Đời tư không phải... việc riêng

Thứ Bảy, 02/04/2005, 06:42

Đàn ông chúng ta không phải lúc nào cũng biết được hết các góc cạnh của vợ mình, như xã hội bên ngoài mục kích. Và nếu những người bạn, những chiến hữu, những đồng chí của chúng ta không kịp thời cảnh báo cho chúng ta thì "ngày mai sẽ muộn".

Lý lẽ vốn phổ biến ở châu Âu từ lâu và hiện nay cũng không xa lạ đối với một bộ phận nào đó trong xã hội ta: đời tư là việc quả thực riêng và không nên can thiệp vào chuyện gia đình người khác. Tôi cũng đã nghĩ thế và thường "kính nhi viễn chi" đối với "nội tình" trong gia đình đồng chí và bè bạn. Nhưng rồi một chiều, ngồi giở lại tập bản thảo dịch thơ của nhà thơ Xôviết Konstantin Simonov (1917-1979), gặp lại bài thơ Lòng người mà mình đã dịch từ lúc còn là một học viên quân sự cách đây một phần tư thế kỷ, tôi như ngộ ra một điều gì khác trước.

Đây là bài thơ mà Simonov viết năm 1954, khi chính cuộc sống gia đình riêng của ông cũng gặp những rắc rối, trắc trở và cuối cùng là tan vỡ. Chính vì thế mà tôi đồ rằng, ông viết bài này không phải cho bạn ông, mà cho chính cảnh ngộ trớ trêu của mình. Và có lẽ là ông cùng ngầm có ý trách móc những thân hữu đã không kiên quyết và kịp thời cho ông nhìn thấy cuộc sống gia đình của ông một cách khách quan và tỉnh táo hơn. Bài thơ như sau:

"Anh đã yêu người đàn bà tệ hại,
Còn chính anh mới tử tế làm sao.
Với kẻ thù - không hề nhút nhát,
Với bạn bè - luôn có trước có sau.

Anh biết tới đúng lúc cùng đồng đội
Đưa tay ra đỡ giữa gian nan,
Biết dẫn đầu đơn vị xông lên trước,
Trong bão dông vươn ngực xây thành.

Anh thông minh, hiền lành, dũng cảm,
Trung thành nhất mực với non sông,
Chỉ một việc trong cuộc đời ngắn ngủi
Anh đã không biết thực hiện cho xong:

Lùi ra xa một chút cho thỏa đáng
Và nhìn và suy ngẫm nghiêm trang
Về người đang cận kề anh sống,
Ăn cùng mâm và ngủ cùng giường.

Người mà ngay từ lần đầu gặp gỡ
Đã gần anh hơn mọi sự trần gian
Và đã làm khốn khó đời anh,
Làm danh dự anh vấy bẩn.

Người mà anh từng chung sống ấy -
Điều này tôi đảm bảo trăm phần -
Về cái sự thế nào là "vợ"
Chẳng bao giờ một chút lưu tâm.

Chỉ đôi chân và đôi tay yểu điệu
Chị ta yêu và xót xa thôi.
Còn không một việc gì khác nữa
Khiến chị ta để ý trong đời.

Không biết cấy, không biết cầy,
không biết gặt,
Không biết nghĩ suy,
Không biết sinh con,
Không biết ngồi bên túc trực
Khi anh đau ốm đêm trường.
Không biết giúp anh khi anh lâm nạn
Dù chỉ một việc bình thường.

Nhớ lại mọi sự mà thấy hoa cả mắt
Trong đời, chị ta chỉ biết
Làm một việc: Đó là
Đưa anh mau vào mộ.

Ta, bè bạn, ta ở đâu lúc đó?
Sai lầm cả cậu và tôi.
Chúng ta đã lặng im và khi biết chuyện|
Chỉ khẽ lắc đầu thôi:

Như thể hoàn toàn không lịch sự
Can thiệp vào những chuyện riêng tư.
Và chúng ta đã không hề can thiệp,
Chỉ khi anh ấy mất rồi, mới sực tỉnh ra!"

Tất nhiên, trên đời này rất hiếm khi có người vợ nào lại "quá đáng toàn tòng" như nhân vật nữ trong bài thơ trên. Có lẽ là Simonov vì quá cay đắng với cảnh ngộ riêng mình mà dựng lên một hình ảnh tiêu cực đậm đặc như thế thôi. Đã làm vợ, nếu "không biết cầy, không biết cấy" thì ít ra cũng biết dùng sự xinh đẹp của mình để làm cho chồng thảnh thơi thư giãn! Đã làm vợ thì nếu chẳng may có mắc "bệnh" tiêu tiền lương của chồng hoang phí thì cũng biết trong lúc đi sắm mỹ phẩm cho mình, đôi khi cũng mua cho chồng cái cà vạt hay cái áo may ô, chứ đâu lại đến nỗi  "Chỉ đôi chân và đôi tay yểu điệu, Chị ta yêu và xót xa thôi...". Phụ nữ, theo tôi, vẫn là một tập hợp của những tính tốt nhiều hơn thói xấu. Ít ra thì tôi cũng nghĩ thế trên cơ sở những người phụ nữ mà tôi biết.

Nhưng cũng bằng kinh nghiệm của chính mình tôi biết, hình như người vợ nào, bên cạnh vô vàn ưu điểm, đều ít nhiều có một, hai, ba nét tính cách tương tự như vậy. Họ đôi khi không hiểu rằng, một, hai, ba cái "tiêu cực" tưởng như nho nhỏ ấy trong tính cách của họ thường làm cho chồng họ hao tâm tổn trí, thậm chí lao lực đến thế nào. Chồng không thể làm mọi việc chính danh nếu ở cửa sau, vợ có điều khuất tất. Danh dự của người đàn ông lắm khi lại phụ thuộc không nhỏ ở "bà nội tướng". Có ngẫu nhiên đâu mà danh ngôn từng có câu, đằng sau sự nghiệp của người đàn ông bao giờ cũng là những hy sinh, nín nhịn của người phụ nữ.

Tuy nhiên, dao sắc không gọt được chuôi. Đàn ông chúng ta không phải lúc nào cũng biết được hết các góc cạnh của vợ mình, như xã hội bên ngoài mục kích. Và nếu những người bạn, những chiến hữu, những đồng chí của chúng ta không kịp thời cảnh báo cho chúng ta thì "ngày mai sẽ muộn". Đúng như trong thơ Simonov!

Và chúng ta cũng cần phải cảm thấy ân hận nếu vì quá "lịch sự", chúng ta đã để cho đồng đội mình rơi vào tình huống như trong thơ Simonov. Trong một số trường hợp nhất định, "mũ ni che tai" trước đời sống riêng ẩn chứa nhiều bất trắc của bạn mình có lẽ cũng là ích kỷ. Thậm chí, đó sẽ là sự dửng dưng hay vô trách nhiệm của chúng ta đối với nhau mà thôi. Yêu nhau như thế sẽ bằng mười hay hai mươi lần phụ nhau

Hồng Thanh Quang
.
.
.