Độc đáo Lễ hội xin cầu mưa của người Thái

Thứ Hai, 01/04/2013, 14:30
Lễ hội xin cầu mưa là một trong những lễ hội độc đáo của người Thái Trắng ở bản Nà Bó 1, Xã Chiềng Sơn, Huyện Mộc Châu, Tỉnh Sơn La, được diễn ra vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ông trời làm hạn hán, quanh năm khô hạn, cây cỏ, vạn vật muôn thú đều chết hết.  Người dân không biết làm cách nào bèn bàn nhau lên trời xin nước. Nhưng vì sợ ông trời nổi giận nên trong bản có một bà Góa tình nguyện ra đi. Trước khi đi, bà đã ăn một bữa cơm với con và dặn dò mọi người trong bản. Cảm kích trước lòng của bà, dân bản đã quyên góp những lễ vật để bà mang theo như tấm lòng thành kính của người dân cầu xin ông trời rủ lòng thương mà ban nước xuống.

Cây Nêu là biểu tượng cho sức mạnh của con người, là một vật không thể thiếu trong Lễ xin cầu mưa của người Thái. Cây Nêu phải được lựa chọn kỹ càng, theo câu thần chú được dịch ra theo tiếng Việt cũng tương ưng với thuật "Sinh - Lão - Bệnh - Tử". Cây Nêu phải được chọn là cây đang còn sống, vươn dài. Năm nay, cây Nêu có 11 đốt, tương ứng với chữ "Sinh" trong ngũ hành và trong câu thần chú. Trên cây nêu, người ta gắn những vật dụng sinh hoạt hằng ngày như nông cụ lao động, chim muông cây cỏ, hình ảnh của bông lúa, những con trai, con ốc...tượng trưng cho sự khô hạn và khát khao có một nguồn nước để vạn vật sinh sống, cây cỏ tốt tươi.

Bà Góa là một nhân vật rất quan trọng trong lễ cầu xin mưa. Theo truyền thuyết bà đã tình nguyện lên trời xin mưa để cứu dân làng.

Bà Góa sẽ đến từng nhà, gọi những người phụ nữ đi lấy nước cùng mình.

Cây Nêu.

Lễ vật trong Lễ cầu xin mưa đều là sản vật của người dân dâng lên ông Trời.

Mang nước về bản.

Người dân làm lễ cúng Thần Thổ Địa và Thần Long Vương tại Mó nước đầu nguồn.

Ông Then vì cảm kích trước tấm lòng của dân bản và thấu hiểu nỗi thống khổ khi đất trời khô hạn nên ban nước xuống trần gian. Kết thúc nghi lễ.

Ông Then, mặc áo đỏ là người tượng trưng cho ông trời đang lắng nghe những thỉnh cầu của dân chúng.

Sau khi làm lễ ở Mó nước đầu nguồn, đoàn người sẽ làm lễ ở Mó nước chảy qua bản. Lúc này có bà Góa, ông Then, thầy Mo và dân bản đi cùng.

Thầy Mo có nhiệm vụ cúng tế, đọc lời cầu xin của nhân dân.

Trước khi vào lễ chính, từ sáng sớm, Thầy cúng sẽ dẫn đoàn người trong bản ra làm lễ cúng Thần Thổ Địa và Thần Long Vương tại Mó nước đầu nguồn. Đây là một nghi thức vô cùng quan trọng, các bài khấn được lưu truyền từ xa xưa và ngày nay không còn nhiều người Thái có thể nhớ được.

Mặc dù đã trải qua rất nhiều thời gian nhưng Lễ hội xin cầu mưa của người Thái ở bản Nà Bó 1 vẫn giữ được tất cả các nghi thức truyền thống mà không phải người Thái ở đâu cũng có thể làm được. Điểm quan trọng nhất trong lễ xin cầu mưa đó là các bài cúng Thần Thổ Địa và Thần Long Vương ở Mó nước đầu nguồn. Chính vì sự thất lạc của các bài cúng tế mà lễ xin mưa của người Thái đang bị mai một dần đi và không được tổ chức ở các địa phương khác.

Riêng ở bản Nà Bó 1, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nghi thức của người xưa, Cụ Lường Thị Chức (94 tuổi) là thầy cúng và cũng là người duy nhất trong bản thuộc các bài cúng trong lễ xin cầu mưa. Ngày nay, gia tộc họ Lường và các tầng lớp con cháu trong bản đang tích cực học hỏi những bài khấn, cúng của cụ để bảo tồn  một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái ở đây

Vân Lam
.
.
.