Độc đáo nghề làm hương của người Nùng Cao Bằng

Thứ Tư, 25/01/2017, 10:57

Làng sản xuất hương Phja Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng từ lâu đã khá nổi tiếng. Làng nghề truyền thống này đã góp phần làm giàu cho vùng đất rẻo cao này...


Phja Thắp là một xóm nhỏ có 51 hộ dân tộc Nùng, ở xã vùng 3 Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, ngoài làm nông nghiệp, người dân nơi đây luôn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống làm hương có từ lâu đời.

Theo quan niệm của người Nùng an, nghề làm hương không chỉ là nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc, mà nó còn gắn liền với tục thắp hương của người Việt và trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Vì vậy, không biết tự bao giờ, nghề hương gắn bó với người Nùng an ở Phja Thắp, chỉ biết ở đây từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết làm hương.

Ngay từ đầu năm, người dân đi khắp các vùng tìm mua tre mạy mười - loại tre dóng dài, thẳng làm chân hương; lên rừng tìm lá bẩy chất, lá xanh, có nhiều nhựa, mọc thành bụi ven khe suối; rồi tìm cây mạy khảo, loại cây có mùi hương thơm đặc trưng. Ngoài ra, họ còn tìm vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây thung... để tạo mùi.

Một góc làngPhja Thắp 

Làm hương có nhiều công đoạn phức tạp. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.

Trong các công đoạn thì phơi hương là chiếm nhiều thời gian hơn cả, nếu trời nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày. Từng que hương thành phẩm được tỷ mẩn cắm trên các khay nhỏ, mỗi khay hương này được cắm từ bảy đến mười que. "Chỉ có tỉ mẩn cắm từng que, tách riêng từng que như thế thì hương mới không bị vỡ, dập…", chị Hà Thị Phương - một người dân làng Phja Thắp giải thích.

Trẻ em cũng giúp bố mẹ làm hương.

Người dân Phja Thắp đều tâm niệm, hương là một thứ vật phẩm giúp kết nối, thông linh với người đã khuất bởi vậy những người làm nghề trước hết phải có một cái tâm sạch. Các khâu đoạn làm hương đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không được phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng.

Vào những dịp lễ, Tết, người dân nơi đây làm việc cả về ban đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng đặt trước. Sau đó, mới đem bán ở các khu chợ phiên.Với chất lượng tốt, hương Phja Thắp được đem đi bán tại tất cả các chợ phiên trong tỉnh. Cùng với những mặt hàng thực phẩm, bó hương Phja thắp luôn là thứ không thể thiếu trong chiếc làn đi chợ của nhiều người dân ở Cao Bằng.

Một số hình ảnh ở làng hương Phja Thắp:

Hương được phơi khô bằng cách cắm trên đất ruộng
Phơi khô lá cây bầu hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.
Nhúng que mai vào nước trộn với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính.

Sau đó, tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để được que hương.

Trong các công đoạn thì phơi hương là chiếm nhiều thời gian hơn cả, nếu trời nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày.


Làm hương là một công việc vất vả

Các khâu đoạn làm hương đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không được phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng.

Với chất lượng tốt, hương Phja Thắp được đem đi bán tại tất cả các chợ phiên trong tỉnh Cao Bằng và các tỉnh lân cận.

Thúy Hằng
.
.
.