Điện ảnh Châu Á "xâm chiếm" Cannes

Thứ Sáu, 25/05/2007, 14:58
Hiếm có một LHP nào “thân quen” với các nghệ sĩ Châu Á như Cannes. Các đạo diễn, diễn viên đến từ “lục địa già” lần lượt đổi nhau tại các vị trí quan trọng của sự kiện điện ảnh này.

Sự bùng nổ mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong trong khoảng hai thập kỷ gần đây với những tên tuổi lớn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ, Park Chan-wook, Củng Lợi, Chương Tử Di, Trương Mạn Ngọc.. đã góp phần làm Châu Á nổi dần lên như một thế lực mới của điện ảnh thế giới.

Nếu ở “đỉnh Olympia của điện ảnh” Oscar, thành tựu của điện ảnh Châu Á mới dừng ở giải “đạo diễn xuất sắc nhất” (Brokeback Mountain) và “phim nước ngoài xuất sắc nhất” (Ngọa hổ tàng long) của đạo diễn Lý An, thì LHP Cannes, giải thưởng uy tín thứ 2 thế giới, gần như đã trở thành sân chơi quen thuộc của giới làm phim Châu Á.

Ở giải thưởng này, các “cây đa cây đề” Châu Á liên tục đổi nhau chiếm các vị trí quan trọng của sự kiện.

Trong những năm gần như không có năm nào các nghệ sĩ Châu Á không có mặt và tạo những làn sóng đình đám tại sự kiện văn hóa hào nhoáng này.

Những vị giám khảo da vàng

Năm 2006 có thể nói là “năm Châu Á” ở LHP Cannes. Đạo diễn Vương Gia Vệ, người đã từng đoạt Cành cọ vàng cho “đạo diễn xuất sắc nhất” năm 1997 (phim Happy Together), vinh hạnh được ngồi vào ghế Chủ tịch BGK.

Trương Mạn Ngọc (thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên giám khảo.

Cùng ngồi giám khảo “dưới trướng” Vương Gia Vệ là người đẹp Chương Tử Di, người được coi là vị giám khảo trẻ nhất của Cannes.

Trước đó, đạo diễn Trần Khải Ca, Ngô Vũ Sâm, Khương Văn, Từ Khắc, Dương Đức Xương; diễn viên Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh, và năm nay là ngôi sao của điện ảnh Hong Kong Trương Mạn Ngọc đã ngồi vào vị trí vinh dự này.

Những “quả bom” Châu Á đã nổ tại Cannes

Phải sống, bộ phim đã mang về cho đạo diễn Trương Nghệ Mưu Giải thưởng lớn tại Cannes.

Một “lục địa già” Châu Á với nền văn hóa lâu đời đầy huyền bí đã không ít lần tạo được những cú shock tại Cannes.

Những khán giả Châu Âu thực sự choáng ngợp trước những Bá Vương biệt Ngu Cơ (Vĩnh biệt ái thiếp) hay Đèn lồng đỏ treo cao, Cúc đậu của Trương Nghệ Mưu với nền văn hóa đầy huyền bí đậm chất Trung Hoa.

Với Bá vương biệt cơ, đạo diễn Trần Khải Ca là người đầu tiên làm rạng danh Trung Quốc và điện ảnh Châu Á nói chung khi rinh được Cành cọ vàng đầu tiên tại Cannes 1993.

Ngay năm sau, đồng nghiệp của ông là Trương Nghệ Mưu đã được trao Giải thưởng Lớn của BGK, giải thưởng quan trọng thứ hai chỉ sau giải Cành cọ vàng, với phim Phải sống.

Ba năm sau đó đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” với Happy Together (Hạnh phúc bên nhau).

Trương Mạn Ngọc - “khách quen" của Cannes.

Bên cạnh những thành tựu của các đạo diễn, các minh tinh Châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) cũng không chịu kém cạnh khi liên tiếp được vinh danh trên sân khấu Cannes.

Năm 1994, diễn viên Cát Ưu nhận giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” với vai nam chính trong Phải sống của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Một ngôi sao khác là Củng Lợi cũng liên tục được nhắc đến tại Cannes.

Tuy chưa đoạt bất cứ giải nào tại Cannes nhưng Củng Lợi vẫn được chú ý, vì 5 năm liền những phim cô đóng đều tranh giải Cành cọ vàng. Cô cũng được mời làm thành viên giám khảo của Cannes 1997.

Năm 2000, với vai nam chính trong The Mood of Love (Tâm trạng khi yêu) diễn viên Hong Kong Lương Triều Vỹ đọat giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”. Năm 2004, bạn diễn của Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc đoạt giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc” với vai diễn trong Clean.

Những quả bom Châu Á chờ nổ tại Cannes 2007

Sau nhiều năm “chinh chiến” tại Cannes, các nhà làm phim Trung Quốc quyết định tung ra một “cơn bão” thổi qua Cannes nhằm khuếch trương thanh thế.

Cảnh trong "Hơi thở" của đạo diễn Kim Ki-duk.
Cảnh trong "Quả bóng đỏ" của Hầu Hiếu Hiền.
Cảnh trong "Khu rừng tang tóc".
Vương Gia Vệ trên trường quay.
Đạo diễn Li Yang trên trường quay Núi mù.

Theo tờ The Shanghai Morning Post, một công ty chuyên về truyền thông, J.A. Media, đã tài trợ một dự án lớn cho 5 phim liền với các đạo diễn tên tuổi.

Cả năm phim sẽ cùng được ra mắt tại Cannes. Cũng theo tờ báo này, số tiền đầu tư cho dự án lên tới vài trăm triệu tệ.

Riêng một phim trong đó nói về thần thoại điện ảnh Lý Tiểu Long đã chiếm mất khoảng 100 triệu tệ.

Năm bộ phim sẽ tạo cơn lốc tại Cannes là Lý Tiểu Long (đạo diễn Quan Cẩm Bằng), Phụ nữ không xấu (Từ Khắc), My Blueberry Nights (Vương Gia Vệ), Nhảy (Châu Tinh Trì) và Con gái của thiếp (Hứa An Hoa).

Ba “tài nữ” điện ảnh trẻ của Trung Quốc hiện nay: Châu Tấn, Triệu Vi, Từ Tịnh Lôi cũng góp mặt trong Phụ nữ không xấu, và hứa hẹn sẽ góp phần “thắp sáng” Cannes.

Ngoài ra còn có hai phim Trung Quốc khác là Blind Mountain (Núi mù) của đạo diễn Li Yang và Night Train (Chuyến tàu đêm) của Diao Yinan.

Không chịu kém cạnh, giới làm phim Hàn Quốc cũng tràn đầy hy vọng “chiếm đoạt” sân khấu Cannes với sự đổ quân rầm rộ.

“Niềm hy vọng Hàn Quốc” tại Cannes lần này được đặt vào Breath (Hơi thở) của đạo diễn Kim Ki-duk với sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Đài Loan Trương Chấn; Secret Sunshine (Bình minh bí mật) của đạo diễn Lee Chang-dong.

Song hành với hai người láng giềng, các nhà làm phim Nhật mang tới Cannes phim The Mourning Forest (Khu rừng tang tóc) của nữ đạo diễn trẻ Naomi Kawase, người đã từng đoạt Camera Vàng với bộ phim đầu tay của cô tại Cannes 1997 và Dai Nihonjin của đạo diễn Hitoshi Matsumoto.

Thái Lan cũng góp mặt với Foster Child (Nuôi dưỡng đứa trẻ) của đạo diễn Brillante Mendoza và Ploy (Trò giải trí) của đạo diễn Pen-ek Ratanaruang; Pleasure Factory (Phân xưởng vui vẻ) của Ekachai Uekrongtham.

Đại diện cho điện ảnh Đài Loan có The Red Balloon (Quả bóng đỏ) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền

Theo Hoàng Hường (VietNamnet)
.
.
.