Đọc lại bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”

Chủ Nhật, 08/01/2012, 15:56
Trong cái lạnh của tháng 1, tiết trời dịu nhẹ dễ làm người ta thêm đa sầu, đa cảm, có lẽ trong một buổi chiều cuối năm khi đi ngang một thánh đường vào giờ tan lễ, thấp thoáng những tà áo dài thướt tha trong buổi hoàng hôn, một hình ảnh đẹp trong khung cảnh quá đỗi yên bình, làm tôi nhớ đến một bài hát được phổ từ một bài thơ nổi tiếng và bắt đầu khe khẽ hát:

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường…

Chắc có lẽ nhiều người biết ngay đây là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Kiên Giang, được ra đời vào năm 1958. Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, ông còn có bút hiệu Hà Huy Hà, sinh ngày 17/2/1929, tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Từ khi bài thơ được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc và qua giọng hát của những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Giao Linh… đặc biệt dân mê ca cổ còn có thêm bài tân cổ giao duyên “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” do Thanh Tuấn và Lệ Thủy trình bày, đã giúp tác giả lẫn tác phẩm sống mãi với thời gian và trở nên quen thuộc với nhiều người.

Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo.

Về xuất xứ thì đây là bài thơ kể về chuyện tình có thật của tác giả với một nữ sinh học cùng lớp – một chuyện tình của một chàng trai ngoại đạo với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ và trong sáng.

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Nhà thơ Kiên Giang đã từng bộc bạch… Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, chủ nhật mỗi tuần “những nhà báo học trò” chúng tôi tụ tập trong vườn xoài xanh um để thực hiện số báo viết bằng tay. Kiên Giang học giỏi văn nên được giao nhiệm vụ biên tập và trình bày còn “cô ấy” giỏi toán lại viết chữ đẹp nên được giao nhiệm vụ chép bài vở. Có dịp cận kề như vậy nhưng nhà thơ cũng thú thật “Thuở ấy anh hiền và nhát quá”.

Theo nhà thơ tên cô gái ấy là Nh., có mái tóc dài buông xõa ôm kín bờ vai. Nàng theo đạo Thiên chúa, còn ông ngoại đạo, vì vậy mà trong thơ ông có hình ảnh những buổi tan học chàng đi theo sau người em xóm đạo đến tận nhà, hoặc đứng trước cổng nhà thờ mỗi sáng chủ nhật, chờ nàng tan lễ để cùng nhau chung một lối về.

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi.

Rồi chiến tranh nổ ra, nhà thơ vào chiến khu tham gia kháng chiến, ở quê nhà cô Nh. vẫn đợi chờ. Năm 1955, nhà thơ có dịp ghé ngang Cần Thơ, ông đã đến tìm gặp lại người xưa. Sau lần gặp đó cô Nh. đi lấy chồng. Dù sau đó không được tin nhau nữa nhưng nhà thơ vẫn gửi trọn lòng thương yêu về nơi ấy. Tình yêu ấy đã được Kiên Giang nâng lên thành một mối tình tuyệt đẹp và tình yêu đôi lứa đã biến thành tình yêu quê hương, đất nước của người trai với nhiệm vụ cầm súng bảo vệ quê hương.

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Thực tế cho thấy trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta, khi giặc đến nhà thì dù gái hay trai, dù lương hay giáo thì mọi người đều thể hiện tấm lòng yêu nước của mình. Nhiều người đứng tuổi sống trong vùng địch tạm chiếm đã từng nghe bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” qua giọng ngâm của Hồ Điệp trong chương trình tiếng thơ Mây Tần do Kiên Giang phụ trách trên Đài Phát thanh Sài Gòn, đã tâm sự khi nghe xong bài thơ thì họ lại có thêm một đêm khó ngủ, bởi bài thơ đã tả đúng tâm trạng của nhiều người – tình yêu đôi lứa phải chia lìa giữa thời đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.

Xin mạn phép không chép ra đây những vần thơ cuối, về một hồi kết có cảnh sinh ly, tử biệt để cố giữ mãi trong lòng một hình ảnh đẹp về một mối tình của chàng trai ngoại đạo với một người con gái có đạo. Mùa giáng sinh năm nay xin Chúa hãy ban phước lành cho những cặp đôi như vậy, để họ được đời đời bên nhau theo ý Chúa: Tình yêu vợ chồng, phải luôn được mở ra để đón nhận những sự tốt lành của tình yêu và cuộc sống

Trần Thắng
.
.
.