mặt trận tấn công; ở tuyến giữa là Vieira, Zidane, Makelele…; còn tại hàng phòng ngự, không thể không nhắc tới những cái tên như Thuram, Silvestre, Sagnol, Gallas…

Tại World Cup 2006 tới đây, ở bảng G, những Thụy Sĩ, Togo, Hàn Quốc đều vừa tầm với người Pháp. Chuyện vượt qua vòng đấu bảng để tiến sâu vào giải là nằm trong khả năng của thầy trò ông Domenech.

Vấn đề đối với tuyển Pháp là họ phải kết hợp các hảo thủ thành một tập thể, chứ không phải là một phép tính cộng của các cá nhân xuất sắc.

Bên cạnh đó, trên phương diện hiệu quả, lối chơi của họ cũng cần phải được "nâng chất". Lối đá hoa mỹ, thiên về kỹ thuật của tuyển Pháp làm mãn nhãn những ai yêu bóng đá đẹp và sự tinh tế. Tuy nhiên, nó lại có vẻ thiếu tính hiệu quả.

Những thống kê từ chiến dịch vòng loại World Cup 2006 của Pháp cho thấy điều đó. Họ có tới 3/10 trận không có bàn thắng nào, 3 trận chỉ ghi được 1 bàn/trận; 4 trận còn lại, đội bóng này ghi được 11 bàn, nhưng là vào lưới các đối thủ nhỏ hơn cả "tí hon" như Cyprus và Faroe Islands.

Chuyện lối đá của tuyển Pháp làm người ta nhớ. Em gái nhỏ mấy hôm nay buồn bã bởi chứng cảm mạo. Một câu đùa bông lơn: "Này em hỡi, trong lúc nghẹt mũi hãy nói: Je t'aime (Em yêu anh). Đảm bảo em sẽ phát âm đúng giọng chuẩn của người Paris (Parisien) - công dân ở "kinh đô ánh sáng"". Em đáp trả tôi bằng môi cười mang nắng đến cho khuôn mặt ngày mưa!

Quả là đúng như ai đó vẫn nói tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ tuyệt vời và tinh tế nhất để… tỏ tình, nhưng còn tính hiệu quả thì… bỏ ngỏ. Phải chăng bóng đá Pháp cũng thế? Đẹp nhưng cũng dễ gây… thất vọng như cảm giác của tôi lúc em cười và nói: "Không dám đâu"!...

Trận đầu quyết định

 

Ngay trận đầu ra quân tại World Cup 2006, đội tuyển Pháp sẽ phải đối đầu với Thụy Sĩ, đội bóng mà họ đã từng gặp ở vòng loại. Nói về trận đấu ngày 13/6 diễn ra tại Stuttgart này, HLV trưởng đội tuyển Pháp Domenech tỏ ra khá căng thẳng: "Tôi không vui vẻ gì khi phải gặp lại Thụy Sĩ. Cả hai đội đều biết nhau quá rõ. Đội tuyển Thụy Sĩ biết làm gì để tránh thất bại, thậm chí là hạ gục chúng tôi. Đối đầu với họ, chúng tôi cần phải hết sức thận trọng. Trong cả 2 lần gặp nhau ở vòng loại, tuyển Pháp đều không thắng được họ. Mọi người đều lo lắng cho trận đấu này".

 

Tại vòng đấu loại World Cup 2006 bảng 4 khu vực châu Âu, Thụy Sĩ xếp sau Pháp với 18 điểm/10 trận. Trong cả 2 lần gặp nhau, họ đều chia điểm với thầy trò ông Domenech với kết quả hòa: 1-1 và 0-0.

Bảo Quyên
.
.
.