Kỷ niệm 91 năm cách mạng tháng 10 (7/11/1917-7/11/2008):

"Đợi anh về"-cây đàn muôn điệu

Thứ Sáu, 07/11/2008, 08:52
"Đợi anh về" là một thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nga Kônxtantin Ximônốp (1915 - 1979). Ở Việt Nam, qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu - bài thơ đã đi vào hành trang của rất nhiều chiến sĩ cũng như lưu lại trong nhiều cuốn sổ tay của đông đảo bạn đọc yêu thơ.

Gần như trong chúng ta, ai nấy đều ít nhiều nhớ tới cái giai điệu vừa gần gũi, thân thương vừa rất ám ảnh ấy: Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Em ơi em cứ đợi.

"Đợi anh về" ra đời vào những ngày phát xít Đức dữ dội tấn công Liên Xô. Thời kỳ này, nhà thơ là cán bộ tòa soạn báo Sao Đỏ - gần như ông đã lăn lộn ở hầu khắp các chiến trường nóng bỏng.

Nếu như ở bài "Aliôsa nhớ chăng?" (tên một thi phẩm khác của Ximônốp cũng khá nổi tiếng với bạn đọc Việt Nam), tác giả đã thể hiện nỗi xa xót buồn thương của người dân Nga trên đường tạm rút lui trước sức mạnh ngoại bang, thì "Đợi anh về" lại như một lời kêu gọi cháy bỏng, một lời động viên thấm thía với những người vợ, người em gái hậu phương vững tin vào ngày chiến thắng.

"Đợi anh về" đến với đông đảo bạn đọc Việt Nam khi chúng ta đang thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhà thơ Tố Hữu, dịch giả của bản dịch tuyệt vời này- trong hồi ký "Nhớ lại một thời" đã tiết lộ: Bấy giờ ông đang "đầu quân" vào một đơn vị bộ đội.  Một tối sinh hoạt cùng anh em trước giờ đánh trận Phố Ràng, bất chợt ông nghe một anh lính thốt lên: "Trời ơi là trời, nhớ vợ quá các bác ơi!". Rồi anh em bộ đội lại yêu cầu ông: "Anh có bài nào "nhớ vợ", đọc cho em nghe với".

Thế là Tố Hữu đọc cho anh em nghe bài "Mưa rơi" (sau này được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thành bài hát khá phổ biến) ông viết tặng vợ. Anh em bộ đội nghe xong reo ầm lên: "Bác tả giống vợ em quá, tài thật".

Như được kích thích, Tố Hữu - vốn sở trường với những bài thơ gắn với thời sự - chợt nhớ trong túi dết của mình có một cuốn thơ được dịch ra tiếng Pháp của 7 nhà thơ Nga, trong đó có một bài ông rất thích là bài "Đợi anh về" của Ximônốp.

Ông nhận thấy "bản dịch tiếng Pháp khá tốt", và mặc dù "không biết có trung thành với nguyên bản của tiếng Nga không", nhưng đối với ông "thế là đủ để dịch ra tiếng Việt". Tố Hữu cho hay: "Tôi chưa bao giờ dịch thơ. Không ngờ bài thơ này lại dịch nhanh đến vậy. Có lẽ vì lúc đó tôi được sống cùng chiến sĩ nên dễ đồng cảm với nỗi nhớ nhà, đặc biệt nhớ người yêu của anh em bộ đội".

Một lần nữa, lịch sử lặp lại: Bài thơ từng gây xúc động hàng triệu, hàng triệu trái tim thanh niên Liên Xô đã lại trở thành tài sản tinh thần của hàng triệu thanh niên Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh vừa qua. Người ta từng tìm thấy trong đáy ba lô của nhiều chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh có bản chép tay bài thơ nói trên.

Và nhà thơ Ximônốp, trong một lần sang thăm vùng đất lửa Việt Nam, được tận mắt chứng kiến sức sống lớn lao của bài thơ, đã xúc động viết bài thơ "Tặng đồng chí Tố Hữu".

Bài thơ nói đại ý: Ông mong muốn sau này hòa bình, những người phụ nữ trẻ không còn phải gánh chịu cảnh đợi chờ như thời trận mạc, và khi ấy, khi thơ ca đã làm xong sứ mệnh vẻ vang của nó, bài thơ "sẽ chết - trong lời dịch tuyệt với của anh" (nguyên văn đoạn kết bài thơ). Thật là một cách nói độc đáo: Bởi "chết" trong sự "tuyệt vời" ấy, có nghĩa là bài thơ sẽ còn sống mãi.

Tác giả của bài thơ nói như vậy, còn bản thân dịch giả Tố Hữu đã nhận xét gì về bản dịch của mình? Trước hết phải nói ngay rằng, sau khi được phổ biến trên báo chí, bài thơ đã được Tố Hữu đưa in vào tập thơ "Việt Bắc" cùng các bài thơ sáng tác khác của ông (có ghi tên tác giả Ximônốp).

Cuối bài, ông ghi năm dịch chứ không ghi năm bài thơ ra đời. Có lẽ, với ông, bài thơ "Đợi anh về" đã thân thuộc như thể con đẻ. Đã có một tờ báo thuật lại rằng: Trong một lần trò chuyện về thơ tình yêu, nhà thơ Tố Hữu đã khiêm tốn nói với một nhà báo - đồng thời là một nhà thơ trẻ - rằng "Con người ta không phải ai cũng là một cây đàn muôn điệu" và ông tự nhận ông viết ít và không xuất sắc trong mảng thơ tình.

Rất bất ngờ, nhà báo trẻ nọ nhắc ngay đến một bài thơ tình rất thành công "của Tố Hữu": Bài "Đợi anh về", thì Tố Hữu đã sửng sốt và sung sướng thốt lên: "ờ nhỉ!"

Phạm Thành Chung
.
.
.