"Đội cận vệ" có một không hai

Thứ Hai, 18/05/2009, 15:37
Cả "đại gia đình" bà Nguyễn Thị Một trở thành một trung tâm liên lạc hai chiều từ Thường vụ Xứ ủy đến các ban chuyên môn của Xứ ủy Nam Bộ, chăm sóc, bảo vệ các đồng chí của trong Xứ ủy mỗi khi hội họp. Tháng 6/956, căn nhà 29 Huỳnh Khương Ninh (TP HCM) bất ngờ được đón Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn về "gia đình" với vai trò "chú Chín"…
>> Di tích biệt động Sài Gòn giữa lòng nhà dân

Sau loạt bài của Báo CAND cuối tháng 4/2009, phản ánh sự vô cảm, thiếu quan tâm của các cơ quan quản lý văn hóa đối với các di tích lịch sử cách mạng tại TP HCM, nhiều bạn đọc đã gửi thư đồng tình với cách đặt vấn đề của báo. Mới đây có bạn đọc đã cung cấp thêm một số địa chỉ mới đề nghị báo tiếp tục lên tiếng góp phần bảo vệ và phát huy giá trị giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng cho lớp trẻ.

Chúng tôi xin trở lại vấn đề này qua một di tích lịch sử quốc gia tại 29 Huỳnh Khương Ninh liên quan đến quá trình hoạt động của Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ bảo vệ đồng chí Lê Duẩn những năm cuối 1950.

Chúng tôi vừa nhận được cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Một, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TW Cục Miền Nam, Bí thư Tỉnh ủy Long An, đồng thời cũng là một nữ cán bộ cách mạng kiên trung, bất khuất trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Các thành viên của Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ gặp lại Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1983.

Trong cuốn hồi ký, bà Một và bà Nguyễn Thị Loan, một nữ đồng chí cũ có đề cập đến di tích lịch sử quốc gia 29 Huỳnh Khương Ninh, TP HCM. Đây từng là Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ, nơi Chánh văn phòng, Bí thư chi bộ, Nguyễn Thị Một đã dũng cảm cùng các đồng chí của mình hoàn thành tốt việc theo dõi các báo cáo, nắm tình hình các tỉnh về địch và ta, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối, phụ giúp đồng chí Lê Duẩn hoàn thành bản dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam ngay trong lòng địch.

Chật vật tìm dấu ấn di tích lịch sử

Với tâm trạng hồi hộp, chúng tôi tìm đến địa chỉ 29 Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, quận 1. Đây chỉ là ngôi nhà khá cũ kỹ, nằm khiêm nhường trên con phố nhỏ tĩnh lặng thuộc dạng hiếm hoi của TP HCM, không mấy gây chú ý với người đi đường trừ tấm bảng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Gia chủ đóng cửa im ỉm...

Liên lạc với Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bà Vũ Kim Anh, người được Giám đốc Sở, ông Nguyễn Thành Rum giới thiệu là người trực tiếp phụ trách mảng thông tin chúng tôi đang tìm hiểu, bà Kim Anh tiếp tục chỉ đến Phòng Di sản của Sở. Trưởng, phó phòng đều đi vắng, nhân viên yêu cầu phải có "lệnh" của cấp trên.

Liên lạc lại, bà Kim Anh lại yêu cầu phải có sự đồng ý của Giám đốc Sở dù chúng tôi vừa đề nghị và đã được Giám đốc đồng ý nội dung làm việc tương tự cách đó khoảng 1 tuần. Cực chẳng đã, chúng tôi đành ngồi tại chỗ, nhờ đồng chí Giám đốc Sở "ra tay" giúp giùm. Nhân viên Phòng Di sản yêu cầu để lại địa chỉ email, số điện thoại, hứa sẽ gửi ngay trong buổi chiều cùng ngày song càng chờ càng mất hút...

Sau gần một tuần, qua Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố, chúng tôi mới tìm được địa chỉ bà Nguyễn Thị Loan. Qua những ký ức rời rạc, chắp vá của bà Loan và một số đồng đội cũ từng công tác tại 29 Huỳnh Khương Ninh, chúng tôi cũng hình dung được phần nào câu chuyện về Văn phòng Xứ ủy giữa nanh vuốt kẻ thù một thời.

Chọn mặt gửi vàng

Sài Gòn, năm 1955, những cán bộ, đảng viên không tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva như sống trên chảo lửa. Xứ ủy Nam Bộ đóng tại quận 5 bị lộ, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Lê Toàn Thư nhận nhiệm vụ tổ chức lại Văn phòng Xứ ủy trong nội thành Sài Gòn. Qua người đồng chí Lê Văn Kỉnh, anh Thư bắt liên lạc được với Trịnh Long Nhi, một đảng viên thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, giao cho anh Nhi và bạn gái là Nguyễn Thị Danh nhiệm vụ tìm thuê một căn nhà kín đáo để làm cơ sở đi về cho Văn phòng Xứ ủy. Chị Danh tìm được căn nhà 29 Huỳnh Khương Ninh.

Cuối năm 1955, văn phòng đi vào hoạt động, được tổ chức nghi trang như một gia đình trung lưu tại Sài Gòn. Người đứng tên chủ hộ là em trai của anh Nhi, Trịnh Long Việt, một cựu sĩ quan trong quân đội Pháp, vừa giải ngũ, đang dạy ngoại ngữ tại một trường tư thục và làm thư ký cho hãng xuất nhập khẩu Olympic trên đường Hồng Thập Tự, mới được anh trai giác ngộ.

Bà Loan vào vai em gái của anh Việt, vợ một sĩ quan ngụy có hai con nhỏ. Thực tế, bà Loan là một trong số các đầu mối liên lạc của nội bộ Ban Tuyên huấn xứ và từ Ban Tuyên huấn về Văn phòng Thường vụ xứ, kiêm bảo vệ phía trước của Văn phòng Xứ ủy. Anh Nhi chịu trách nhiệm giữ một đầu mối liên lạc và sao chép tài liệu. Cả "ba anh em" đón người dì ruột không chồng, không con lên sinh sống chung. "

Bà dì" này chính là Nguyễn Thị Một, nguyên Trưởng ban phụ vận được điều về làm Chánh văn phòng và là Bí thư chi bộ Văn phòng Xứ ủy. Thành viên cuối cùng là "đầu bếp" Phan Kim Thảo, hằng ngày có nhiệm vụ đi chợ, nấu ăn, song thực chất cũng là một đầu mối liên lạc và giải mã, sao chép tài liệu.

Cả "đại gia đình" trở thành một trung tâm liên lạc hai chiều từ Thường vụ Xứ ủy đến các ban chuyên môn của Xứ ủy, chăm sóc, bảo vệ các đồng chí của trong Xứ ủy mỗi khi hội họp. Tháng 6/956, căn nhà 29 Huỳnh Khương Ninh bất ngờ được đón Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn về "gia đình" với vai trò "chú Chín".

"Đội cận vệ" có một không hai

Nhớ lại ngày ấy, bà Loan cho biết: Thời điểm "chú Chín" về, Sài Gòn cũng đang rất căng thẳng, lộn xộn. Việc làm đầu tiên của văn phòng là phải nhanh chóng "đổi lốt" cho "ông già" trở thành người thành thị. Bà và bà Một lo ngay mấy bộ đồ lụa cho ông. Việc hớt tóc, cạo râu do ông Hai Nhi lo. Không thể đưa "chú Chín" ra tiệm được, ông Nhi phải mời thợ hớt tóc về cắt cho ông trước, mấy hôm sau lại mời đến cắt cho cháu Công (con của bà Loan) đồng thời thăm dò thái độ của thợ rồi mới bố trí cắt tóc cho "chú Chín".

Chú nói giọng Quảng Trị, nếu cất tiếng chắc chắn bị lộ nên phải giả làm người vừa câm, vừa điếc. Ngay việc chụp hình để làm giấy tờ cho "chú Chín" cũng là cả một vấn đề vì ngày ấy các tiệm chụp ảnh Sài Gòn không trả phim cho khách. Sau khi tổ chức cho chú chụp hình, các thành viên lại phải khéo léo xin lại cho bằng được tất cả những gì có thể để lại dấu vết của ông. 

Nếp sinh hoạt theo kiểu gia đình tiếp tục được duy trì. Hằng ngày, cứ vào khoảng 6h sáng, đầu bếp Tám Thảo ra chợ xách về khi mớ rau, con cá, miếng thịt tươi. Nhiệm vụ của ông Thảo là mở thư từ, chuyển nội dung bằng mật mã sang ngôn ngữ bình thường và ngược lại, chuyển các chỉ thị, thư từ của "chú Chín" ra mật mã trên giấy đưa các đầu mối liên lạc chuyển đi.

Ngoài công tác của một lãnh đạo, thời gian này, bản dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam được đồng chí Lê Duẩn gấp rút hoàn thiện. Đồng chí viết được phần nào lại đưa ông Thảo cất giữ, chép lại giữa các hàng chữ trong các trang tiểu thuyết đang được phát hành công khai để ngụy trang.

Mực viết là nước ngâm từ các trái "ngũ bội", khi viết được chữ nào là chữ đó "lặn" mất ngay. Giai đoạn cuối, văn phòng phải huy động thêm cả ông Nhi, bà Loan để chép lại vào ban đêm cho kịp.

Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Một kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn đi chợ cho "đầu bếp", kể cả việc làm món gì, đổi món gì cho phù hợp. "Bà dì" là người lớn nhất trong gia đình và cũng là người lãnh đạo cao nhất trong Chi bộ, chịu trách nhiệm chính về hoạt động của văn phòng.

Lâu lâu, Thường vụ Xứ ủy Lê Toàn Thư lại ghé qua báo cáo tình hình với Bí thư xứ ủy, nhận nhiệm vụ, tranh thủ trao đổi với các thành viên rồi lại đi. Nhất cử nhất động các thành viên đều báo lại và xin ý kiến người Bí thư chi bộ, trừ trường hợp nào nghiêm trọng, cấp bách mới dám "kinh động" đến "chú Chín".

Một lần đi chợ, đầu bếp Phan Kim Thảo tình cờ chạm mặt một nữ đồng chí cũ ngày còn ở Mỹ Tho. "Bị" ngó lăm lăm, ông vẫn vờ như không quen biết rồi cắt đường đi về, báo cho Bí thư chi bộ. Bà Một khuyên ông bình tĩnh vì rất có thể người quen chưa kịp nhận rõ nên mới không vồn vã nhận nhau như thế. Nếu không tiếp tục gặp lại thì sẽ không sao. Bà cũng nhắc ông nên đi chợ bằng lối cửa sau, chuyển giờ giấc sinh hoạt…

Một lần khác, gia đình đột nhiên có khách. Đó là một cô giáo tiểu học ở Bình Hưng Hòa, nơi cháu Công, con bà Loan đang theo học. Sự xuất hiện bất ngờ của cô giáo khiến mọi người lo lắng. Một lần nữa, bà Một lại bình tĩnh đứng ra xử lý. Trong vai trò của bà dì lớn tuổi nhất nhà, bà đứng ra trao đổi mọi chuyện với cô giáo nhưng vẫn bàn bạc với bà Loan cho cháu nghỉ để giảm thiểu nguy cơ lộ cơ sở.

Cuối năm 1956, đồng chí Lê Duẩn hoàn thành bản dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Năm 1957, bà Một chuyển công tác binh vận. Năm 1959 bị địch bắt, tra tấn, lưu đày cho đến ngày giải phóng nhưng vẫn luôn bảo toàn khí tiết của người cộng sản.

Bà Loan, ông Thư theo Văn phòng Xứ ủy lên Campuchia. Ông Nhi được phân công ở lại giữ cơ sở chờ tổ chức về bắt liên lạc lại cho đến ngày giải phóng miền Nam. Năm 1983, toàn bộ các thành viên của cơ sở được đồng chí Lê Duẩn cho mời vào nhà khách T78 gặp mặt, chụp hình lưu niệm

Ngọc Nguyễn
.
.
.