Đội tuyển Brazil: Một mình chống lại cả thế giới

Thứ Tư, 24/05/2006, 08:05

4 năm trước ở Viễn Đông, vũ điệu Samba thăng hoa trên nóc nhà thế giới. 4 năm sau, "đoàn quân" Selecao tiến sang nước Đức trong vai trò của kẻ gác cổng thiên đường trước tất cả tham vọng lên ngôi vô địch.

Dường như Brazil trở thành một cái tên ám ảnh của những đội bóng ôm mộng chinh phục Cup vàng. Lạ ở chỗ càng gần tới thời điểm khởi tranh "cuộc đại chiến" của thế giới bóng đá, người ta lại thấy chẳng có ai dự đoán, đánh giá về khả năng vô địch của thầy trò HLV Parreira ở World Cup 2006.

Thay vào đó, chỉ thấy một Terry "lên dây cót" tinh thần cho các đồng đội ở tuyển Anh bằng tuyên bố: "Sẽ khóa càng "thượng đế thì cười" Ronalldinho bằng "ổ khóa" kiểu Chelsea nếu chẳng may tuyển Anh "đụng" Brazil ở vòng 2".

Chỉ thấy một Rio Ferdinand chưa thôi vật vã với ký ức buồn bã về cú ngã ngựa của "quân đoàn sư tử" trước đội bóng vàng - xanh của 4 năm về trước.

Chỉ thấy một Guus Hiddink tài hoa là thế mà vẫn phải ra sức trấn an các học trò ở xứ sở chuột túi đừng sợ Brazil khi lá thăm không may đẩy Australia vào chung bảng với "ông lớn" đến từ Nam Mỹ.

Và còn đó là hàng lô những phân tích của các chuyên gia với những mong tìm ra điểm yếu của Brazil, cũng như là phương án đánh bại đội bóng này.

Đơn giản bởi lẽ cái mệnh đề "Brazil là ứng viên số 1 trong những số 1 cho chức vô địch World Cup 2006" là không phải bàn cãi.

Ngay từ khi World Cup 2006 chưa khởi tranh, Selecao đã giành... chức vô địch. Tất nhiên không phải là vô địch World Cup mà là vô địch trong mắt các nhà tài trợ bởi lối chơi đong đầy mê đắm mà ai đó đã ví von là "một thứ cocktail giữa sự cuồng nhiệt và phong cách nghệ sĩ". Lại thêm một mệnh đề không phải hoài nghi. Brazil vẫn luôn là Brazil của những vũ công sân cỏ làm say lòng người bởi thứ bóng đá hoa mỹ, ngẫu hứng và giàu bàn thắng. Đơn cử một con số cũng đủ nói lên điều ấy: Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2006, "những vũ công Samba" đã ghi được tổng cộng 35 bàn thắng - nhiều hơn bất cứ đối thủ nào tại Nam Mỹ, bất bại trên sân nhà và sở hữu chân sút dội bom ghi được nhiều bàn nhất tại châu lục Ronaldo với 10 bàn thắng.

Mang tới nước Đức mùa hè này "tứ tấu huyền ảo" Kaka-Ronaldinho-Ronaldo-Adriano, HLV Parreira đang reo rắc nỗi sợ hãi lên hàng phòng ngự của tất cả các đội bóng tham dự World Cup 2006. Chẳng ai muốn gặp họ cả bởi đơn giản đây là hàng công của những "sát thủ" cầu môn số 1 thế giới.

Tất nhiên, không phải tất cả đều hoàn hảo. Có những ý kiến lo ngại về phong độ của cặp tiền đạo Ronaldo - Adriano. Một người thì chấn thương liên miên, một người thì sa sút phong độ và có một mùa bóng thất vọng trong màu áo Inter.

Dẫu vậy, nên biết rằng cả Ronaldo và Adriano đều là những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất trong đội tuyển. Họ đã nhiều lần vượt qua những hoàn cảnh khó khăn để trở lại phong độ tốt nhất trước mỗi giải đấu lớn. Chưa kể, trong tay Parreira còn hàng loạt "siêu dự bị" như Robinho hay Fred đang chờ cơ hội ra sân để tỏa sáng.

"Những bàn thắng của tôi sẽ giúp đội nhà đoạt chức vô địch. Sau đó, tôi còn có một ước mơ khác là đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2006", "thần đồng" Robinho đã công khai bày tỏ khát vọng đang cháy lên trong tim mình trước giờ G.  

Thêm vào đó, cũng cần phải nói rằng Brazil ở hiện tại cũng có sự khác biệt so với quá khứ. Dường như dưới bàn tay nhào nặn của HLV Carlos Alberto Parreira, họ không còn là đội bóng "bắn chậm thì chết". Nghĩa là không còn đặt toàn bộ hy vọng vào mặt trận tấn công mà còn biết giữ chiến thắng ở lại với một hàng phòng ngự gồm toàn những chiến binh dày dạn kinh nghiệm như Dida, Carlos, Cafu, Lucio.

Tất nhiên, tuổi tác, chấn thương và đặc biệt là lối chơi có khuynh hướng tấn công của những hậu vệ như Cafu hay Carlos cũng làm giảm đi nhiều "chất thép" của hàng phòng ngự Brazil và là điểm tựa cho các đối thủ khác mộng mơ về một chiến thắng. Thế nhưng, hãy nhớ đội bóng của Parreira là đội để thủng lưới ít thứ 2 tại vòng đấu loại World Cup 2006 khu vực Nam Mỹ trước khi đưa ra nhận định: Phòng ngự là điểm yếu của Brazil.

Vấn đề của họ tại World Cup 2006 có chăng chính là thể lực khi mà phần lớn các cầu thủ trong đội hình chính đều vừa trải qua những mùa giải khắc nghiệt tại các đấu trường châu Âu. Khoảng thời gian 1 tháng trước khi bước vào Cuộc Chơi Lớn có đủ để cho các chiến binh mỏi mệt hồi phục thể lực hay không?

Người ta đúc kết, trong lịch sử các kỳ World Cup, chỉ có một quốc gia không thuộc châu Âu giành ngôi vô địch khi nó diễn ra ở châu Âu. Những người làm nên kỷ lục đó không phải xa lạ: Đội tuyển Brazil ở Thụy Điển năm 1958.

48 năm sau, tại World Cup 2006, hy vọng lập lại kỷ lục của tiền nhân đang được thắp lên trong trái tim các CĐV xứ sở Samba theo bước "đoàn quân" Selecao tiến sang nước Đức

Bảo Quyên
.
.
.