Điện ảnh Việt Nam đương đại: Thấy bệnh nhưng chưa tìm ra thuốc đắng

Thứ Ba, 04/03/2008, 15:52
Nhân vật giả tạo, không có tính thuyết phục, chưa đi vào thân phận con người, thân phận văn hóa, phim truyện hoặc là còn khó hiểu hoặc là hời hợt, đơn điệu một chiều, chủ thể sáng tác thiếu quyết đoán, còn e dè trong sáng tạo nghệ thuật, đội ngũ phê bình yếu…

Thêm một lần nữa, hàng loạt các căn bệnh thâm căn cố đế của điện ảnh Việt Nam được giới lý luận phê bình, người làm nghề và báo chí đem ra mổ xẻ trong buổi tọa đàm về điện ảnh nước nhà sáng ngày 3/3 tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp tổ chức giải thưởng điện ảnh Cánh Diều 2007.

Tuy nhiên, làm thế nào để có những bộ phim hay, giàu ý nghĩa và thu hút được khán giả vẫn còn là khoảng trống bị bỏ ngỏ.

Điện ảnh Việt Nam nhìn đâu cũng… yếu?

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Trần Luân Kim khẳng định vấn đề lý luận trong sáng tác hiện nay rất cấp bách, cần thiết nhưng công tác lý luận phê bình ở nước ta chưa làm tốt, còn bị buông xuôi nên thiếu cơ sở trong sáng tác.

Gay gắt hơn, nhà báo Đoàn Minh Tuấn còn điểm qua hàng loạt nhược điểm của phim Việt Nam: Người nước ngoài, thậm chí là cả người trong nghề với nhau vẫn cảm thấy khó hiểu, không có cấu trúc phim, thiếu những bước ngoặt bất ngờ.

Nhân vật có tính quyết định cho sự hấp dẫn của một bộ phim nhưng lại thường đơn điệu một chiều, không có sự vận động, phát triển tính cách, tốt thì cực tốt còn đã xấu là xấu 100%, mang tính minh họa cho cốt truyện nhiều hơn là vận động tự thân. Cách kể chuyện yếu khiến phim thiếu những bước ngoặt bất ngờ, vừa mới xem khán giả đã đoán được hành động nhân vật, diễn biến cốt truyện…

Riêng tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái thì cực lực phản đối tính nửa vời của phim Việt. Chị cho rằng không nhất thiết phim phải có vấn đề mới hay, mới hấp dẫn nhưng nhân vật thì buộc phải có sức sống, có tác động được người xem. Sở dĩ các ngôi sao điện ảnh thế giới được yêu mến vì họ thể hiện nhân vật, để nhân vật sống mãi trong lòng khán giả.

Trong khi đó, mỗi bộ phim Việt Nam hiện nay hầu như không để lại ấn tượng gì cho người xem, thậm chí còn gây sự khó chịu và chán ghét vì nhân vật giả tạo, nửa đời nửa đoạn. Có quá nhiều mảng miếng được tung rồi để đấy, thiếu xử lý, nhân vật không khiến người xem cảm thấy "đã" về mặt thẩm mỹ nên cứ thế mà rơi tuột khỏi trí nhớ khán giả…

Có phần ít bi quan hơn nhiều ý kiến khác, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng tác phẩm điện ảnh phải xuất phát từ văn học, có tính văn học dù tính văn học trong tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn khác tính văn học trong điện ảnh. Nếu một bộ phim không xuất phát từ văn học thì cũng giống như một con người không có tâm hồn. Tuy nhiên, phim muốn hay thì giữa đạo diễn và người viết kịch bản phải có sự đồng cảm.

Vừa sáng tạo vừa sợ

Theo đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, nhân vật không nhất thiết phải là những biểu tượng của thời đại nhưng phải gắn với thân phận con người, thân phận văn hóa với những day dứt rất đời thường… Nhân vật phải được đặt ở trong những bối cảnh xã hội nhất định. Điện ảnh càng không được nói sai sự thật nhưng quá câu nệ sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của người sáng tác.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh thừa nhận: Tri thức lịch sử là một phần tri thức xã hội nhưng bối cảnh lịch sử, sự kiện lịch sử hiện nay còn bị lạm dụng, chi phối áp đặt khá nhiều trong sáng tạo nghệ thuật, hạn chế sáng tạo nghệ thuật.

Một phần là do nhà quản lý nhưng ngay chính người sáng tác vẫn chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi sai lệch lịch sử… Đó cũng là một trong số những nguyên nhân khiến chúng ta không có những bộ phim cổ trang, phim dã sử hay, làm đẹp thêm lịch sử nước nhà như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trừ phim tài liệu, đã đến lúc các nhà sử học chỉ nên xuất hiện với vai trò tư vấn trang phục, biên kịch. Người làm nghệ thuật chịu khó tiếp cận lịch sử sẽ tự đảm đương được hoàn toàn tác phẩm, tự do sáng tạo phương pháp diễn đạt, miễn là không được xuyên tạc lịch sử và sáng tạo phải dựa trên nguyên tắc "làm đẹp thêm cho tổ tiên"…

N.Hoa
.
.
.