Đọc Trọng Khôi và suy ngẫm

Thứ Hai, 15/10/2012, 09:51
Tôi đã dành trọn ba tiếng đồng hồ buổi trưa để đọc cuốn sách của Trọng Khôi ngay sau khi nhận được. Điều cảm nhận đầu tiên là cuốn sách đã gây cho tôi nhiều điều bất ngờ. Nói chuyện với Trọng Khôi, xem ông biểu diễn không ít, cũng đã ít nhiều cảm thấy tố chất nghệ sĩ, tài năng, phẩm chất diễn viên cũng như đức độ con người ông, nhưng thật tình tôi thực sự ngạc nhiên và bị cuốn hút qua các bài viết trong tập sách mỏng nhưng phong phú của ông.

Tôi quen và được làm việc với NSND Trọng Khôi từ những năm đầu của thập kỉ 90 của thế kỉ trước. Đây là giai đoạn sung sức nhất trong sáng tác của tôi đặc biệt với kịch và tiểu thuyết khi tôi lê chân đi hầu khắp các đoàn kịch cả nước để giới thiệu kịch bản của mình. Bẵng đi một thời gian do hoàn cảnh công tác, đến những năm đầu của thập kỉ đầu của thế kỉ 21 tôi mới nối lại quan hệ với ông.

Qua những lần đàm đạo, trong những lần sinh hoạt hội, trong các trại sáng tác và cả những lần trà dư tửu hậu nơi quán Nga tôi dần dần nhận ra và có thể đi đến cắt nghĩa cho những cảm nhận của bản thân tôi về tài năng diễn xuất bậc thầy của Trọng Khôi.

Khi trò chuyện với bè bạn, cũng như trên các bài viết về sân khấu, tôi cho rằng: Nguyên nhân để Trọng Khôi trở thành một trong những vì sao sáng trong thế hệ diễn viên vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam với những vai diễn để đời như “Êrôxtát”, “Vua Lia”, “tướng Đờ Cát”, “Gã đồ tể”... trước hết ngoài tài năng thiên bẩm trong nghiệp diễn viên, Trọng Khôi còn là một trí thức lớn. Không chỉ vì trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ (ông thông thạo Pháp văn, Anh văn) mà trong hơn nửa thế kỷ tung hoành trên sàn diễn, trên phim ảnh, ông còn liên tục tích lũy tiềm năng văn hoá cho mình bằng sự đọc, sự học không mệt mỏi.

Được trò chuyện với ông, và chứng kiến những sự kiện nổi bật của sân khấu Việt Nam hơn thập kỉ qua tôi nhận ra, tố chất nghệ sĩ chân chính của Trọng Khôi đã từng là cầu nối làm mờ đi những khắc biệt giữa sân khấu miền Nam, miền Bắc trong Đại hội HNSSKVN lần thứ 6. Với phản xạ nghề tuyệt vời, ông trở thành tác giả của việc tổ chức “sân khấu thử nghiệm trong nước và quốc tế” đầu tiên ở nước ta vào năm 2006. Tố chất nghệ sĩ bậc thầy đó cùng tính cách của hào hoa của người đàn ông Hà thành nên tuy là diễn viên kịch nói kiệt xuất nhưng ông lại tạo ra mối hoà đồng giữa các thế hệ nghệ sĩ, và được bạn diễn của các thể loại kịch nghệ khác từ tuồng, chèo, cải lương, múa rối, đến xiếc nể trọng và khâm phục.

Mọi người sao không nể trọng khi Trọng Khôi là mẫu hình của diễn viên diễn chính xác (trong lời, trong hành động) tâm huyết mà còn vì khi ở vị trí lãnh đạo HNSSK ông đã từng lặn lội đến Quảng Trị thăm kịch tác gia Xuân Đàm, vào tận Bạc Liêu thăm nghệ sĩ Trọng Nguyễn, đến tận Cà Mau thăm nghệ sĩ Huỳnh Khánh khi đau yếu…

Tôi đã dành trọn ba tiếng đồng hồ buổi trưa để đọc cuốn sách của Trọng Khôi ngay sau khi nhận được. Điều cảm nhận đầu tiên là cuốn sách đã gây cho tôi nhiều điều bất ngờ. Nói chuyện với Trọng Khôi, xem ông biểu diễn không ít, cũng đã ít nhiều cảm thấy tố chất nghệ sĩ, tài năng, phẩm chất diễn viên cũng như đức độ con người ông, nhưng thật tình tôi thực sự ngạc nhiên và bị cuốn hút qua các bài viết trong tập sách mỏng nhưng phong phú của ông.

Cuốn sách gồm 20 bài viết. Trong đó có 14 bài nói về kinh nghiệm cùng những trải nghiệm của Trọng Khôi trong hơn nửa thế kỉ trên sàn diễn với những trăn trở đi tìm nhân vật và cách biểu hiện nhân vật của ông. Có thể nói 14 bài viết này xứng đáng được xếp vào giáo trình để dạy trong các trường đào tạo diễn viên. Từ những bạn còn ngỡ ngàng, rụt rè bước chân vào nghề diễn đến những diễn viên đã có thâm niên. Bằng một giọng kể trầm tĩnh, khúc chiết được diễn giải bằng sự am hiểu thấu đáo nghề diễn trong mối quan hệ giữa diễn viên và đạo diễn, giữa tác giả và diễn viên. Từ đó Trọng Khôi đi đến một kết luận “Chính người diễn viên là người sáng tác ra nhân vật theo cách cảm của mình với cuộc đời”.

Quan điểm này của ông càng thuyết phục khi được chứng minh, diễn giải bằng vốn kiến thức cổ kim.  Qua 14 bài viết về kinh nghiệm nghề này, người đọc nhìn thấy công việc bếp núc đầy vất vả của người diễn viên để từ đó cắt nghĩa vì sao Trọng Khôi đã ghim được hàng loạt vai diễn lớn của ông trong lòng người xem và trong lịch sử biểu diễn của sân khấu kịch nói Việt Nam hiện đại. Vai diễn nào của ông kể cả những nhân vật kinh điển trong kịch nghệ nhân loại với hàng trăm diễn viên đã thủ vai thì đến Trọng Khôi nhân vật này lại thêm một cá thể khác của chính ông không lẫn vào đâu.

Để xứng đáng là người sáng tạo thêm một lần cho vai diễn quả là công phu. Để thể hiện vai diễn tướng Đờ Cát ngoài việc đọc hàng đống tài liệu tiếng Việt, tiếng Pháp, Trọng Khôi còn gặp họa sĩ Mai Văn Hiến đã từng tiếp xúc và vẽ tranh về Đờ Cát, gặp Đại tá Võ Quế người quản thúc và giải Đờ Cát về Hà Nội qua bến đò Chèm, Đại tá Hòa người giữ Đờ Cát hai tháng. Nhờ nhà văn Dương Tường xem lại lý lịch dòng họ tướng Đờ Cát…

Còn khi diễn cảnh Vua Lia điên dại, Trọng Khôi đã lấy hình dáng của người điên hay đi lại trước Nhà hát Lớn làm khuôn mẫu, rồi pha trộn giữa cái lăn của tuồng, sự giả dại trong Suý Vân của chèo… Không phải ngẫu nhiên NSND Dương Ngọc đức Tổng Thư ký HNSSKVN khi xem Vua Lia của Trọng Khôi đã thốt lên: “…Diễn bình dị, trí tuệ và giàu phong cách Phương Đông. Trọng Khôi đã thành công ở nhân vật Vua Lia và hoàn toàn chinh phục người xem”…

Còn khi đọc 6 bài viết mang tính lý luận và tổng kết thực trạng sân khấu và cả văn học nghệ thuật trong giai đoạn gần đây của NSND Trọng Khôi, tôi thực sự khâm phục và bị cuốn hút bởi một cách nhìn thấu đáo và những kiến giải bao quát của ông. Trọng Khôi đã viết rất thuyết phục về truyền hình khi ông chỉ ra những khiếm khuyết ngay cả trong phim nước ngoài “do cùng vì số lượng phim truyền hình ngoại quốc khá nhiều nên ta cũng dễ nhận ra những “lối mòn diễn xuất” của các nghệ sĩ biểu diễn, cách xử lý các sự kiện của các đạo diễn và lối viết lặp lại của các tác giả”.

Có lần nghe Trọng Khôi đọc thơ Êxênhin tôi hơi ngạc nhiên về khả năng thẩm thơ của ông nhưng khi đọc đoạn ông nói về thơ trong giai đoạn hiện nay mới thấy kiến thức của ông với sự cảm thụ của một nghệ sĩ lớn thể hiện ra sao. Ông viết: “Ngày nay ai cũng biết làm thơ khiến cho thơ trở thành văn vần phổ cập” như thế nào. Đối với báo chí ông cũng chỉ ra “báo chí là lĩnh vực thường được chỉ đạo sát sao từng bước nhưng vẫn còn những kẽ hở chủ quan”. Ông dẫn ra quá nhiều với sự phê phán các loại tin, bài viết về giết người, hãm hiếp, thầy giáo đánh học sinh… và ông kết luận “và người đọc lại là đối tượng phải chịu đựng tất cả” sự nhơm nhếch lá cải này. Còn khi nói về những vấn đề về nghề ruột của mình, chỉ trong sáu bài viết ông đã phác họa chính xác và cơ bản tình trạng “sân khấu và thị trường”, “kịch nói Việt Nam trong hội nhập Quốc tế”, “nghệ thuật sân khấu, thực trạng và tương lai”...

Mới thấy Trọng Khôi đau đáu khi các diễn viên trẻ cập rập diễn vừa hết vai đã vội tẩy trang đến sàn diễn khác, khi ông buồn  lòng “thật khó tìm một thanh niên nào biết dù chỉ là hình thức nhỏ của chèo, tuồng hoặc một vũ đạo của chèo, tuồng”. Ông hớn hở khi nhắc đến thành công của Lê Duy Hạnh với ba vở đoạt giải vàng trong một hội diễn, với NSND Lê Tiến Thọ đoạt Huy chương vàng với tuồng “Hồn Việt”… để rồi tỉnh táo chỉ ra những sự khác biệt của nền sân khấu phía Bắc từ người làm sân khấu đến người thưởng thức sân khấu chưa gột bỏ được tâm lý bao cấp so với sân khấu phía Nam xã hội hoá nhưng đôi khi đánh mất đi tiêu chí cần nâng thẩm mỹ người xem lên.

Tôi thực sự khâm phục NSND Trọng Khôi từ góc độ một diễn viên thượng thặng đã chỉ ra khiếm khuyết khi “Sân khấu hầu như vẫn quẩn quanh tồn tại theo một hướng đi chính thống, thiếu hẳn sự bứt phá táo bạo để đáp ứng công chúng trong sự biến động phức tạp của thị trường văn hoá…”… “Các tác phẩm thường chỉ bám sát được cuộc sống mà thiếu hẳn đi tính dự báo tầm xa - chức năng cao quí của văn học, nghệ thuật”.

Cuốn sách “Sân khấu và nghiệp diễn” của cố NSND Trọng Khôi đúng là tiếng hót đắm say của con Phượng hoàng trên sân khấu Việt Nam vừa bay qua cuộc đời vọng lại. Vì vậy nó thật đáng đọc đối với những ai quan tâm đến văn hoá nghệ thuật và thật sự bổ ích với những người đêm đêm hoá thân mình dưới ánh đèn sân khấu

Quỳnh Mai, ngày 2/10/2012
.
.
.