Đọc “Trăng suông” của Đinh Quang Tốn

Chủ Nhật, 19/02/2006, 08:30

Trong lĩnh vực phê bình, Đinh Quang Tốn tỏ ra đĩnh đạc, tự tin còn trong sáng tác thơ, anh tỏ ra rụt rè, khiêm nhường và e ấp như một tiểu thư lần đầu phơi mình ra trước nắng gió. Tập thơ này là chắt lọc cả một đời sáng tác của anh. Nhưng anh cũng chỉ coi nó như “trăng suông”. Một khoảng sáng mờ nhạt không góc cạnh, cũng không có cả hình hài.

Nhà thơ Đaghextan Raxun Gamzatốp có lần nói vui, đại ý rằng, trong lớp học của ông ở Học viện Văn học Mácxim Goócky, năm thứ nhất có bốn mươi học viên, trong đó mười sáu nhà thơ, mười bốn cây bút văn xuôi, mười nhà phê bình. Đến năm cuối cùng thì chẳng còn nhà thơ nhà văn nào nữa. Tất cả đều thành nhà phê bình.

Ở ta, những năm gần đây thì ngược lại. Nhiều nhà phê bình nghiên cứu lật cánh sang địa hạt sáng tác và rồi cũng “xôm” ra trò. Nhà phê bình Hà Minh Đức cho ra đời liên tiếp mấy tập thơ. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên mới đây vừa công bố tập thơ khác đề huề: “Vị mặn biển đời”. Nhà phê bình Lê Thành Nghị cũng có đến ba tập thơ, trong đó có hai tập giành Tặng thưởng và Giải thưởng Hội Nhà văn. Bây giờ lại đến lượt Đinh Quang Tốn xúng xính xuất hiện với bộ trang phục mới. Bộ “mốt” của “nàng thơ” mà anh đã kỳ công thêu dệt bằng ánh “trăng suông”.

Chúng ta đã từng biết Đinh Quang Tốn với góc độ của một nhà phê bình. Anh vào ngôi đền thiêng văn chương bằng tấm “hộ chiếu” phê bình. Nhiều bạn đọc biết anh cũng qua tấm “hộ chiếu” ấy. Đinh Quang Tốn không né tránh những vấn đề phức tạp, sẵn sàng xông vào “vùng tranh cãi”, góp thêm một tiếng nói, một cách lý giải riêng. Trong một số trường hợp, tiếng nói của anh có sức thuyết phục bởi sự vô tư, trong sáng của một người cầm bút làm công việc phân định.

Nhưng Đinh Quang Tốn vốn là thi sĩ. Anh làm thơ từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Và như thế, trong lĩnh vực phê bình, Đinh Quang Tốn tỏ ra đĩnh đạc, tự tin còn trong sáng tác thơ, anh tỏ ra rụt rè, khiêm nhường và e ấp như một tiểu thư lần đầu phơi mình ra trước nắng gió. Tập thơ này là chắt lọc cả một đời sáng tác của anh. Nhưng anh cũng chỉ coi nó như “trăng suông”. Một khoảng sáng mờ nhạt không góc cạnh, cũng không có cả hình hài. Ta hãy nghe anh bộc bạch:

Tôi chỉ có trăng suông, rượu nhạt
Tặng cho em và gửi mọi người
Ai thi sĩ như cây đàn muôn điệu
Thơ tôi - lời thô mộc của hồn tôi…

Dường như sợ bạn đọc vẫn chưa hiểu thấu, Đinh Quang Tốn còn tước bỏ cả hình tượng thơ, tâm sự một cách thẳng thắn, bộc trực:

Thơ tôi chưa hay, xin bạn đừng cười
Tôi chỉ hát những lời chân thực
Dẫu thiếu tài năng, thiếu đâu nghị lực
Tôi tin ngày đất đá cũng thành cây…

Vâng, tôi rất tin tấm lòng thành thực của Đinh Quang Tốn. Nhưng cũng phải thực tâm nói với anh rằng, ở đây, nhà phê bình Đinh Quang Tốn đã “uy hiếp” nhà thơ Đinh Quang Tốn. Còn sự thật lại mang gương mặt lạc quan.

Nhà thơ Xuân Diệu có lần nói đại ý rằng, thơ ca luôn phải chịu quy luật đào thải của thời gian. Một bài thơ nào “sống” được năm mươi năm thì đã có thể xem như là vĩnh cửu. Đó là quan niệm của Xuân Diệu ở thời Xuân Diệu. Bây giờ những giá trị giả tàn lụi rất nhanh. Có tác phẩm năm trước được coi như kiệt tác, năm sau đọc lại, đã thấy bẽ bàng. Một tác phẩm tồn tại được đến năm năm, đã có thể xem như nó có khả năng thoát được cái nạn “ôxy hóa”.

Những bài thơ của Đinh Quang Tốn trong tập sách này đã được viết cách đây không phải năm năm, mà mười năm, thậm chí hai, ba mươi năm rồi. Thơ viết ở thời bao cấp, trong chiến trường ngổn ngang bom đạn, giờ chúng ta đọc trong hòa bình, trong một không khí khác, vậy mà vẫn không thấy có gì lạc lõng, ấu trĩ. Thôi thế cũng đã đủ để chúng ta mừng cho anh rồi.

Tất nhiên, không phải bài nào trong tập sách này cũng đều giàu chất thơ. Nhưng ngay cả những bài không đậm chất thơ cũng cho ta một cái nhìn tương đối đầy đủ về Đinh Quang Tốn. Anh là người khiêm nhường, dung dị. Thơ anh cũng như con người anh. Có lẽ sâu nặng nhất trong Đinh Quang Tốn vẫn là những kỷ niệm chiến trường. Những buổi hành quân, gặp sắc hoa xương rồng, hay nhánh phong lan giữa lưng vách đá. Rồi những lúc nhớ con. Cái khoảnh khắc bàng hoàng khi mất người chị thân thiết v.v… Những lúc như thế, Đinh Quang Tốn không có ý định làm một thi sĩ. Nhưng rồi thơ lại tìm đến với anh, tự ứa ra đầu ngọn bút mà thành. Người đọc chỉ gặp một tấm lòng, không còn thấy câu chữ đâu nữa. Thơ đích thực bao giờ cũng thế.

Mừng cho anh

.
.
.