Diễn viên chèo Phương Mây: Yêu nghề, nghề chẳng phụ

Chủ Nhật, 20/09/2009, 11:22
Phương Mây đến với nghệ thuật chèo từ những ngày thơ bé và cho đến nay chị đã gặt hái được nhiều giải thưởng như: Giải nhất toàn tỉnh Hưng Yên giọng hát hay trên sóng phát thanh, Huy Chương vàng Hội diễn hát dân ca năm 2002, giải C Hội diễn tài năng trẻ toàn quốc năm 2007…

Ở tuổi 32 chị đã ghi dấu ấn trong lòng những người yêu nghệ thuật chèo với những vai đào chính như Cúc Hoa trong vở "Phạm Công, Cúc Hoa", Tấm trong vở "Tấm Cám", Thị Kính trong vở "Quan âm Thị Kính", Châu Long trong vở "Lưu Bình, Dương Lễ", My Tiêu trong vở "Chuyện tình Ca Tum và My Tiêu", trích đoạn Thị Nở trong vở "Chí Phèo"… 

- Là một người trẻ tuổi, nhưng nhắc đến Phương Mây thì trong "làng chèo" không ít người biết đến. Con đường dẫn chị đến với môn nghệ thuật truyền thống này có gì đặc biệt không?

- Tôi thấm đẫm những làn điệu chèo cổ từ khi còn là một đứa trẻ được bế ẵm trên tay theo bố mẹ đến từng chiếu chèo ở làng… Hồi đó, bố tôi là trưởng gánh hát chèo của xã, mẹ tôi là diễn viên hát chèo nên ngày đó, đi đâu, bố mẹ tôi cũng thường mang tôi theo. Tôi vẫn còn nhớ, khi tôi bắt đầu biết nói, biết hát, thì điệu hát đầu tiên không phải là những bài hát của trẻ con mà là những điệu chèo như một bản năng đã ngấm vào tâm hồn tôi. Năm 16 tuổi, tôi đã thi vào Trường Trung cấp nghệ thuật Hải Phòng với quyết tâm học để trở thành một diễn viên chèo chuyên nghiệp

Tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niềm hồi tôi thi vào trường. Tuy biết hát chèo đã lâu nhưng từ trước tôi chỉ hát theo kiểu truyền khẩu từ bố mẹ mà chưa được học qua một trường lớp nào. Trong lúc đó, thi vào trường người ta đòi hỏi hát phải có nhịp phách bài bản. Bố mẹ tôi đã dẫn tôi vào học thêm ở nhà cô Thúy Mơ. Kỳ thực thì lúc đó tôi mới vỡ vạc ra nhiều điều và nhận thấy, để hát chèo hay không phải dễ. Suốt những năm học ở trường, tôi đã thực sự dày công rèn luyện để khi tốt nghiệp ra trường, mình sẽ có căn bản. Cũng vì chịu khó rèn luyện nên khi học năm thứ 3 tôi đã đi thi Hội diễn chèo của Đoàn thanh niên tỉnh Hải Hưng và được Huy chương bạc.

Tôi còn nhớ bố mẹ tôi đã vui sướng thế nào khi tôi cầm tấm huy chương về khoe với các cụ. Giải thưởng đầu tiên đó cũng đã giúp tôi khi ra trường đã xin về làm việc tại Đoàn chèo Hưng Yên (nay là Nhà hát chèo Hưng Yên) và là người trẻ nhất trong Đoàn hồi đó. Tôi nghĩ, ngoài sự rèn luyện thì tôi rất may mắn vì ngay khi ra trường đã có một môi trường chuyên nghiệp cho mình hoạt động nghệ thuật.

- Nhưng rồi, chị đã muốn thử sức ở một môi trường rộng lớn hơn khi quyết định về đầu quân cho Đoàn chèo Hà Nội?

- Kỳ thực mà nói, những ngày làm việc ở Nhà hát chèo của tỉnh Hưng Yên đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề. Nhưng, tôi vẫn muốn thử sức ở những lãnh địa khác nhau nên tôi đã thi tuyển vào Nhà hát chèo Hà Nội, như là cách để mình thích nghi và phấn đấu và phát huy khả năng cho nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi. Tôi nghĩ ở đâu cũng không phải là điều quan trọng, mà cái chính là tôi muốn được học hỏi và truyền bá được rộng rãi nghệ thuật chèo đến với mọi người.

- Thành công với những vai đào chính có bao giờ chị có ý định sẽ vào một vai đào lệch để tiếp tục thử sức?

- Có lẽ khuôn mặt và tính cách tôi hợp với những vai đào chính nên từ trước tới nay tôi chỉ luôn vào những vai chính diện. Tôi nghĩ cũng khó để thay đổi vì diễn chèo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như, ngoại hình, cử chỉ, giọng hát… các đạo diễn thường chọn "gu" phù hợp để vào những vai đó. Bản thân tôi cũng cảm thấy hài lòng và tự tin khi vào những vai đào chính hơn là những vai đào lệch. Và trên thực tế để diễn những vai đào chính tôi phải "hy sinh" như: không được làm tóc xoăn, tóc không được nhuộm. Thậm chí vừa rồi, để vào vai My Tiêu trong vở "Chuyện tình Ca Tum và My Tiêu" thì tôi đã phải đi nối tóc cho dài thêm để phù hợp với kịch bản.

- Thực tế là hiện nay có quá nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn hơn nên khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống nữa, trong đó chèo không phải là một ngoại lệ. Có bao giờ diễn trên sân khấu với lác đác vài khán giả ở dưới, chị cảm thấy chạnh lòng  và có ý nghĩ sẽ… bỏ nghề?

- Có lúc tôi thấy buồn vì càng ngày khán giả càng xa rời nghệ thuật truyền thống chứ chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc bỏ nghề cả. Đôi khi, để tăng thêm thu nhập, tôi đi hát ca mới và chèo cải biên ở một vài nơi, nhưng khi cảm thấy sa đà quá có thể "mất gốc" chèo cổ, tôi đã phải dừng lại để không mất căn bản. Nói gì thì nói, chèo cổ đã ngấm vào máu tôi rồi, nghề hát chèo tựa như con tằm rút ruột nhả tơ, không dễ gì từ bỏ được. Tuy nhiên, cổ nhân vẫn thường nói rằng "yêu nghề nghề chẳng phụ" nên tôi tin rằng đến một lúc nào đó, khán giả đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ quay trở lại sân khấu chèo. Giờ đây, niềm an ủi lớn đối với tôi là vào tối thứ 6 hàng tuần, khi Nhà hát chèo Hà Nội đỏ đèn thì vẫn có nhiều khán giả quen thuộc đến rạp. Và cho dù chỉ có vài người xem ở dưới, chúng tôi chắc chắn vẫn sẽ diễn hết mình.

- Vâng, xin cảm ơn chị!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.