Câu chuyện ngày chủ nhật:

Dọa dẫm, nắn gân rồi… nhường nhịn?

Chủ Nhật, 27/10/2013, 09:53
Lẽ ra chúng tôi đã tuyệt nhiên im tiếng trước vụ cầu thủ Chí Công kiện CLB Bình Dương và phía Bình Dương dọa kiện ngược trở lại quanh chuyện tiền nong, hợp đồng. Lý do: Những chuyện thế này diễn ra nhan nhản. Và cả phía Chí Công lẫn phía Bình Dương đều không vừa trong việc “bắn tin”, “hợp tác” với những kênh thông tin thân thiết với mình. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại chúng tôi thấy vẫn cần thiết phải đề cập đến một khía cạnh trong câu chuyện này, vì nó là khía cạnh điển hình, nhức nhối trong đời sống bóng đá của chúng ta nhiều năm qua: Phía sau bản hợp đồng và những tuyên bố kiện tụng là những góc khuất gì?

Tóm tắt câu chuyện thế này: Năm 2011, Bình Dương ký với Chí Công một bản hợp đồng 3 năm với giá lót tay lên đến 9 tỷ đồng, và hạn cuối thanh toán số tiền này là tháng 2 năm 2012. Đến lúc này, Chí Công đã nhận của Bình Dương 7 tỷ/9 tỷ đồng, nhưng Bình Dương lại quyết định thanh lý hợp đồng với Chí Công và đòi anh trả lại 500 triệu đồng – là một nửa số tiền đã nhận cho mùa bóng cuối 2014. Thế là hai bên dọa kiện tụng tùm lum. Chí Công cùng các luật sư của mình kiên quyết đòi CLB trả số tiền lót tay còn thiếu, trong khi CLB thì dựa vào việc “Chí Công vi phạm quy chế đội bóng trong sinh hoạt và thi đấu” nên dọa kiện ngược trở lại và coi đó như “án điểm” cho các cầu thủ trong đội nhìn vào.

Có vô số những câu hỏi được đặt ra trong vụ việc này: thời hạn nhận tiền lần cuối của Chí Công là tháng 2 năm 2012, vậy thì tại sao đến bây giờ, tháng 10 năm 2013 anh mới “phun” ra chuyện mình bị nợ, rồi mới nhờ luật sư đòi lại công bằng? Rồi tại sao số tiền mà Chí Công thực nhận (7 tỷ đồng) lại vênh so với con số mà hai bên đã thanh toán theo hợp đồng (6,8 tỷ đồng)? Liệu có cần tới sự phân giải của tòa án thì những câu hỏi mang trong nó rất nhiều góc khuất, những sự mờ ám của một nền bóng đá chuyên nghiệp (mà thực chất là “nghiệp dư lĩnh lương cao”) mới được giải đáp thỏa đáng hay không?

Bình Dương là một trong những đội bóng “khó hiểu” mà… dễ hiểu ở trận đồ V.League đương thời. Ảnh: H.M .

Những người hiểu Bình Dương và hiểu nội tình vụ việc nhận xét rằng đây là giai đoạn mà cả hai bên đều đang “nắn gân” nhau. Và thực tế thì đòn “nắn gân” không chỉ dừng lại ở việc dọa dẫm đem nhau ra tòa mà còn nằm ở những tuyên bố quanh chuyện sẽ cho “nổ bom”, giúp dư luận nhìn rõ những góc khuất của đối phương. Chẳng hạn như phía Bình Dương cho biết sẽ không ngại công bố những sự thật phía sau vụ Chí Công bị chém cách đây vài mùa – cái vụ mà khi ấy người ta lý giải “cậu ta bị chém nhầm”, nhưng sự thật thì không ai tin như vậy. Ngược lại, phía Chí Công và cả một số cầu thủ cùng hội cùng thuyền với Chí Công dọa sẽ tung hê về những dích dắc phức tạp, liên quan tới nhiều lãnh đội phía sau những bản hợp đồng tiền tỷ.

Chứng kiến những đòn nắn gân dọa dẫm này không thể không nhớ đến những chuyện “cười ra nước mắt” thời bóng đá bao cấp ngày xưa, khi một đội bóng phía Bắc muốn xử một thủ môn nọ vì tình nghi “bán độ”, nhưng chàng thủ môn hiên ngang tung đòn: “Nếu xử tôi, tôi sẽ tung hê mọi thâm cung bí sử của đội nhà cho báo chí”, và thế là sau đó mọi thứ diễn biến theo chiều hướng… hòa cả làng. Chuyện thời sự giữa Bình Dương với Chí Công mới đây liệu có “hòa cả làng” hay không thì còn hậu xét, nhưng những người hiểu vụ việc vẫn khẳng định rằng kiểu gì cũng có một bên nhún nhường trước giờ… nổ súng, và bên kia cũng sẽ dễ dàng chấp nhận.

Phải như thế không hẳn vì cả hai bên sợ động chạm đến những điều khoản được qui định bằng giấy trắng mực đen trong bản hợp đồng, mà sợ những phần chìm của mình bị tung hê.

Bóng đá Việt Nam cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ 21 này vẫn góc tối như thế đấy! Và người ta tin rằng những góc tối ấy không chỉ diễn ra ở riêng một, hai CLB, mà đồng loạt diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ.

Thế thì bao giờ chúng ta mới thực sự đạt đến chữ “chuyên” như những gì chúng ta hô hào trong suốt 13 năm chuyên nghiệp đã qua?

Giật mình với 9 tỷ đồng của Chí Công

Khi những tranh cãi giữa Chí Công với Bình Dương bùng nổ, và con số 9 tỷ đồng lót tay cho 3 năm hợp đồng của Chí Công được tung ra thì nhiều người không tránh khỏi cảm giác giật mình. Lý do là bởi một cầu thủ có trình độ chuyên môn ở mức bình bình, lại thường xuyên khiến lãnh đội “thót tim” với những sinh hoạt ngoài sân bóng như Chí Công mà được định giá tới 9 tỷ đồng thì khủng quá. Tuy nhiên, những ai hiểu chuyện mua, bán, định giá cầu thủ ở Bình Dương và những đội bóng kiểu Bình Dương lại không giật mình với con số ấy.

Bởi thực tế thì ở Việt Nam, các  cầu thủ không hoàn toàn sở hữu từ A đến Z tiền lót tay mà nó thường được phân chia một cách hợp lý để “lại quả” cho lãnh đội, cho HLV, cho “cò” và thi thoảng là cho cả những kênh thông tin thân thiết. Chính vì thế mà có nhiều đội bóng cứ sau một mùa giải là lại thay đổi mua bán cả lô cầu thủ mà khi nhìn vào ai cũng hiểu những sự thay đổi mua bán đó không hoàn toàn phục vụ… công tác chuyên môn.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.