Đoàn kịch CAND ra mắt vở “Đông Du”: Sâu nghĩa nặng tình

Thứ Ba, 22/04/2014, 10:56
Thú thật, khi nghe tin Đoàn kịch nói CAND ra mắt vở “Đông Du” (kịch bản: Bùi Minh Vũ, đạo diễn: NSND Lê Hùng), tôi chỉ nghĩ đó là một vở diễn mang tính hữu nghị, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật. Nhưng rồi, tôi đã bất ngờ được thưởng thức một câu chuyện vô cùng cảm động, đến mức, vở diễn kết thúc, mà dư âm vẫn còn lắng lại…

Câu chuyện kể về tình bạn đặc biệt giữa người chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam, người khởi đầu cho phong trào Đông Du, với bác sĩ Asaba Sakitaro của Nhật Bản. 100 năm trước, khi Phan Bội Châu  sang Nhật Bản tìm đường cải cách đất nước, chống giặc ngoại xâm, ông đã gặp bác sỹ Asaba Sakitaro. Hai người với hai ngôn ngữ khác nhau, từ hai nền văn hóa khác nhau nhưng đã gắn bó và có một tình bạn đặc biệt. Hiểu được chí hướng của Phan Bội Châu, bác sĩ Asaba Sakitaro đã hết lòng ủng hộ phong trào Đông Du về mọi mặt. Khi phong trào lâm vào cảnh khó khăn, bác sĩ Asaba Sakitaro đã trao cho Phan Bội Châu toàn bộ số tiền mà ông dành dụm trong nhiều năm, để chữa bệnh. Lúc này, số tiền chính là mạng sống của ông. Nhiều năm sau, khi Phan Bội Châu quay lại Nhật, thì bác sĩ Asaba Sakitaro không còn nữa. Đau xót vô ngần, Phan Bội Châu đã “khắc nỗi cảm hoài vào đá". Tại Nhật Bản, hiện nay, vẫn còn tấm bia đá minh chứng cho tình bạn chân thành của Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro, với những lời ơn nghĩa: “Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu đến chốn Phù Tang. Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy. Chí tôi chưa thành mà ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này ngàn thu ghi tạc”.

Đây có thể được coi là một vở diễn thành công của đạo diễn Lê Hùng. Có vẻ như vở diễn được Lê Hùng chăm chút, nâng niu, nhằm đạt tính chân thật tối đa. Cảnh xiềng xích, tù tội mở màn khá ấn tượng, tiếp nối là cảnh ly tán của gia đình Phan Bội Châu đầy cảm động, đã dẫn dắt câu chuyện hợp lý, hợp tình vào mạch chính. Không nhiều đạo cụ, nhưng cảnh nước Nhật hiện lên thật rõ nét. Tôi thích tấm vải trắng phủ lên toàn bộ sân khấu, một chi tiết đơn giản, và không tốn kém, nhưng lại hiệu quả khi phản ánh được khung cảnh xứ tuyết. Hay cách giới thiệu vở diễn khá thú vị qua cảnh Phan Bội Châu viết chữ lên chiếc quạt và các sĩ phu Nhật cùng kêu "Đông Du". Đạo diễn cũng chỉn chu từ trang phục, đến giọng nói đặc trưng xứ Nghệ của Phan Bội Châu, để người xem chỉ nghe âm giọng, vẫn biết được xuất xứ.

Cảnh trong vở diễn “Đông Du”.

Mọi người đã được nghe về phong trào “Đông Du” - viên gạch đầu tiên lát trên con đường mà Phan Bội Châu đi tìm đường cứu nước. Nhưng có lẽ, phải đến vở diễn này, nhiều người mới hiểu thêm về phong trào cùng những khó khăn, hy sinh vất vả của Phan Bội Châu và những thanh niên Đông Du ngày ấy. Câu hỏi “Nhật có 3000 hòn đảo mà sao mấy nghìn năm qua vẫn như 1 ngày?”, hay lời chia sẻ “Không dân tộc nào cực khổ như nước chúng tôi” cứ day dứt, để những thanh niên ưu tú như Trần Đông Phong, Cường Để, Lương Hoài Nham… quyết dứt áo ra đi “mở tầm mắt nhìn ra thế giới với phong trào Duy Tân”. Để rồi, họ trở thành những kẻ luôn thèm một bầu không khí gia đình ấm áp, trong nỗi nhớ quê hương dằng dặc, lại phải chịu bao đói rét nơi đất khách quê người, phải đi thổi sáo và làm thuê để kiếm sống. Nhưng họ vẫn tin vào con đường đã chọn. Chính vì hiểu rõ “Đó là người hy sinh vì dân vì nước” “chỉ ra được sự mục nát của chế độ hiện thời”, bác sĩ Asaba Sakitaro đã hết lòng vì Phan Bội Châu. Việc Phan Bội Châu trở lại Nhật và đeo khăn tang vào viếng mộ bác sĩ Asaba Sakitaro, là ân tình sâu nặng của những con người thủy chung như nhất.

NSƯT Nguyễn Hải đã khắc họa thành công nhân vật bác sĩ Asaba Sakitaro ở những trạng huống khác nhau bằng chiều sâu tâm lý, bằng từng cử chỉ, ánh mắt, đặc biệt để lại tình cảm sâu lắng ở cảnh bác sĩ Asaba Sakitaro cố giấu đi bệnh tật, mà trao toàn bộ số tiền chữa bệnh cho Phan Bội Châu. Lưu Huyền Trang cũng vào vai nữ y tá Noriko khá nhuần nhuyễn. Với bàn tay của đạo diễn Lê Hùng, Huyền Trang đã có cảnh Korico kéo xác Đông Phong rất đặc sắc, thể hiện được nỗi đau đột ngột mất người yêu dấu, cũng là tình yêu không có biên giới giữa một cô gái Nhật và chàng trai Việt. Giữ một vai diễn nặng ký xuyên suốt, Đặng Hòa đã thể hiện được tâm lý nhân vật Phan Bội Châu khá tinh tế qua từng lớp diễn. Xuất hiện không nhiều, nhưng NSƯT Thúy Hiền, tân Phó Trưởng Đoàn kịch CAND vẫn khẳng định được diễn xuất của mình. Hồng Tuấn, Hồng Quân, Việt Tùng, Hồ Phong đều có những vai diễn xứng đáng, góp phần cho “Đông Du” đến với khán giả thật nhiều cảm xúc. Các nghệ sĩ đã thành công khi mang đến một câu chuyện lay động lòng người với thông điệp lớn lao: “Nhân loại sở dĩ sinh tồn được là do lòng tương thân, tương ái…”. Không chỉ là tình bạn chân thành, thủy chung sâu sắc giữa 2 người bạn, “Đông Du” còn đề cập tới những vấn đề về văn hóa, về tình yêu nước và nhất là, tình hữu nghị giữa những người dân Nhật và Việt đã có truyền thống từ hàng trăm năm trước.

Thật không dễ gì để có được một tác phẩm vừa đạt yêu cầu giao lưu văn hóa, lại vừa cảm động đến thế. Để làm nên điều này, là sự cộng hưởng chung trong nỗ lực lao động nghệ thuật của đạo diễn, của từng diễn viên và đã khẳng định thương hiệu đoàn kịch của lực lượng Công an với những vở diễn luôn mang dấu ấn riêng.

Đêm Đoàn kịch nói CAND ra mắt vở “Đông Du” tại Nhà hát Lớn, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo TW; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên, ngài Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật tại Việt Nam, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến dự.

“Đông Du” là công trình giao lưu văn hóa, do ngài Norio Hattori - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, làm Trưởng BTC. Dự kiến, cuối năm 2014, các nghệ sĩ của Đoàn Kịch CAND sẽ mang “Đông Du” sang Nhật biểu diễn.

Thanh Hằng
.
.
.