Định hướng thẩm mỹ trong cộng đồng nhạc trực tuyến: Những khoảng trống khó lấp đầy

Chủ Nhật, 24/11/2013, 13:31
Sau thời thịnh hành của băng cát - sét, đĩa CD, xu hướng phát hành sản phẩm âm nhạc trên mạng internet đang trở nên thịnh hành. Thế nhưng, bên cạnh sự tiện lợi thì việc hỗ trợ người sử dụng lựa chọn thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa giữa một kho chứa khổng lồ có đủ sản phẩm “thượng vàng hạ cám” vẫn còn là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức.
>> RIAV lại bức xúc vì tài sản bị “xài chùa”

Nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Đức Trí chia sẻ rằng, hiện nay, ít có ca sĩ nào tung ra một sản phẩm âm nhạc, ra đĩa mà lại không chọn kênh phát hành trực tuyến. Thực tế, hình thức phát hành này đã, đang trở thành xu thế thịnh hành và cộng đồng mạng trở thành đích nhắm đến tất yếu của người sản xuất giữa thời băng đĩa lậu lộng hành.

Không thể phủ nhận những tiện lợi từ nhạc trực tuyến dành cho người sử dụng lẫn các ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Nhưng, ngay giám đốc nhóm sản phẩm giải trí Zing, Phan Lê Mạnh cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh sự tiện lợi thì sự phong phú từ kho nhạc trực tuyến có khi lại gây lúng túng cho người sử dụng trong việc chọn gì để nghe, nghe gì cho phù hợp. 4 năm nay, giải thưởng âm nhạc trực tuyến Zing Music Award được tổ chức, duy trì hàng năm. Trong rất nhiều mục tiêu được kỳ vọng: cung cấp bức tranh về thị hiếu của cộng đồng âm nhạc trực tuyến giúp nghệ sĩ chinh phục thị trường này, tôn vinh tác phẩm, tôn vinh nghệ sĩ..., giải thưởng cũng được kỳ vọng là sẽ góp phần định hướng thẩm mĩ trong cộng đồng âm nhạc trực tuyến.

Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, Zing Music Award vẫn là giải thưởng âm nhạc đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chỉ tập trung vào cộng đồng âm nhạc trực tuyến. Được tổ chức với tuyên bố là hướng đến nhiều mục đích tích cực nhưng đến mùa giải thứ 4, giải thưởng vẫn không phải không còn những điểm lấn cấn. Việc bình chọn là dành cho cộng đồng nhạc trực tuyến, nghĩa là bao gồm cả người sử dụng máy vi tính cho đến điện thoại kết nối mạng nhưng để hạn chế việc sử dụng công nghệ tác động lên kết quả bình chọn, ban tổ chức vô tình thu hẹp đối tượng và dành quyền bình chọn cho... người giàu khi gói gọn hoạt động bình chọn cho người sử dụng điện thoại smartphone. Khi kết quả bình chọn không phù hợp với tiêu chí ban đầu đặt ra của giải thưởng: nghệ sĩ của năm không có scandal tai tiếng..., ban tổ chức không quyết liệt và dũng cảm gạt bỏ mà bị động trông chờ vào những người được ủy thác cầm trong tay lá phiếu bầu chọn cuối cùng...

Nhưng, cũng còn một thực tế khác nữa là dù ban tổ chức Zing Music Awards có hoàn thành thật tốt vai trò của mình thì hoạt động định hướng thẩm mỹ trong cộng đồng âm nhạc trực tuyến vẫn chỉ tạo nên cơn sóng trong năm. Việc lựa chọn, tiếp cận tác phẩm âm nhạc có giá trị làm phong phú đời sống tinh thần, bồi đắp tốt đẹp cho tâm hồn con người phải được bắt đầu bằng “vốn liếng” văn hóa của mỗi người. Tuy nhiên, đây lại là cả một câu chuyện dài về giáo dục con người và giải thưởng, dù rất cần thiết song chỉ góp phần đánh động và giải quyết được phần ngọn của vấn đề

Ngọc Nguyễn
.
.
.