Điện ảnh Việt Nam đang thoát vòng tụt hậu

Chủ Nhật, 25/07/2010, 11:20
Từng có nhiều phim giành các giải thưởng quốc tế, nhưng giờ đây, điện ảnh Việt Nam đang ở bước thụt lùi. Mỗi năm, vẫn có những khoản kinh phí khổng lồ được rót cho việc làm phim, nhưng số phim để khán giả nhớ đến là quá ít. Không chỉ chất lượng, mà số lượng phim cũng không đáp ứng yêu cầu.

Hầu hết các nghệ sĩ mà chúng tôi có dịp trao đổi đều có chung nhận định: Điện ảnh Việt Nam đang tụt hậu. Tụt hậu so với các nước trong khu vực và tụt hậu với chính mình. 5 năm trôi qua mà số phim truyện nhựa vẫn giữ nguyên, đã cho thấy sự giậm chân tại chỗ của môn nghệ thuật này. Số lượng phim truyện truyền hình có tăng, nhưng đó lại không phải là gương mặt đại diện của môn nghệ thuật thứ bảy. Đáng lo ngại hơn cả là chất lượng của điện ảnh Việt Nam khi tính nghiệp dư đang có chiều lấn át. Con số hơn 70% người làm điện ảnh không được đào tạo chuyên ngành đã giải thích phần nào thực trạng này.

Một cách công bằng, những năm qua, chúng ta đã có một số phim chứa đựng những vấn đề thời cuộc, hay đi sâu vào số phận con người và đưa ra được những vấn đề nhân sinh, những luận đề được mọi người quan tâm, với cách thể hiện khá sắc sảo, có dấu ấn. Tạo được phong cách riêng, một số phim đã giành được giải thưởng trong và ngoài nước. Song, đáng tiếc, dòng phim này lại không được khán giả đón nhận, bởi nhiều phim thể hiện cầu kỳ mà tối nghĩa, thiếu sức hấp dẫn, không hợp tư duy thông thường, khiến người xem khó cảm nhận.

Các nghệ sĩ tên tuổi của làng điện ảnh Việt Nam.

Vẫn chiếm lượng không nhỏ là các phim được làm vội vã, bộc lộ sự hời hợt, đặc biệt là tư duy không theo kịp cuộc sống. Nhiều phim nặng về hình thức bên ngoài, chạy theo cái đẹp phù phiếm hoặc thị hiếu tầm thường, nên không có giá trị. Xa rời thực tiễn, lại thiếu sức sáng tạo của nghệ thuật, dẫn đến sự giả tạo trong phim. Khi tiếng nói của nghệ thuật không cất lên từ trái tim thì làm sao có sự rung động để thuyết phục được khán giả, nhất là giờ đây, công chúng có trình độ thưởng thức rất cao?

Ở mảng phim truyền hình có sự tăng mạnh về số lượng, nhưng cũng đi liền với cách làm phim vội vã, cẩu thả. Dễ dàng bắt gặp ở nhiều phim việc khai thác đơn giản, sơ sài, hay đi vào những đề tài, chủ đề xa rời đời sống, coi trọng yếu tố giải trí đơn thuần hơn là định hướng, gửi gắm một thông điệp có sức nặng nào đó cho giới trẻ. "Công nghệ kéo giãn" từ kịch bản gốc cô đọng vài ba tập thành nhiều chục tập, để đáp ứng yêu cầu về số lượng của nhà sản xuất diễn ra rất nhiều, khiến khán giả kêu trời vì sự nhàm chán, đến chính người trong giới còn kinh khiếp đặt cho tên gọi "công nghệ phanh thây kịch bản". Vì sao lại có tình trạng này và làm cách nào để điện ảnh Việt Nam thoát khỏi sự lúng túng lúc này, là nội dung mà nhiều nghệ sĩ điện ảnh trao đổi với chúng tôi.

NSND Thế Anh: Phải đào tạo diễn viên chuyên nghiệp, tài năng

NSND Thế Anh và NSND Hải Ninh.

Gần đây, có nhiều ý kiến về nền điện ảnh Việt Nam đang tụt xuống điểm không thể thấp hơn. Theo tôi, nguyên nhân chính là do diễn xuất của diễn viên tay ngang, khiến người xem mất hẳn thú vui được thưởng thức tài nghệ của diễn viên khi diễn xuất của diễn viên quá dở, đến mức nói ngọng cả trong phim: lời thoại "trẫm rất hiểu nỗi lòng của nàng" thì phát âm thành "trẫm rất hiểu lỗi nòng của làng". Thợ diễn ngây ngô chỉ làm khán giả thầm buông một tiếng thở dài.

Đáng lo thay những diễn viên trẻ ngày nay chưa qua trường lớp đào tạo, chưa rèn giũa nghề nghiệp đã vội đứng trước ống kính múa may, tránh sao khỏi tự biến mình thành con rối vụng về trong tay đạo diễn? Căn bệnh trầm kha của những diễn viên này là diễn xuất giả. Diễn xuất giả đẻ ra sản phẩm giả mà khán giả là người lãnh đủ, vì tác hại âm thầm là sự xuống cấp của thị hiếu… Muốn có nghệ thuật cao, tầm tư tưởng lớn theo kịp thời đại, không còn cách nào khác là Nhà nước phải đầu tư lớn cho công tác đào tạo điện ảnh. Đó là đầu tư chiều sâu, có khi 5-10 năm sau mới thấy được hiệu quả.

Điện ảnh khác nghề thủ công ở chỗ, sản phẩm của trò phải khác thầy, phải sáng tạo những cái khác thầy. Điện ảnh chỉ có tài năng, người thầy trao cho trò phương pháp sáng tạo chứ không thể tạo ra tài năng nếu trò không có năng khiếu. Đào tạo nhân tài cũng phải hết sức kiên nhẫn và kiên trì như con ong đi làm mật.

NSND Hải Ninh: Thiếu tính chuyên nghiệp

Cái mà điện ảnh chúng ta thiếu hiện nay là tính chuyên nghiệp. Để khắc phục điều này, cần có chiến lược văn hóa của Nhà nước với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư có chiều sâu cho công tác đào tạo vừa toàn diện, vừa chính qui, bài bản. Diễn viên phải có trình độ đại học, vì tài năng chỉ là cái ban đầu, còn kiến thức mới là đôi cánh bay đến tận cùng. Muốn có kịch bản hay, đòi hỏi phải có chiến lược văn hóa của Nhà nước, phải đề ra những tiêu chí để người ta phấn đấu và đạt được, chứ hiện nay đang thả nổi cho các hãng, các xưởng, nên họ cần thì món gì họ cũng ăn. Đạo diễn cũng cần được học hành ở trong và ngoài nước, để được cọ xát và học hỏi kinh nghiệm.

NSND Đoàn Dũng: Cần tầm nhìn xa để đào tạo

NSND Đoàn Dũng.

Điện ảnh của chúng ta còn ngủ yên, chấp nhận sự xâm nhập của điện ảnh các nước. Thật đau xót khi trên các kênh truyền hình của ta, phim cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc đầy ắp, để lớp trẻ Việt Nam đắm chìm trong đó, rồi chịu ảnh hưởng của kiếm hiệp nên đã gây ra nhiều vụ đâm - cướp - giết - hiếp. Người ta cứ nói định hướng điện ảnh nhưng thực tế là buông lơi. Trong khi thể thao được dồn bao công sức, để đào tạo, để thi đấu, thì ở sân khấu, điện ảnh gần như trống vắng. Khi tổ chức Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc phải mời thầy nước ngoài trước hàng chục năm, còn Việt Nam 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nơi rồi vẫn chưa có phim cho ngày Đại lễ. Cần có tầm nhìn xa để đào tạo, chấp nhận mất 10-20 năm để có đội ngũ chân truyền giỏi nghề, tài năng, tâm huyết. Bên cạnh đó, phải thông thoáng trong nhìn nhận, đánh giá tác phẩm, tránh bó hẹp, thành kiến.

Nhà phê bình Ngô Phương Lan: Không nên bi quan

Điện ảnh Việt Nam hiện nay, nếu đòi hỏi có đỉnh cao thì rất khó, nhưng phủ nhận hết thì cũng không phải. Có điều chắc chắn là so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, điện ảnh Việt Nam có vẻ tụt hậu. 10 năm qua, điện ảnh Thái Lan tiến rất nhanh, còn bước đi của Việt Nam không có gì rõ rệt. Ngay như Iran, Singapore vốn không có một nền điện ảnh, khi may ra mỗi năm chỉ có 1 phim, nhưng giờ đây họ đã chứng tỏ họ phát triển. Việt Nam chúng ta nên đi theo hướng này và không nên bi quan. 

Nghệ sĩ Quyền Linh - Ủy viên BCH Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM: Cần một cơ chế thoáng

PV: Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, điện ảnh Việt Nam hiện không có phim hay như trước?

NS. Quyền Linh: Thực ra, chúng ta vẫn có phim hay, nhưng "hay" cho đúng nghĩa thì chưa. Đừng quan niệm phim hay là cái gì to tát, mà cứ được đại đa số khán giả chấp nhận và người trong nghề thích, là được.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, muốn có được phim hay, theo anh, trước hết, cần phải làm gì?

NS. Quyền Linh: Cần làm phim cho đúng cái tâm của người nghệ sĩ, vì hiện đa số đang chạy theo thị hiếu người xem và nhà tài trợ. Với năng lực, khát vọng đang có, chúng ta cố gắng giữ cái tâm của người làm nghệ thuật và truyền thống của điện ảnh Việt Nam, thì một ngày nào đó, điện ảnh sẽ sáng trở lại và hấp dẫn người xem. Chúng ta đủ thời gian, tư cách và sức lực để làm. Cần có cơ chế Nhà nước phối hợp với xã hội hóa sẽ giải quyết được mâu thuẫn này, chứ giao hết cho nhà tài trợ phim sẽ không chất lượng.

PV: Anh cho rằng, bước đột phá để thay đổi thực trạng hiện nay là đội ngũ đạo diễn, diễn viên hay biên kịch?

NS. Quyền Linh: Khâu nào cũng quan trọng vì bất cứ người đạo diễn, diễn viên hay biên kịch cũng đều muốn làm thật hay, có điều họ bị nhà tài trợ chi phối. Nhưng tôi cho rằng, bước đột phá phải là đạo diễn. Tác giả viết hay, nhưng đạo diễn bị nhà tài trợ lái theo, quên đi đó là tác phẩm điện ảnh chuyên nghiệp. Còn diễn viên thì, đạo diễn kêu sao họ làm vậy, vì muốn đóng phim, vì nhớ nghề, vì cơm áo gạo tiền, chứ không phải họ không biết. Nếu đạo diễn giỏi thì vẫn nhờ nhà tài trợ mà vẫn bảo vệ được tác phẩm của mình. Quảng cáo như hiện nay đang làm mất đi tính chuyên nghiệp của điện ảnh.

PV: Theo anh, giải pháp mang tính lâu bền cho điện ảnh Việt Nam hiện nay là gì?

NS. Quyền Linh: Cần một cơ chế thoáng. Bởi thực chất là có nhiều tác phẩm hay. Những người làm nghệ thuật chỉ muốn làm tác phẩm thật hay, nhưng khi duyệt thường bị cắt bỏ, rất khó hiểu. Chúng ta làm phim cho nhiều người xem, đưa được những vấn đề cấp thiết của xã hội, thì đa số phim đều mang thông điệp làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải làm cho xấu đi. Vì thế, cần mở ra cơ hội cho người nghệ sĩ, để họ được sáng tạo những điều trong luật pháp Việt Nam cho phép. Nghệ thuật thế giới hiện cũng thế, người nghệ sĩ được thực sự làm nghệ thuật.

PV: Cảm ơn anh Quyền Linh!

Thanh Hằng - Dạ Miên (thực hiện)
.
.
.