Đi tìm lai lịch chiếc trống đồng cổ

Chủ Nhật, 11/03/2007, 10:11

Bảo tàng Hà Nội vừa được bàn giao một chiếc trống đồng thuộc loại hiếm và quý. Vẻn vẹn vài dòng ghi lại về xuất xứ từ Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Đông Anh cũng đủ gợi ý một cuộc lần tìm mang tính "hình sự". Nhưng không phải tìm một đối tượng nào mà là tìm... nơi trống được chôn.

Ngày 15/1/2007, chiếc trống đồng Đông Sơn có đường kính mặt 41cm, chiều cao 32cm, đường kính chân 54cm đã chính thức được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội với một bản lý lịch trích ngang mang tên “Trống Đông Anh”. Tuy nhiên, huyện Đông Anh thì rộng mà nơi đào được vẫn còn chưa biết đấy là đâu.

Đặt lại tên cho trống

Việc một trống đồng mới được phát hiện đã là một sự kiện khoa học lớn, nhưng biết được xuất xứ của trống mới thực sự quan trọng để tìm hiểu lịch sử Hà Nội, mà nhiều khi từ một địa chỉ cụ thể đã lần tìm được cả một làng cổ hay một khu mộ cổ. Còn nếu không biết được xuất xứ, thì trống này cũng chỉ như nhiều chiếc trống khác lai lịch mù mờ trong một bộ sưu tập cổ vật tư nhân nào đó mà thôi.

Ngày 30/1/2007, chúng tôi đến Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Đông Anh gặp ông Vương Văn Cẩn và ông Dương Văn Thao là những người chứng kiến giờ phút phát hiện trống đầu tiên và được biết: ngày 26/11/2005, khi ủi đống đất nguyên liệu để cho vào dây chuyền sản xuất gốm xây dựng thì gặp một đồ vật bị đất bao phủ.

Đầu tiên, công nhân tưởng là vành lốp ôtô, sau đó khi rửa ra thì lại giống “nồi cám lợn”. Mang về văn phòng công ty, một số người phán đoán có thể là trống đồng và báo lại cho cơ quan chức năng. Số phận của chiếc trống được biết đến từ đấy.

Cái khó là trong một núi đất lớn để làm nguyên liệu sản xuất của công ty được lấy từ 5 nơi khác nhau: 2 ở huyện Sóc Sơn, 3 ở huyện Đông Anh là các xã: Vĩnh Ngọc, Hải Bối và Xuân Nộn. Khi mang về, đất được đổ lẫn lộn, thời gian tập kết nguyên liệu đến khi sử dụng lại trôi qua nhiều tháng.

Vì thế khó biết đích thực trống được mang về từ vùng đất nào. Tuy nhiên, căn cứ vào chất đất còn bám dính vào lòng trống, có thể loại trừ đất ở vùng Sóc Sơn là vùng đất đỏ, cũng ngoại trừ đất của xã Xuân Nộn. Đất trong lòng trống là đất sét lẫn phù sa, phù hợp với chất đất ở xã Vĩnh Ngọc và Hải Bối.

Chưa hài lòng với kết quả tìm hiểu, vẫn còn 2 ẩn số, chúng tôi tìm gặp ông Trương Hữu Chiến là người chuyên thầu đất cho công ty, được biết khả năng trống được máy xúc loại có gầu xúc 0,85 mét khối xúc được và đổ vào xe tải chở đến kho đất. Việc xúc đất về đêm nên không thể phát hiện chiếc trống kịp thời. Nhưng địa chỉ lấy đất vào dịp này đã được biết đích xác là ở khu vực hồ Điều Hòa, thuộc thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh.

Khu vực này đã có nhiều thay đổi, nơi tìm được trống là khu ruộng trồng lúa có tên là Cống Nhân của thôn, nay đã trở thành lòng hồ tương lai chứa nước để điều hòa môi trường trong khu vực. Không còn một dấu vết di tích nào liên quan đến trống đồng, nhưng ít ra cũng biết đích xác được nơi chôn trống để có thể viết lại “giấy khai sinh” là trống Hải Bối. Nhiều bí mật quanh chiếc trống như trống được chôn trong hoàn cảnh nào, trong mộ táng như một hình thức chia của hay chỉ đơn thuần là cất giấu như một dạng của cải trong một khung cảnh loạn lạc đương thời? Chẳng còn ai biết được nữa.

Song, việc tìm thấy trống dưới các lớp đất ruộng lúa ven sông đã hé mở một khả năng có một làng cổ đâu đây không xa lắm, như nhiều trường hợp phát hiện trống đồng cho thấy vậy. Đáng lưu ý là khu vực xã Hải Bối là khu vực ngã ba sông Hồng và sông Đuống, một địa thế khá đẹp cho người Việt cổ chọn làm chỗ lập làng lập xóm. Vì thế, có thể trong tương lai, khu vực ngã ba sông này sẽ xuất lộ một địa điểm khảo cổ mà cư dân của nó đã từng chôn chiếc trống Hải Bối là điều hoàn toàn hợp lôgích.

Mặt khác, nơi tìm thấy trống Hải Bối chỉ cách nơi tìm được trống Cổ Loa nổi tiếng (phát hiện năm 1982) có 8 km chứng tỏ mảnh đất này rất có tiềm năng... trống đồng. Phát hiện này đã điền vào bản đồ khảo cổ học thời Hùng Vương thêm một điểm son trên địa bàn huyện Đông Anh vốn là khu vực đậm đặc di tích đương thời nhất Hà Nội.

Đôi điều về trống Hải Bối

Trống mới được phát hiện đã bổ sung vào bộ sưu tầm trống đồng các loại của Bảo tàng Hà Nội thành 23 chiếc, trong đó số trống Đông Sơn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây lại là 1 trong 2 chiếc trống Đông Sơn đào được ngay trong lòng đất, có xuất xứ rõ ràng. Vì thế, giá trị của trống đối với việc nghiên cứu lịch sử thủ đô là quý giá. Trống Đông Sơn cùng với hàng chục làng cổ đã được phát hiện đã giúp chúng ta hình dung bức tranh toàn cảnh  một thời của Hà Nội cách đây hơn 2.000 năm: Dọc đôi bờ sông Hồng, sông Đuống làng xóm rộn rã tiếng trống đồng, thuyền bè qua lại tấp nập.

Đối với khảo cổ học, thì trống này có dáng hình và hoa văn khá lạ và hiếm khi gặp. Hoa văn giữa mặt là ngôi sao có 23 cánh. Giữa ngôi sao là một hình tròn. Quanh ngôi sao có 4 đường chỉ nổi. Ngoài ra mặt trống không có các hoa văn thường thấy ở các trống Đông Sơn khác là chim bay, người múa hóa trang... Phần tang trống không có hoa văn. Phần lưng trống có hoa văn dích dắc và hình tam giác. Trống có những nét giống với nhóm trống tìm được ở Tùng Lâm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Nhóm trống này vốn gây ra nhiều sự tranh cãi giữa các nhà khoa học: có thể là trống sớm, thậm chí thuộc loại sớm nhất trong số trống đồng tìm được ở ta. Có người lại cho rằng trống thuộc loại muộn, kỹ thuật đúc không cao và là trống suy thoái.

Việc tìm được trống Hải Bối đã góp phần cung cấp nhiều tư liệu mới về nhóm trống này, nhất là ở góc độ kỹ thuật đúc và sự nguyên lành của nó so với những chiếc trống cùng nhóm trước đây. Vì thế, ý nghĩa khoa học của phát hiện này quan trọng góp phần nhìn lại sự phân loại các loại trống đồng Đông Sơn. Bước đầu, có thể đã xác định được niên đại trống Hải Bối vào khoảng hơn 2.000 năm cách đây

Trịnh Sinh - Thúy Hạnh
.
.
.