Đi tìm giá trị thực của nhan sắc

Chủ Nhật, 07/09/2008, 16:20
Việc ông Phạm Sĩ Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Quang Trung (Đà Nẵng) cung cấp thông tin cho báo chí về việc Hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung xin nghỉ giữa năm học lớp 12, nghĩa là chưa tốt nghiệp THPT, giống như gáo nước lạnh giội thẳng xuống ban giám khảo cuộc thi này. Điều này bộc lộ sự gian dối, không chỉ từ phía thí sinh mà còn của cả ban tổ chức.

Hoa hậu Thùy Dung có bị tước vương miện hay không, đó không phải là vấn đề quan trọng nhất. Nhìn sâu vào hiện tượng này, có cảm giác như Thùy Dung đã phải gánh một gánh nặng vượt tuổi 18 và tầm hiểu biết của mình khi đội vương miện. Như thể, vương miện này không sinh ra để dành cho cô. Cái quan trọng là hoa hậu có làm nổi những công việc gian nan của mình hay không, khi tấm bằng trung học cô cũng không thể có? Và phải chăng, chính người lớn vì sự ham danh tiếng mà đã tìm mọi cách hợp thức hóa mọi thiếu hụt về mặt trình độ học vấn cho con mình?

Việc xử lý ban tổ chức, xử lý thí sinh nặng hay nhẹ có thể không cần bàn đến nữa, vì chẳng ai vui mừng khi thấy người khác ngã ngựa. Nhưng chúng ta không thể xuề xòa để rồi từ đó tạo ra một tiền lệ xấu. Cần phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thừa nhận sự thật, để từ đó làm tốt hơn việc này trong tương lai…

Trách nhiệm của ban tổ chức

Cuộc họp báo ngày 5/9 của Báo Tiền Phong và sự lúng túng của Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2008 Dương Xuân Nam cho thấy, chính những người trong cuộc đã không tìm được giải pháp tối ưu cho sự cố này. Các câu hỏi của phóng viên liên tiếp được đưa ra. Còn ban tổ chức giải thích cầm chừng, có phần phủ nhận và hoàn toàn không đưa ra được những chứng lý thuyết phục.

Ông Dương Xuân Nam đã mất đi cái tự tin của một người nhiều năm tổ chức kinh nghiệm thi hoa hậu. Ông cũng đã không thể chắc chắn rằng, ban tổ chức đã điều tra kỹ lưỡng về nhân thân các cô gái dự định chọn vào top 5 trước giờ đăng quang.

Thùy Dung là cô gái được coi là "ngây thơ" trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Cô xuất hiện gần như không trang điểm, không người đi kèm và cô kiên quyết chỉ chấp nhận chuyên gia trang điểm và trang phục do ban tổ chức cung cấp.

Những ngày đầu tiếp xúc với phóng viên, cô trả lời rất khó chịu, rất khó khăn để có được số điện thoại của cô. Và khi được hỏi vì sao cô không thi đại học? Cô nói rằng, cô chưa đủ tự tin.

Trong cuộc họp báo sau phút đăng quang, phóng viên Báo CAND đã đặt câu hỏi với Thùy Dung: "Cô nói không đủ tự tin để thi đại học, vậy vương miện này có giúp cô tự tin hơn? Và khối lượng công việc quá nhiều, mà một nhà hoạt động xã hội lâu năm cũng phải rất vất vả mới làm xong, thì cô có thấy nó quá sức với tuổi 18 của mình không?". Thùy Dung tự tin trả lời rằng, cô không thi đại học vì bố mẹ cô đã chuẩn bị cho cô đi du học tại Mỹ. Và cô tin rằng mình còn rất trẻ, tương lai sẽ xán lạn, cô sẽ làm được mọi việc mà mình mong muốn.

Còn Trưởng ban giám khảo Dương Xuân Nam đã không ngần ngại khẳng định, ban giám khảo đã có sự đồng thuận rất cao và chấm Thùy Dung là nhìn ở tương lai.

Trước đó không lâu, trả lời người viết bài này, ông nói các thí sinh bây giờ trình độ rất cao, ứng xử tốt và nhiều người có bằng đại học, thạc sỹ, chính họ góp phần đưa sắc đẹp Việt Nam lên ngôi trên bản đồ sắc đẹp thế giới.

Cũng trong cuộc họp báo này, người viết đã đặt câu hỏi cho ông Dương Xuân Nam, rằng, phải chăng ban tổ chức đã thay đổi tiêu chí chọn hoa hậu? Vì thực sự hoa hậu ứng xử không tốt và không có trình độ đại học. Ông Nam có nói rằng, trình độ đại học (như ông đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn trước đó một năm trên Báo CAND, rằng hoa hậu thế kỷ XXI cần phải có trình độ đại học và ứng xử tốt) cũng rất cần thiết nhưng quan trong là suy nghĩ và hành động thể hiện của mỗi người đẹp. Có những cô học lớp 8, 9 nhưng có tấm lòng tốt làm được nhiều điều lớn lao. "Hoa hậu năm nay đang định du học ở Mỹ và tôi nghĩ rằng tương lai còn ở phía trước với Thuỳ Dung"…

Lý do giải thích rằng nôn nóng "đi trước quy chế" của Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2008 về việc cho thí sinh chưa tốt nghiệp THPT dự thi, là một cách giải thích mang tính "đối phó". Bởi trong chính thông báo của ban tổ chức đăng trên Báo Tiền Phong ngày 23/1/2008 có ghi rất rõ: "Đối tượng và điều kiện dự  thi: Các nữ công dân Việt Nam đang độ tuổi từ 18 đến 27 (theo ngày tháng năm sinh); Chưa lập gia đình, chưa có con; Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp THPT; Chiều cao từ 1m60 trở lên, không qua giải phẫu thẩm mỹ và chuyển đổi giới tính". Nên nói nôn nóng đi trước quy chế là không chính xác.

Thêm vào đó, cứ nương theo cách giải thích của ban tổ chức về "trình độ THPT" thì theo ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), chỉ có một cách hiểu duy nhất được thừa nhận là phải tốt nghiệp và có bằng tốt nghiệp mới được xem là người có trình độ THPT.--PageBreak--

Trách nhiệm của gia đình

Có thể Thùy Dung 18 tuổi nghĩ đi thi hoa hậu cho vui chứ cũng không nghĩ mình được giải nên cũng không nghĩ đến việc mình cần phải đối phó với sự cố lớn như vậy. Nhưng bố mẹ Thùy Dung thì biết, chắc chắn phải biết và biết rất rõ. Bởi họ đã chuẩn bị cho tương lai của con mình bằng việc du học tại Mỹ (tại một trường dạy nghề máy tính, tiếng Anh và… sản xuất răng giả có tên Newton International College) bằng cách làm một cuốn học bạ có đầy đủ bảng điểm, dù con gái họ không hề theo học hết lớp 12. Bảng điểm có ghi tên của các giáo viên bộ môn mà chính những người đứng đầu trường trung học đó cũng ngỡ ngàng. Rất nhiều người trong đó không còn giảng dạy tại trường. Cuốn học bạ đó chính là chứng cứ cho một lời nói dối.

Dường như bậc cha mẹ này đã tìm mọi cách để con mình đi lên mà không nghĩ đến một cách cơ bản nhất là phải học và phải có kiến thức thực sự. Không biết những thông tin về sự cố liên quan đến cuốn học bạ giả của Thùy Dung có khiến cô mất quyền đi du học tại Mỹ hay không. Nhưng vương miện mà Thùy Dung vừa nhận đã không còn vinh quang nữa. Bởi nếu nó không bị tước, nghĩa là nó được dư luận thể tất chứ không phải nó thực sự xứng đáng như người ta vẫn nghĩ về một vương miện.

Trách nhiệm của giới truyền thông

Một tờ báo mạng vội vàng đăng những lời ca ngợi hết lời Hoa hậu Thùy Dung ngay sau khi cô đăng quang vài chục phút. Nhưng cũng chính tờ báo ấy vào cuộc hăng hái nhất về việc cô hoa hậu không có bằng tốt nghiệp và cuốn học bạ bị nghi là giả. Không ít phóng viên đã vồ vập đưa tin về cuộc thi này, phỏng vấn các thí sinh, ca ngợi nhiều gương mặt, cho dù ở ngoài cuộc họ đều đánh giá cuộc thi năm nay chất lượng không cao. Dường như tính "chịu trách nhiệm" trong việc đưa tin chưa thật cao.

Nếu như tờ báo kia đã "trót" ca ngợi Thùy Dung hết lời thì ít nhất cũng không thể quay ngược lại 180 độ để tìm ra sự thật (mà ai cũng biết nếu tìm ra sự thật thì về mặt quy chế, về mặt pháp lý, khả năng cao Thùy Dung sẽ bị tước vương miện). Bởi khi truyền thông đưa tin kiểu… hai mặt như vậy, độc giả không biết sẽ đặt niềm tin của mình vào đâu.

Chưa hết, khi ban tổ chức giải thích rằng, Thùy Dung không vi phạm quy chế thì không có nghĩa rằng cô không vi phạm quy chế. Bởi đó là ban tổ chức nói, còn truyền thông phải có nghĩa vụ thẩm định, đối chiếu và đưa tin khách quan. Nhưng không phải tờ báo nào cũng làm được điều này. Họ đưa tin rằng "Thùy Dung không hề vi phạm quy chế". Nếu nhìn lại từ đầu theo logic thông thường sẽ thấy việc nói không vi phạm quy chế chỉ là ngụy biện.

Gánh nặng trên đôi vai 18 tuổi

Có thể nói, Thùy Dung có một chiều cao lý tưởng để tiếp tục bước ra với các cuộc thi sắc đẹp thế giới. Tuy nhiên, một cô gái quá ấp úng với những câu hỏi quá giản đơn đã được biết trước và lại chưa thi đậu trình độ phổ thông thì liệu có nên hy vọng quá nhiều ở cô? Và những gì hoa hậu này phải thực hiện trong 2 năm tới đây là quá nhiều, quá nặng nề. Cô sẽ làm gì với những công việc liên quan tới an sinh xã hội vì người nghèo mà người ta đã đề ra? Nếu ai đó nghĩ rằng một hoa hậu chỉ cần đẹp và có chiều cao lý tưởng thì có lẽ quan niệm đó đã trở nên quá hẹp.

Cuộc sống đổi thay quá nhanh và mọi giá trị đổi thay liên tục, nếu hoa hậu không thông minh và bản lĩnh, cô ta cuối cùng cũng chỉ mang theo mình một mớ danh xưng và giá trị ảo mà thôi. Việc Thùy Dung trở thành hoa hậu cũng có nghĩa cô đang phải gánh trên vai gánh nặng quá lớn so với tuổi 18 và sự hiểu biết của mình. Và điều đó sẽ làm xoay chuyển cuộc sống của cô theo hướng khác. Đó là điều không đơn giản.

Việc tước vương miện của Thùy Dung lúc này không còn là điều quan trọng nữa. Quan trọng là niềm tin về chiếc vương miện của cuộc thi này đã mất đi. Niềm tin mất đi, để lấy lại là điều vô cùng gian khó. Và có lẽ, trước khi trao vương miện (cũng là trao cả sứ mệnh lên vai một con người) cũng cần phải tính đến sức lực của họ, xem họ có gánh nổi không. Bởi vương miện có thể trao luân lưu sau 2 năm, nhưng nghĩa vụ của hoa hậu với công chúng là nghĩa vụ phải đeo gánh cả cuộc đời…

Thiên Ý
.
.
.